Tự chủ đại học: Bài 2 - Luật có nhưng chưa hóa giải được "thế khó"

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 02/12/2020 07:00

Luật sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học và nghị định hướng dẫn thi hành dù đã "luật hóa" tự chủ đại học cũng chỉ mới bắt đầu thực hiện chưa được 1 năm, từ tháng 2/2020.

Từ năm 2014, 23 cơ sở giáo dục đại học bắt đầu thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo nghị quyết 77 của Chính phủ. Đến nay hầu hết các trường tham gia thí điểm tự chủ đều đã có bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo diện mạo mới cho hệ thống giáo dục Đại học giáo dục Việt Nam.

Luật sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học và nghị định hướng dẫn thi hành dù đã "luật hóa" tự chủ đại học cũng chỉ mới bắt đầu thực hiện chưa được 1 năm, từ tháng 2-2020. Do vậy, trong bước đầu thực hiện quyền tự chủ  vẫn còn một số vướng mắc. 

Tự chủ ĐH không chỉ thực hiện theo Luật sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học mà còn chịu sự chi phối của các luật khác như Luật tài sản công, Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước, Luật công chức - viên chức...

Khi thực hiện Luật sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học cũng phải rà soát, sửa đổi các luật trên và các quy định dưới luật. Ngoài ra, việc tự chủ cũng phải đi kèm với các điều kiện khác như thành lập hội đồng trường; phân tách giữa quản lý và quản trị ở trong trường ĐH; cần có sự phân cấp, phân quyền giữa nhà trường tự chủ với các đơn vị cơ sở để phát huy năng lực của các đơn vị.

GS.TS Trần Hồng Quân - nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT - nhận định hiện nay tự chủ ĐH đã trở thành chủ trương lớn, đã đưa vào luật nhưng vẫn không dễ thực hiện vì còn vướng tư duy và nhiều ràng buộc pháp lý do nhiều luật lệ chưa sửa đổi đồng bộ.

"Tự chủ ĐH là một chủ trương canh tân lớn về quản lý trên cơ bản là đặt niềm tin và giao trọng trách cho cấp dưới, tháo gỡ nhiều ràng buộc trong quản lý, giao nhiều quyền tự quyết cho các trường, tạo một không gian tự do sáng tạo trong hoạt động học thuật và điều hành nhà trường. Đó là một bước dân chủ hóa giáo dục ĐH"- ông Quân nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng hệ thống luật pháp hiện nay chưa đồng bộ, GS.TS Nguyễn Hữu Đức - nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - lại nhận định đó chỉ là những vướng mắc về mặt kỹ thuật. Điều quan trọng hơn là xác định rõ nội hàm và trách nhiệm khi cho tự chủ các trường ĐH sẽ làm gì. Việc tăng quy mô đào tạo, tăng học phí, đảm bảo một phần tài chính của nhà trường nhiều khi không cần tự chủ vẫn có thể làm được.

Vụ kỷ luật Hiệu trưởng đại học tự chủ Tôn Đức Thắng là ví dụ điển hình của những vướng mắc từ tư duy. Câu hỏi được ĐBQH Lê Thanh Vân đặt ra: “Việc cách chức như vậy có đúng với thẩm quyền quy định của Liên đoàn lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Giáo dục đại học hay không”?

Nếu căn cứ theo quy định tự chủ đại học, “ghế” ông Hiệu trưởng phải do Hội đồng trường quyết định. Vậy, cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động có vai trò gì trong quản lý, sử dụng con người?

Lổ hổng xảy ra khi ông Hiệu trưởng Tôn Đức Thắng bị kỷ luật trong bối cảnh Hội đồng trường hết nhiệm kỳ. Thậm chí việc kỷ luật còn phải tham vấn ý kiến Bộ Nội vụ như ĐBQH Diệu Thúy thông tin tại Quốc hội.

Kỷ luật người lao động là động thái bình thường, song tại trường Tôn Đức Thắng đã gây ra nhiều tranh cãi. Nguồn cội của việc này là do chồng chéo giữa các bộ Luật.

Điều trớ trêu hơn trong sự việc này là người ta còn tranh luận “sử dụng bộ Luật này đúng hoặc bộ Luật kia chưa đúng”. Đã là luật thì có thể áp dụng trong mọi trường hợp. Giả sử nếu không áp dụng được luật Lao động hoặc Luật viên chức để kỷ luật thì hóa ra hai luật này nên bỏ chương mục về xử lý kỷ luật?

