Trung Quốc có thể vượt Mỹ? (Bài cuối)
Cuộc cạnh tranh này chỉ mới bắt đầu. Ai sẽ là người chiến thắng? Rất khó kết luận, nhưng lo rằng, lối ra sẽ là thế chiến III!
Có nhiều lý do để tin rằng, cuộc cạnh tranh giành quyền thống trị thế giới và thể thiện vai trò lãnh đạo thế giới luôn là diễn biến chủ đạo của tình hình quốc tế. Tất cả những câu chuyện khác đều là hệ quả của nó.
Ví dụ, thế chiến II do Đức quốc xã gây ra - lúc đó nước Đức trong tay Adolf Hitler là quốc gia công nghiệp mới nổi, cần thuộc địa để khai thác tài nguyên, cần thị trường chư hầu để tiêu thụ hàng hóa, cần địa bàn chiến lược để triển khai sức mạnh quân sự.
Hitler gây chiến tranh để chia lại cục diện thế giới, người Đức phi nghĩa đã thất bại nhưng rõ ràng cục diện thế giới sau cuộc chiến đã thay đổi. Phe đồng minh thắng cuộc áp đảo luật chơi; Liên Xô và Đông Âu dựng lên một cực; Á, Phi, Mỹ Latin nắm lấy cơ hội lần lượt giành độc lập, mở ra thời kỳ toàn cầu hóa mạnh mẽ.
Trung Quốc tự trưởng thành tách dần khỏi ảnh hưởng của Liên Xô, dần ngả về phía Mỹ sau sự kiện “ngoại giao bóng bàn” năm 1972. Mỹ tuy đã thắng nhưng họ nhầm tin Trung Quốc sẽ phát triển hòa bình, cho đến khi mối quan hệ này đổ vỡ trầm trọng dưới nhiệm kỳ Tổng thống D. Trump.
Quan hệ Mỹ - Trung hiện nay đang tái hiện lại quan hệ Mỹ - Nhật hồi thập niên 70, 80 thế kỷ trước. Kết thúc thế chiến II, trục phát xít Tokyo thất bại nặng nề, họ bắt đầu tái thiết đất nước, những thành quả vĩ đại gói gọn trong cụm từ phổ biến “thần kỳ Nhật Bản”.
Đầu những năm 80, Nhật Bản vượt qua Đức, Anh, Italia trở thành nền kinh tế số 2 thế giới. Một số lĩnh vực như công nghệ điện tử, bán dẫn, ô tô đã vượt Mỹ, dần đầu thế giới. Số giải Nobel của Nhật chỉ kém Mỹ chút ít, số phát minh khoa học mới của Nhật đã vượt Mỹ.
Tình cảnh y hệt lúc này, báo chí Mỹ liên tục “rung chuông” về mối nguy Nhật Bản. Nhiều nghị sĩ cảnh báo thâm hụt thương mại, phàn nàn việc công ty Nhật đánh cắp sở hữu trí tuệ, trong khi đó tiền từ Nhật Bản liên tục chảy vào Mỹ thâu tóm doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.
Dĩ nhiên, sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản khiến Washington lo ngại đến vị trí số 1 của mình, kế hoạch tấn công thương mại, kiềm chế Nhật Bản được đặt lên bàn Tổng thống Ronald Reagan.
Nhóm Tây Âu và Mỹ kí hiệp ước tài chính tiền tệ Plaza hạ giá đồng USD so với yên Nhật, nghĩa là đồng yên bị buộc tăng giá khiến hàng hóa của Nhật đắt đỏ, đối tác dần quay lưng.
Nói là làm, đầu năm 1981, Nhà trắng ra yêu sách yêu cầu Nhật Bản mở cửa rộng hơn cho công ty Mỹ. Đỉnh điểm vào năm 1987 Washington áp thuế 100% với 300 triệu USD hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản, ngăn chúng tiến vào thị trường Mỹ.
Bằng hàng loạt biện pháp khác, Mỹ nhanh chóng khiến Nhật Bản “vỡ trận”, kinh tế chính thức suy thoái từ năm 1986, không ai ngờ rằng đó cũng là dấu chấm hết của “thần kỳ Nhật Bản”. Từ đó đến nay, Tokyo trở thành đồng minh ruột của Mỹ, chấp nhận vị trí của một cường quốc không bao giờ tham vọng số 1.
Trong nội các Mỹ nhiệm kỳ trước có rất nhiều nhân vật từng tham gia chống Nhật kịch liệt, điển hình là Donald Trump và cố vấn đặc biệt về thương mại Robert Lighthizer, đây là lý do người Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ bị khuất phục!?
Ngày nay, để chống Trung Quốc, người Mỹ đã tung ra đòn thuế gấp nhiều lần số lượng họ từng áp lên Nhật Bản; Mỹ, châu Âu, Nhật, Úc, ký hàng loạt Hiệp định, cam kết, ghi nhớ mạnh mẽ hơn rất nhiều so với Hiệp ước tiền tệ Plaza, mở ra nhiều mặt trận về công nghệ, nhân quyền, chính trị, ngoại giao.
Nhưng Trung Quốc - rõ ràng rất khác Nhật Bản - họ có nội lực, họ nắm giữ thị trường XNK lớn nhất thế giới, họ nắm được chuỗi cung ứng toàn cầu, họ nắm trái phiếu Chính phủ Mỹ,… họ có rất nhiều “vũ khí” để chống trả Mỹ đến cùng.
Cuộc cạnh tranh này chỉ mới bắt đầu, dịch bệnh COVID-19 làm giảm sức “nóng” nhưng lại mở ra đường đua mới - tái thiết trật tự hậu COVID-19. Ai sẽ là người chiến thắng? Rất khó kết luận, nhưng lo rằng, lối ra sẽ là thế chiến III!
Có thể bạn quan tâm