Chính sách thuế của Tổng thống Joe Biden - Bài II: Đo đếm thiệt hơn
Thật khó để nói rằng, phương pháp quản trị của D. Trump và J. Biden - ai ưu việt hơn ai!
Với việc đánh vào túi tiền của người giàu, Tổng thống Joe Biden muốn thiết lập công bằng xã hội thông qua tái cơ cấu phân phối của cải, giảm bớt bất công bằng, khoảng cách giàu nghèo.
Nếu như đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, nhóm giàu có tại Mỹ chỉ chiếm 1% dân số nhưng kiếm tiền nhiều hơn 27 lần so với 50% dân số nhóm dưới, thì ngày nay bội số đã tăng 81 lần! Trong bối cảnh khoảng cách giàu nghèo tại Mỹ và trên thế giới có xu hướng nới rộng thì chính sách của Nhà trắng là hợp lý.
Tăng thuế với nhóm nhà giàu giúp kinh tế Mỹ phát triển bền vững hơn, tăng cường sức đề kháng để chống chọi với những biến động từ bên ngoài, mặc dù điều này có vẻ như làm hao tổn động lực làm giàu!
Đối với mọi quốc gia, tăng cường đầu tư cho giáo dục, y tế, an sinh xã hội, nghiên cứu, phát triển là cách tốt nhất để tái tạo lực lượng lao động và tạo ra đội ngũ lao động chất lượng hơn. Nền giáo dục mạnh thì quốc gia hưng thịnh.
Với chủ trương tăng lương tối thiểu toàn quốc từ mức 7,25 USD/giờ hiện tại lên 15 USD/giờ, Nhà trắng sẽ làm “mát lòng” hàng chục triệu người nhập cư - bộ phận đóng vai trò quan trọng tạo nên nước Mỹ thịnh vượng như bây giờ.
Với việc có thêm hàng nghìn tỷ USD từ tăng thuế, nội các J. Biden sẽ dễ thở hơn với khối nợ chính phủ hiện đã vượt hơn 0,8% so với GDP của Mỹ. Theo Uỷ ban Ngân sách Liên bang Mỹ, khối nợ này có thể tăng trội thêm 17% so với GDP vào năm 2023.
Chung quy lại, ý định của Tổng thống Biden là kiến tạo nên một nước Mỹ “giàu nghèo trung bình, người giàu có trách nhiệm san sẻ cho người nghèo, trong đó vai trò và hình ảnh của nhà nước giống như “mạnh thường quân”.
Đương nhiên, tác dụng phụ của tăng thuế không hề nhỏ, đầu tiên J. Biden sẽ làm phật lòng giới thượng lưu, giới chủ doanh nghiệp giàu có ở phố Wall, đầu tư nội địa từ khu vực tư nhân được cân nhắc lại.
Không loại trừ xuất hiện dòng vốn chảy ra khỏi lãnh thổ đến với các quốc gia đang phát triển vốn thu hút FDI dựa vào giảm thuế. Đây là hiện tượng mà các nước đang phát triển như Việt Nam cần lưu tâm.
Thuế tăng, mức lương tăng sẽ kéo theo thất nghiệp. Đại học Trinity (Texas) và Đại học Miami (Ohio) chỉ ra trong một khảo sát, mức lương 15 USD/giờ có thể đẩy 2 triệu người Mỹ vào cảnh mất việc làm, trong đó chủ yếu là phụ nữ và người lao động trẻ.
Ông Trump từng đạt được thành tựu bằng con số thất nghiệp 3,5% - thấp nhất trong lịch sử, không bất ngờ nếu như Rabobank dự báo năm đầu tiên cầm quyền của J. Biden tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể là 10,7%.
Thuế cao, cộng với mức lương tăng sẽ khiến doanh nghiệp tăng chi phí hoạt động, để duy trì hoạt động buộc phải cắt giảm quy mô, thận trọng hơn trong tuyển dụng lao động.
Điều này rất quan trọng, trong nền kinh tế Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp lượng hóa một cách chính xác sức khỏe nền kinh tế, thất nghiệp có thể phá tan mọi chính sách của Tổng thống.
Có một sự thật, không ai giỏi trốn thuế hơn giới nhà giàu Mỹ, ông Joe Biden có thể gián tiếp làm xuất hiện nhiều “thiên đường thuế” như kiểu Panama, Bermuda, Cayman, Thụy Sĩ, Singapore,…
Có thể bạn quan tâm
Chính sách của Tổng thống Joe Biden - Bài I: Vì sao thuế tăng?
06:00, 23/01/2021
Chính sách nhập cư - "Con dao hai lưỡi" của tân Tổng thống Mỹ
11:30, 22/01/2021
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá thế nào là hợp lý?
07:06, 16/12/2020
Tăng thuế giá trị gia tăng cho phân bón: Tin vui cho doanh nghiệp
04:50, 03/11/2020
Đề xuất tăng thuế phốt pho vàng: Lào Cai “làm khó” doanh nghiệp
05:00, 31/12/2019
Đề nghị không tăng thuế đối với mặt hàng hạt nhựa PP
09:14, 11/12/2019