Nước Nga: Giờ G trở lại đã điểm?
Kể từ ngày V. Putin bước lên vũ đài chính trị nước Nga càng cho thấy quỹ đạo vận hành đặc biệt!
Tuần qua diễn tiến dịch bệnh COVID-19 tiếp tục là luồng chính trong dòng chảy thông tin toàn cầu. Có một sự kiện tại Nga tuy không đủ “nóng” để khiến báo chí thế giới dành sự quan tâm đặc biệt, song, nó cũng không hề bình thường trong bối cảnh bất thường như hiện nay.
Ngày 25/7 Chính phủ Nga tổ chức duyệt binh kỷ niệm ngày Hải quân, Tổng thống V. Putin - Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Nga đích thân ngồi cano thị sát sự kiện.
Thông thường, duyệt binh diễn ra trong một số hoàn cảnh đặc biệt, chiến thắng sau trận đánh lớn, bình định tầm quốc gia; kỷ niệm ngày lập quốc hoặc sắp sửa động binh, thị uy sức mạnh chuẩn bị xung đột vũ trang quy mô lớn.
Nói về duyệt binh không nơi nào hoành tráng bằng Nga và Liên Xô trước đây, hàng năm tại quảng trường đỏ nước Nga đều tổ chức duyệt binh khổng lồ kỷ niệm ngày Hồng quân chiến thắng phát xít, nhưng ít khi thấy lực lượng quân sự nào tổ chức sự kiện tương tự để kỷ niệm thành lập một binh chủng.
Đáng chú ý hơn, Kremlin chưng diện toàn vũ khí tối tân, hạng nặng phục vụ duyệt binh, tàu tuần dương tên lửa Marshal Ustinov, chiến hạm Đô đốc Kasatonov, tàu chống ngầm cỡ lớn Phó Đô đốc Kulakov, các tàu hộ tống Thundering và Stoyky, các tàu đổ bộ lớn Pyotr Morgunov và Minsk, tàu phòng thủ Alexander Obukhov và Vladimir Emelyanov. Lần đầu tiên tàu ngầm tên lửa chiến lược Hoàng tử Vladimir thuộc dự án “Borey-A”.
Tổng thống Putin gợi lại truyền thống hào hùng của hạm đội hải quân có lịch sử hơn 300 năm và ngợi ca tất cả những người trong các thời đại đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng vì Tổ quốc. Ông khẳng định, quy mô và tính linh hoạt của các nhiệm vụ chiến lược mà hải quân Nga đã thực hiện thật đáng kinh ngạc, khơi dậy lòng khâm phục và tự hào.
Một sự kiện đáng ngạc nhiên trong bối cảnh toàn cầu vật lộn với dịch bệnh, suy thoái kinh tế, nhưng người Nga liên tục có những động thái quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh.
Trước đó, hồi đầu tháng 7, ông Putin công bố chiến lược quốc gia mới. Toàn văn chiến lược tập trung nói về lòng tự tôn dân tộc, bảo vệ truyền thống văn hóa Nga, bài xích Mỹ và phương Tây. Giới quan sát đánh giá, nước Nga của Putin đang có xu hướng khuếch trương “chủ nghĩa dân tộc”.
Có thể thấy từ sau sự kiện 1991, Liên Xô không còn, nước Nga rẽ hướng tư bản nhưng chính là nơi lưu giữ những gì còn sót lại của một thời hoàng kim. Nga bị bỏ lại phía sau về kinh tế, không còn là đối thủ đáng gờm với Mỹ, tiếng nói trên trường quốc tế giảm sút, đặc biệt khi Trung Quốc trỗi dậy và Mỹ vẫn giữ nguyên quyền lực.
Kể từ ngày V. Putin bước lên vũ đài chính trị nước Nga càng cho thấy quỹ đạo vận hành đặc biệt, không giống hình hài của quốc gia tư bản cỡ lớn, cũng không phải đậm nét xã hội chủ nghĩa, tạm gọi đó là “đặc sắc Putin”.
