Ai quyết định cuộc chiến Israel - Palestine?
Bản thân người Trung Đông bây giờ không còn khả năng tự tái thiết hòa bình cho chính mình!
Xung đột vũ trang Israel và Palestine lại bùng phát, lần này nguy cơ cuộc chiến tranh toàn diện rõ ràng hơn bao giờ hết. Hai bên thực hiện hàng trăm cuộc tấn công lớn nhỏ vào nhau bằng rocket, ít nhất 32 người thiệt mạng, vùng Trung Đông một lần nữa bất ổn!
Jerusalem là thành phố im lìm nằm giữa Địa Trung Hải và Biển chết, nơi đây có sự pha trộn của Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo - 3 trong số những tôn giáo lớn nhất thế giới.
Người Israel cho rằng, Jerusalem được xây dựng bởi vua David có niên đại khoảng thế kỷ X trước công nguyên. Còn theo các tài liệu khảo cổ học, thành phố này lần đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ III, trước công nguyên.
Người Do thái coi Jerusalem là thủ đô bất khả xâm phạm, không thể phân chia. Trong khi đó, đối với người Palestine, Đông Jerusalem là biểu tượng của cuộc đấu tranh dân tộc và là nơi có các địa danh linh thiêng:
Thánh đường al-Aqsa và vòm đá thiêng nằm trên Núi Đền. Palestine mong muốn Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai được thành lập ở Bờ Tây và dải Gaza.
Năm 1947, Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết xóa bỏ quyền ủy trị của Anh ở Palestine và chia cắt vùng đất Palestine thành hai quốc gia độc lập, của người Arab và của người Do Thái.
Palestine đã không chấp nhận Nghị quyết của Liên hợp quốc. Vì vậy, Jerusalem tiếp tục bị tranh chấp. Đỉnh điểm là mào là “cuộc chiến 6 ngày” diễn ra vào tháng 6/1967 giữa Israel và thế giới Ả rập. Cuộc chiến tuy ngắn, phần thắng thuộc về phe Do thái, đã giúp thiết lập trật tự ở Trung Đông hơn nửa thế kỷ nay.
Định mệnh đặt dân tộc Do thái giữa muôn trùng thế giới Ả rập mộ đạo Hồi, ngoài xung đột lãnh thổ, đây còn là cuộc chiến vì niềm tin tôn giáo và bảo vệ danh dự dân tộc của các bên.
Palestine được hậu thuẫn của hầu hết quốc gia trong khu vực Trung Đông, trong khi đó Israel tìm kiếm tiếng nói ủng hộ ở bên ngoài, Mỹ không ngần ngại bày tỏ thái độ đứng về phía Tel Aviv - đó là bước ngoặt tạo ra cục diện Trung Đông như ngày nay.
Năm 2017, Tổng thống Trump tuyên bố với lãnh đạo khối Ả rập, rằng ông công nhận Jerusalem là thủ đô của nhà nước Do thái và đã chuyển đại sứ quán Mỹ đến thành phố này hồi tháng 5/2018.
Ngay lập tức, nhiều lãnh đạo ở Trung Đông điện đàm với ông Trump, bày tỏ lo ngại và cảnh báo Washington phá hỏng nỗ lực tái thiết hòa bình và gây gia tăng bất ổn trong khu vực.
Khác với Trump, Tổng thống Joe Biden đang xây dựng mối quan hệ với Israel và Palestine trên quan điểm “hài hòa”, “trung dung” dựa vào Luật pháp quốc tế. Ngay lập tức ngày 10/5 cựu Tổng thống lên tiếng chê bai “Ông Biden nhu nhược”.
Khi những nỗ lực hòa bình cho Trung Đông chuyển biến tích cực thì Washington dưới thời ông Trump tạt “gáo nước lạnh” vào thế giới Ả rập. Khiến mâu thuẫn âm ỉ bùng phát như hôm nay.
Được hậu thuẫn từ bên ngoài người Israel đã chiếm trọn Jerusalem từ năm 1967, chính phủ không ngừng tài trợ xây nhà miễn phí cho người dân ở bờ Đông thành phố này. Điều này càng khiến người Palestine và khối Ả rập giận dữ, xung đột dai dẳng chưa thể chấm dứt.
Như vậy, bản thân Trung Đông không đủ khả năng mang lại hòa bình và ổng định cho Palestine và Israel. Phần lớn bị lệ thuộc vào toan tính của các cường quốc từ bên ngoài.
Tham vọng bành trướng quyền lực, cấu kết đồng minh, khai thác tài nguyên thiên nhiên cộng với đặc tính của niềm tin tôn giáo, tự tôn dân tộc đã tạo ra mâu thuẫn rất khó giải quyết ở Trung Đông.
Có thể bạn quan tâm