Cơ hội tái cấu trúc lao động hậu COVID-19 (Bài 2)

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 04/08/2021 06:00

“Nếu nông thôn nghèo đói, bất ổn định về kinh tế thì ai cũng tìm cách để lên thành phố..." là lời của một ĐBQH.

Một trong rất nhiều công trình bọ bỏ hoang ở nông thôn

Một trong rất nhiều công trình bỏ bỏ hoang ở nông thôn (Ảnh: Hữu Tiến)

Cách đây vài năm tại xã Gio Mai - huyện Gio Linh (Quảng Trị) khởi công xây dựng ngôi chợ mới rất khang trang, sau khi tiêu hết mấy tỷ đồng. Mục đích tạo nơi buôn bán văn minh, thuận lợi, nhưng quan trọng hơn để đủ hạng mục hạ tầng phê duyệt hoàn thành nông thôn mới.

Chợ xây xong, dân không đến, vì phải trả thuế, phí hàng năm, quy mô xây dựng quá lớn so với nhu cầu ít ỏi của tiểu thương, chính quyền xã và huyện không biết làm cách nào giải quyết, càng để lâu càng xuống cấp, nguy cơ lãng phí thấy rất rõ.

Nhà văn hóa thuộc chương trình nông thôn mới cũng là công trình phổ biến từ Bắc chí Nam, tại Thừa Thiên Huế có tới 817 nhà văn hóa thôn, nhưng một số rất ít có thể hoạt động, còn lại đóng cửa chờ ngày mục nát, con số này cả nước không hề nhỏ.

Chạy theo chỉ tiêu “cứng” nông thôn mới khiến nhiều tỉnh sa lầy trong nợ nần, sau 6 năm triển khai chương trình này số nợ toàn quốc là 15.218 tỷ đồng. Tống kết chặng đường 5 năm đầu tiên, Quốc hội dành nguyên 1 ngày thảo luận.

ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) nói: “Không thể không đặt vấn đề về mức độ tương xứng của kết quả đạt được với chi phí bỏ ra, cũng như không thể phớt lờ những hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài, nhiều xã, nhiều gia đình nông thôn, đặc biệt là những gia đình nghèo phải gánh chịu”.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu ra góc khuất: “Nếu nông thôn nghèo đói, bất ổn định về chính trị thì ai cũng tìm cách để lên thành phố. Chúng ta suy từ chúng ta mà nên, bây giờ phải nói rất nhiều các ĐB trong chúng ta ngồi đây nhưng tìm cách cho con cái làm nhà, mua nhà ở Hà Nội. Nếu mình không có thay đổi sẽ lặp lại”.

Nông thôn mới là chính sách về “tam nông” toàn diện nhất từ sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, bên cạnh kết quả tích cực không thể phủ nhận, vẫn còn đó nhiều dấu hỏi không thể không đặt ra: Nông thôn mới đã tạo sinh kế vững bền cho người nông thôn hay chưa? Trong số hàng trăm nghìn tỷ đồng bỏ ra có bao nhiêu đến trúng đích cần đến? Vì sao vẫn bỏ ruộng, bỏ quê?

Nếu nói về đại cục, câu trả lời là nông thôn mới chưa thực sự mang đến thay đổi về chất cho nông thôn, nông nghiệp, nông dân ngoài những công trình giao thông, chợ búa, nhà văn hóa,… bị lãng phí không ít. Ai cũng hô hào nhưng làm chưa bài bản, căn cơ.

Vấn đề của tái cấu trúc lao động là phân bổ nguồn lực này hợp lý hơn, vẫn bảo đảm lượng lao động dồi dào để vận hành các khu công nghiệp, giữ nhịp phát triển cho các đô thị có tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế, chính trị.

Song, cần có chính sách sát thực, phù hợp để người lao động có thể ổn định cuộc sống ngay tại nơi sinh ra, ngăn chặn tình trạng bỏ đất, bỏ ruộng. Nếu trước đây Đảng phát động khẩu hiệu “Người cày có ruộng” để làm cách mạng giải phóng dân tộc thì nay cần có khẩu hiệu “Ruộng cần người cày” và cày hiệu quả.

Cha ông ta có câu “đất lành chim đậu”, nông thôn vẫn là nơi để tìm về nhưng chưa phải là nơi có thể làm giàu đối với đại đa số. Làm ruộng, trồng rau, nuôi thủy hải sản,… có thể giàu được không? Câu trả lời là có! Nhưng không phải nuôi trồng như cách cha ông ta đã làm cách đây hàng nghìn năm. Mấu chốt là ở khoa học và công nghệ.