“Đặc sắc Putin” ấy được thể hiện qua chủ nghĩa dân tộc hiện đại được khơi dậy ngày một mãnh liệt, ông thay đổi Hiến pháp, hơi hướng trở thành “lãnh tụ tối cao” không nhiệm kỳ, đưa nước Nga trở về trạng thái đối đầu gay gắt với Mỹ, tăng cường kiểm soát các nước tách ra từ cộng đồng SNG cũ.
Tất cả xuất phát từ quan điểm bản lề nhằm định vị Nga trên bình diện quốc tế, không phản đối cũng không tích cực ủng hộ đa phương hóa, tăng cường tiềm lực quốc phòng, phát huy truyền thống để xây dựng một chính thể trên chân trụ “dân tộc - lãnh tụ”.
Vì vậy, duyệt binh Hải quân tuy bề ngoài chỉ là sự kiện chính trị, quân sự đơn thuần nhưng thông điệp phát đi không dừng lại ở đó, Putin muốn thị uy sức mạnh, dần dần tái khẳng định vị thế cường quốc một thời.
Thực tế Hải quân Nga dưới thời Putin chưa trở thành lực lượng đủ mạnh để đối trọng với Mỹ ở các điểm “nóng”. Một đội quân đã tồn tại 325 năm kể từ khi hình thành qua nhiều thời kỳ lịch sử, không có lý gì không thể hiện diện oai dũng trên các đại dương để cạnh tranh địa chính trị với Mỹ.
NATO ngày càng tiến về phía Đông quyến rũ Kiev và nhiều quốc gia sát nách Moscow, cấm vận kinh tế, đặc biệt tuyến ống dẫn dầu “dòng chảy Phương Bắc” vượt biển nối sang châu Âu cần được bảo vệ để gia tăng tầm ảnh hưởng.
Và rằng, duyệt binh Hải quân chỉ là một trong chuỗi hành động củng cố sức mạnh quốc gia, biểu hiện đương nhiên của khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc. Cớ sao Putin và nước Nga không chọn lối đi thường thấy? Là một cường quốc trong mối quan hệ hài hòa với Mỹ; thông thoáng hơn với môi trường toàn cầu hóa?
Nước Nga quá lớn (về diện tích và quá khứ) để có thể làm điều đó, Moscow không tham gia Liên minh châu Âu vì họ không muốn đồng hạng 1 phiếu bầu, 1 tiếng nói với các quốc gia tí hon. Rõ ràng giới lãnh đạo nước này luôn thường trực suy nghĩ đại cường.
Nga có lịch sử quan hệ đẫm màu thù hận với Mỹ, thoát thai từ Liên Xô, bị sụp đổ một phần do sự chống phá, bao vây cấm vận của Mỹ và NATO nên người Nga rất khó đặt niềm tin vào Washington, thậm chí cả châu Âu.
Nếu có quốc gia nào “đóng cửa” vẫn phát triển bình thường đó chính là nước Nga, lợi thế lãnh thổ rộng lớn, có đầy đủ tất cả tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế, nguồn lực con người dồi dào, nền tảng khoa học công nghệ vững vàng. Đây chính là lý do làm nên thành công của Putin trong vòng vây cấm vận của Mỹ và châu Âu.
Hiển nhiên lệnh cấm vận của Mỹ từ sự kiện sáp nhập Crimea giúp Nga nhận ra điểm mạnh của mình, họ vẫn hợp tác với châu Âu trong lĩnh vực dầu khí, bắt tay liên minh tài chính với Trung Quốc, tham gia chiến sự Trung Đông với tư cách là lực lượng “được mời giữ gìn hòa bình”.
Bằng tất cả, Tổng thống Putin muốn chứng minh sức mạnh và sự trỗi dậy bất chấp áp lực từ bên ngoài, nước Nga “đặc sắc phong cách Putin” sẽ là một khác biệt hoàn toàn trong hệ thống chính trị toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm