Cuộc chiến chống COVID-19 lần này sẽ ra sao?
Lại một lần nữa học sinh phải nghỉ học, khu dân cư bị phong toả, F1 phải đi “nghỉ dưỡng” 21 ngày… Điều mà chẳng ai mong muốn nhưng vẫn phải làm khi chúng ta đang bị COVID-19 uy hiếp từ nhiều phía.
Sau hơn 1 tháng tỉnh Hải Dương gỡ lệnh phong toả điểm cách ly cuối cùng tại khu dân cư Văn Xá, phường Ái Quốc, TP Hải Dương; giải thể bệnh viện dã chiến số 2 trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Và chỉ sau 2 ngày khi Hải Dương thông báo không còn bệnh nhân mắc COVID-19 (ngày 3/5) thì đến ngày 5/5, Hải Dương lại tiếp tục ghi nhận thêm 2 ca nhiễm COVID-19 mới.
Niềm vui đến với người dân tỉnh Hải Dương chưa được bao lâu, những người ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch cũng chưa kịp nghỉ ngơi hồi sức thì giờ đây họ lại bước vào một cuộc chiến với “giặc” COVID-19 mới.
Rút kinh nghiệm từ lần chống dịch trước, lần này, không để bị động, bất ngờ trong các tình huống phòng chống dịch, ngay khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới, Hải Dương đã thực hiện phong toả, khoanh vùng và ra thông báo khẩn đề nghị các trường hợp đã từng tiếp xúc hoặc đến những địa điểm mà bệnh nhân mắc COVID-19 đã từng đi qua nhanh chóng khai báo ngay với cơ quan y tế để được hỗ trợ. Huyện Tứ Kỳ cũng lập tức ra thông báo cho học sinh mầm non, tiểu học, các khối 6,7,8 THCS, học sinh trung tâm giáo dục thường xuyên nghỉ học để phòng, chống dịch.
Rồi quy định cách ly đối với người nhập cảnh cũng được Hải Dương siết chặt. Ngoài việc thực hiện cách ly tập trung, người nhập cảnh sau khi về Hải Dương phải cách ly thêm 7 ngày tại nơi cư trú, tạm trú hoặc tại doanh nghiệp nếu tiếp tục sinh sống và làm việc tại địa phương. Vào ngày thứ 7 của đợt cách ly phải lấy mẫu xét nghiệm, khi cho kết quả âm tính mới được đi làm trở lại.
Thậm chí ở một số địa phương còn yêu cầu người nhập cảnh cách ly tại nhà 14 ngày sau khi kết thúc cách ly y tế tập trung. Bởi nếu không thận trọng trong các bước thực hiện cách ly sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng khôn lường. Chẳng cần nhìn đâu xa, sự việc để xảy ra vi phạm trong quản lý khu cách ly tập trung ở Yên Bái hay việc để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng tại Hà Nam chính là những ví dụ điển hình cho việc cần phải làm nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
Có thể nói, không chỉ Hải Dương mà cả Việt Nam đang bị đại dịch COVID-19 uy hiếp từ mọi phía. Nhìn sang người hàng xóm Thái Bình, sáng 6/5, địa phương ghi nhận 5 ca mắc COVID-19. Ngay lập tức, ngành y tế Thái Bình đã thực hiện khoanh vùng, phong tỏa khu vực các bệnh nhân sinh sống; tiến hành điều tra truy vết F1, F2. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng. Để bảo đảm an toàn, Thái Bình đã thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh từ 12h ngày 6/5.
Trước đó, để ngăn chặn làn sóng dịch thứ 4 bùng phát, tỉnh Hải Dương và Thái Bình đã nâng cao mức độ cảnh báo, đặt toàn tỉnh ở tình trạng khẩn cấp. Chắc hẳn, nhiều người vẫn chưa quên chùm ca bệnh liên quan đến quán karaoke ở Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương hồi tháng 2 vừa qua. Rồi mới đây nhất là các ca bệnh được phát hiện từ quán bar Sunny ở Vĩnh Phúc.
Bài học xương máu từ việc để lây lan dịch bệnh trong nhóm ngành nghề có yếu tố nhạy cảm này đã buộc 2 địa phương đưa ra biện pháp mạnh chính là tiếp tục tạm dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu như karaoke, massage, bar, quán game...
Còn tại Hải Phòng, mặc dù địa phương chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 mới nào, song không lơ là, chủ quan với dịch bệnh, Hải Phòng đã tạm dừng các hoạt động của các cơ sở, điểm kinh doanh dịch vụ; không đón khách từ vùng dịch về các sân golf trên địa bàn; lập chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại cầu Nghìn – QL10, huyện Vĩnh Bảo từ 19h ngày 6/5...
Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch COVID-19. Hậu quả mà mỗi lần cơn lốc dịch COVID-19 càn quét qua ai ai cũng có thể nhìn thấy được. Và với đợt dịch lần này, các địa phương đang thực hiện việc phòng, chống dịch theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo. Đó là chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất.
Đúng vậy, đừng để "mất bò mới lo làm chuồng". Trong cuộc chiến chống “giặc” COVID-19 này, chỉ một sơ hở nhỏ có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Thay vì để con đê bị sóng COVID-19 đánh vỡ, càn quyét và uy hiếp đến tính mạng của mỗi người thì chúng ta hãy chủ động đắp đập, xây kè, ngăn con sóng dữ.
Tuy nhiên, để làm được điều này, mỗi người trong dân Việt Nam cần phải thực hiện nghiêm các quy định đã đưa ra, cùng với đó, lực lượng chức năng cần làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Có như vậy, dịch COVID-19 mới sớm được ngăn chặn, đất nước sớm được yên bình, phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Vốn FDI tạo đà cho bất động sản công nghiệp bứt phá
04:00, 06/05/2021
Đà Nẵng phong tỏa nhiều khu vực có ca nhiễm COVID-19
20:15, 06/05/2021
PVEP trước tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm
15:50, 06/05/2021
Phòng, chống COVID-19: Chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công!
09:46, 06/05/2021
Tuyệt đối không bao che và xử lý nghiêm trường hợp làm lây lan dịch COVID-19
00:01, 06/05/2021
Châu Á đối mặt với nguy cơ khủng hoảng dịch Covid-19 mới
05:36, 06/05/2021