Những gì còn lại của khu công nghệ sinh học hoành tráng là hoang tàn, đổ nát

Những gì còn lại của khu công nghệ sinh học hoành tráng tại Đồng Nai là hoang tàn, đổ nát (Ảnh: laodong.vn)

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở TPHCM - thị trường lao động lớn nhất nước sẽ là gợi ý để Trung ương, các bộ, ngành và địa phương thúc đẩy tái cơ cấu lao động, quảng bá tiềm năng nông thôn, nhưng chúng ta không thể khai thác nếu vẫn là con trâu, cái cày, mùa vụ lặp đi lặp lại mãi mãi như vậy. Mấu chốt vẫn là khoa học và công nghệ.

Xin dẫn lại một câu chuyện hình thành liên kết “chuỗi giá trị” có thể đưa vào giáo trình dạy kinh tế diễn ra tại Israel từ 50 năm trước. Sa mạc Negev rộng 12.000 km2 nhưng chỉ có 20% đất có thể trồng trọt. Để phục vụ người đi đường, ông A mở ra quầy nước, người ghé lại ngày một nhiều, ông B thấy khách hàng tiềm năng bèn mở trạm xăng, ông C dựng lên quán ăn, dân cư đến sa mạc ngày một chật chội, các nhà chính sách bắt đầu nghĩ cách khắc chế sa mạc lấy đất sinh sống.

Chính phủ đặt hàng đại học Tel Aviv nghiên cứu cách “trị thủy”. Công nghệ tưới nhỏ giọt ra đời năm 1960 giúp tiết kiệm nước, từng luống rau bắt đầu lan ra khắp vùng đất nóng bỏng, tiếp theo sau doanh nghiệp được vay vốn rẻ đầu tư nông nghiệp, hàng loạt giải thưởng, cuộc thi nghiên cứu phát minh trong lĩnh vực trồng trọt tưới tiêu được phát động.

Trồng được rau, người Israel nghĩ cách nuôi cá, khi thừa nhu cầu trong nước, họ xuất khẩu, nông sản trên sa mạc được sản xuất bởi chuỗi công nghệ đỉnh cao từ đầu đến cuối, đó là lợi thế makerting trên thị trường quốc tế. Hiện nay chỉ có 2,2% người Israel làm nông nghiệp nhưng tạo ra khối lượng xuất khẩu 3,5 tỷ USD mỗi năm, có rất nhiều chủ trang trại tuổi ngoài 70!

Nuôi cá và trồng rau trên sa mạc Negez - Israel

Nuôi cá và trồng rau trên sa mạc Negez - Israel (Ảnh: Internet)

Bài học ở đây là gì? “Đất lành” không sẵn có, nếu có rồi cũng thành “đất dữ” khi bị khai thác hết tiềm năng, hoặc không có phương án khai thác. Nhà nước, cụ thể là chính sách phải thiết thực để có thể tạo ra miền đất hứa, dân cư tự nhiên đến.

Đồng bằng Trung bộ Thái Lan trước đây bị hút hết nhân lực về Băng Cốc, nhưng nhờ cuộc cách mạng chính sách, vùng này trở thành “miền đất hứa” kéo lao động trở lại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Nếu nói về chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuyển giao công nghệ, liên kết “ba nhà”,…nước ta có rất nhiều, dường như tỉnh nào cũng có đề án. Thế như vì lý do nào đó không phát huy hết hiệu năng.

Khu công nghệ sinh học lớn nhất Đông Nam Á được xây dựng tại Cẩm Mỹ - Đồng Nai từng được kỳ vọng là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nông nghiệp cho cả nước. Thế rồi người đứng đầu bị khởi tố, hàng nghìn tỷ đầu tư giờ còn lại đống đổ nát theo nhiều nghĩa!

Có thể bạn quan tâm

  • Cơ hội tái cấu trúc lao động hậu COVID-19 (Bài 1)

    Cơ hội tái cấu trúc lao động hậu COVID-19 (Bài 1)

    06:00, 03/08/2021

  • Cuộc “thiên di” và bài toán nguồn nhân lực hậu COVID-19

    Cuộc “thiên di” và bài toán nguồn nhân lực hậu COVID-19

    05:38, 30/07/2021

  • “Kiềng ba chân” trường kỳ phòng, chống dịch bệnh (Bài 1): Hành động thích ứng bối cảnh

    “Kiềng ba chân” trường kỳ phòng, chống dịch bệnh (Bài 1): Hành động thích ứng bối cảnh

    11:00, 02/08/2021

  • “Kiềng ba chân” trường kỳ phòng, chống dịch bệnh (Bài 2): Ba ưu tiên hành động chính sách

    “Kiềng ba chân” trường kỳ phòng, chống dịch bệnh (Bài 2): Ba ưu tiên hành động chính sách

    05:40, 03/08/2021

  • “Dịch bệnh gây khó khăn chưa từng có thì phải có những gói hỗ trợ lớn chưa từng có”

    “Dịch bệnh gây khó khăn chưa từng có thì phải có những gói hỗ trợ lớn chưa từng có”

    04:10, 01/08/2021

TRƯƠNG KHẮC TRÀ