Đó là do Hội đồng trường, trong tự chủ đại học, Hội đồng này được giao quyền rất lớn từ cơ quan chủ quản. Nhưng rất nhiều Hội đồng trường chưa phát huy hết chức năng được giao.

Thiết chế này hoặc là vẫn đang hoạt động như một bộ máy quản lý mở rộng của Hiệu trưởng hoặc là một tổ chức tư vấn cho hiệu trưởng. Như TS Mai Văn Tỉnh (chuyên viên cao cấp từ Bộ GD&ĐT) dẫn lại Hội đồng trường giống như “hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

Vụ kỷ luật Hiệu trưởng đại học Tôn Đức Thắng cho thấy sự rối rắm về quản lý

Vụ kỷ luật Hiệu trưởng đại học Tôn Đức Thắng cho thấy sự rối rắm về quản lý

Một sự việc cụ thể - không thể quản lý được nếu như có quá nhiều điều luật ràng buộc nó. Một mặt khiến cho thiết chế ấy không thể cựa quậy, đặc biệt là với các đại học tự chủ - cần sự tự quyết. Mặt khác, khi xảy ra sự cố lại đùn đẩy trách nhiệm.

Trước đây đã từng có chuyện 1 chiếc lạp xưởng có tới 7 bộ, ngành cùng quản lý, quy phạm. Thế mà lạp xưởng không đảm bảo chất lượng, nhập lậu vẫn ngang nhiên tồn tại!

Nói như vậy có nghĩa, đằng sau việc đổi mới tư duy là thể chế, luật pháp. Cần có bộ luật riêng đối với tự chủ đại học. Quy phạm rõ ràng hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động của Hội đồng trường. Dẹp bỏ tình trạng “gọi dạ bảo vâng” từ cơ quan chủ quản, sự bứt phá, “xé rào” tích cực phải được pháp luật bảo vệ.

Mô hình tự chủ làm tăng quyền lực của Hội đồng trường, hạn chế bớt vấn nạn “hành chính hóa học đường”. Song, đã 10 năm thực hiện tự chủ nhưng mới có hơn nửa trong tổng số 240 đại học, học viện và 37 viện nghiên cứu thành lập được Hội đồng trường. Do đâu dẫn đến tình trạng ì ạch này?

Tâm lý chung vẫn là tư duy cũ, không dám dứt ra khỏi “bầu sữa” ngân sách, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng giáo dục đại học, nhiều trường sống dở chết dở. Thực tế nhiều trường công sẽ giải thể từ lâu nếu như không được ngân sách rót về hàng năm.

Mô hình giáo dục bao cấp dựa vào nhà nước giống như tấm chăn ấm không ai muốn rũ bỏ. Nếu tự chủ, các trường phải giải quyết mâu thuẫn giữa “lãnh đạo - quản lý - điều hành” tương đương với 3 chủ thể “Đảng ủy - Hội đồng trường - Ban giám hiệu”.

Cụ thể, Hội đồng trường vẫn đặt dưới chính sách, chủ trương chung do Đảng ủy lãnh đạo. Một lần nữa, Đảng ủy cũng phải thay đổi cách thức tiếp cận, sao cho không quá cứng nhắc, nhưng bản thân Đảng ủy nhà trường cũng chịu sự lãnh đạo của Đảng ủy cấp trên!

Phân tích sơ bộ cho thấy, tự chủ đại học không phải là nhiệm vụ riêng của các đại học, nói đúng hơn bản thân các đại học không thể kham nổi nếu như thiếu sự quyết tâm của cả hệ thống.

Có thể bạn quan tâm

  • Tự chủ đại học: Bài 1 - Thay đổi tư duy

    Tự chủ đại học: Bài 1 - Thay đổi tư duy

    06:00, 30/11/2020

  • Tương lai cho tự chủ Đại học ở Việt Nam

    Tương lai cho tự chủ Đại học ở Việt Nam

    06:00, 20/11/2020

  • Tự chủ đại học nhìn từ Đại học Tôn Đức Thắng

    Tự chủ đại học nhìn từ Đại học Tôn Đức Thắng

    06:00, 19/11/2020

  • "Tự chủ đại học không có nghĩa là không có quản lý"

    15:00, 09/11/2020

  • “Nguồn” cho tự chủ đại học

    “Nguồn” cho tự chủ đại học

    11:00, 10/10/2019

TRƯƠNG KHẮC TRÀ