“Mắc kẹt” vì COVID-19

NGỌC THÁI 09/08/2021 04:00

Dịch COVID-19 bùng phát ở 19 tỉnh, thành phía Nam khiến hàng nghìn người phải vội vàng tản cư về quê trong suốt những ngày qua nhưng đằng sau đó là nhiều vấn đề đang loay hoay giải quyết.

Chẳng ai muốn phá vỡ guồng quay cuộc sống vốn dĩ lâu nay đã đi vào quỹ đạo nhưng vì không có việc làm, chốn dung thân, khó khăn chồng chất nên không ít người chấp nhận phải rời thị thành về quê hương.

Nếu như ở thời điểm những tháng đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 chưa bùng phát trên diện rộng ở Việt Nam, mọi công dân ở vùng dịch trở về được cách ly tập trung không phải đóng các khoản phí, thì nay yêu cầu thu phí đối với những đối tượng theo quy định.

Nghĩa là, từ khi có Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/2/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 thì tại khoản 5 Điều 1 của Nghị quyết này phải đóng các chi phí gồm: Đưa đón từ cơ sở, địa điểm phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế tập trung; Chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2; Chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế tập trung (nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác) với tổng chi phí là 40.000 đồng/người/ngày.

Trường hợp người phải cách ly y tế tập trung là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ các chi phí quy định tại điểm b khoản này, bao gồm cả tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày.

Đã có hàng nghìn lượt người từ vùng dịch ở các tỉnh phía Nam trở về quê miền Trung tránh dịch COVID-19 bằng phương tiện cá nhân đi theo kiểu tự phát

Hàng nghìn lượt người từ vùng dịch ở các tỉnh phía Nam trở về quê miền Trung tránh dịch COVID-19.

Đó là những quy định về chi phí quy định đối với người Việt Nam ở trong nước phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, thực tế thực tế, với số lượng người nghèo đi làm ăn xa ở các tỉnh khu vực phía Nam đang trở về quê miền Trung tránh dịch thì câu chuyện phải bỏ ra chi phí xét nghiệm ở mức hơn 700 nghìn đồng/người đang trở thành gánh nặng và nhiều hệ luỵ có thể xảy ra.

Ngay tại Nghệ An, mấy ngày nay đang xôn xao câu chuyện về một nữ công dân vì không có đủ tiền để xét nghiệm COVID-19 tại xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu nên bị gây khó khăn đủ đường.

Khi được phản ánh, đề nghị cung cấp thông tin sự việc này, ông Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An hồi âm với phóng viên là sẽ chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 huyện Quỳnh Lưu làm rõ.

Nhưng qua câu chuyện này có thể thấy rằng, việc xây dựng “thành trì” phòng, chống COVID-19 mà các địa phương hiện nay đang thực hiện nảy sinh nhiều tình huống, lỗ hổng có thể xảy ra. Bởi gánh nặng về chi phí xét nghiệm, cách ly y tế tập trung sẽ khiến nhiều cá nhân có thể “lách luật”, tự ý đi về mà không khai báo.

Hoặc nhiều người vì không có tiền đã cố gắng về quê bằng mọi cách nên nếu các tổ COVID-19 cộng đồng không kích hoạt kịp thời thì có thể bỏ sót F0 bất cứ lúc nào…

Trong khi đó, nhu cầu trở về quê của người dân các tỉnh miền Trung hiện nay rất lớn, hình ảnh các đoàn người rồng rắn dìu dắt nhau đi xe gắn máy từ Tp Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… về Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và nhiều tỉnh khác nữa đã lộ rõ nguy cơ tiềm ẩn về sự cố “rước dịch” về quê có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Việc tổ chức đón công dân về quê cần được triển khai bằng các giải pháp linh hoạt, khoa học và chuyên nghiệp để tránh nguy cơ F0 có thể xâm nhập trong cộng đồng

Việc tổ chức đón công dân về quê cần được triển khai bằng các giải pháp linh hoạt, khoa học và chuyên nghiệp để tránh nguy cơ F0 có thể xâm nhập trong cộng đồng

Mặc dù, công tác kiểm soát, ngăn chặn đã được các địa phương kích hoạt để test nhanh, phân loại kỹ nhưng nguy cơ phát sinh dịch COVID-19 vẫn rất cao. Bằng chứng là số ca dương tính với SARS-Cov-2 đối với những trường hợp trở về từ các tỉnh phía Nam nằm trong các khu vực cách ly tập trung y tế ở miền Trung vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đáng quan tâm là số người có nguyện vọng về quê đang “mắc kẹt” ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… vẫn đang rất nhiều nên việc tìm mọi cách để di chuyển sẽ xảy ra. Như hành động của Tập đoàn Tuấn Lộc đã phát tâm tài trợ 6 chuyện bay “0 đồng” cho hàng nghìn công dân quê Nghệ An được về quê nhưng vẫn không thể đáp ứng hết được nhu cầu số lượng người ngày một tăng cao…

Nên chăng, ngoài việc tuyên truyền sâu rộng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 1068/CĐ-TTg ngày 5/8/2021 là “ai ở đâu thì ở đó”, tránh hoang mang trong Nhân dân thì công tác khâu nối của cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần được kích hoạt bằng nhiều giải pháp linh hoạt, đa dạng trong bối cảnh hiện nay. Phải làm sao để tránh được tình trạng người dân di chuyển bằng phương tiện cá nhân về quê một cách tự phát, tăng nguy cơ dịch COVID-19 lây lan khó kiểm soát như trong thời gian qua.

Có thể bạn quan tâm

  • Lắng đọng lời cảm ơn của nữ sinh viên khi được trở về quê tránh dịch

    Lắng đọng lời cảm ơn của nữ sinh viên khi được trở về quê tránh dịch

    05:27, 06/08/2021

  • Đà Nẵng mở hầm Hải Vân, trung chuyển miễn phí người từ TP HCM về quê tránh dịch

    Đà Nẵng mở hầm Hải Vân, trung chuyển miễn phí người từ TP HCM về quê tránh dịch

    14:14, 30/07/2021

  • Tình nguyện viên Đà Nẵng sửa xe miễn phí cho người từ TP HCM về quê tránh dịch

    Tình nguyện viên Đà Nẵng sửa xe miễn phí cho người từ TP HCM về quê tránh dịch

    16:35, 28/07/2021

  • Công nhân về quê tránh dịch: Cơ hội bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương?

    Công nhân về quê tránh dịch: Cơ hội bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương?

    08:08, 20/07/2021

  • Cuộc “thiên di” và bài toán nguồn nhân lực hậu COVID-19

    Cuộc “thiên di” và bài toán nguồn nhân lực hậu COVID-19

    05:38, 30/07/2021

NGỌC THÁI