Từ giấy đi đường đến sống chung với COVID-19
Từ tấm giấy đi đường rất bình thường cho đến nhiệm vụ chuyển đổi một xã hội đều liên quan mật thiết đến nhau.
Tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ với địa phương hôm 29/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra vấn đề: “xác định sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối”.
Đây là quan điểm mang tính bản lề cho chặng đường chống dịch tiếp theo, “không COVID” là không thể, nhìn ra quốc tế, cuộc chiến này chắc chắn trường kỳ, buộc phải thích ứng và có cách làm phù hợp.
Lực lượng phòng chống dịch không thể đi từng nhà, nhắc nhở từng người, xử lý từng trường hợp cụ thể. Thông suốt từ trên xuống dưới, hạn chế trên “nóng” dưới “lạnh”, trên chỉ đạo một đằng dưới thực hiện một nẻo gây phát sinh “giấy phép con”, phiền hà.
Việc chuyển đổi một quốc gia rẽ sang đường ray mới không hề đơn giản, nhất là khi xuất hiện thêm thực tiễn mới, vấn đề mới chưa có tiền lệ, dễ “tam sao thất bản” trong bối cảnh hệ thống công quyền nhiều cấp, nhiều bậc đến tận thôn, bản.
Chỉ riêng tấm giấy đi đường cũng rất thời sự mấy hôm nay. Nhiều Hiệp hội ngành hàng cao su, hồ tiêu, điều, ca cao, gỗ,…kêu cứu đến Thủ tướng vì ùn ứ hàng hóa do thiếu giấy đi đường.
Hợp tác xã rau sạch Hòa Thạnh - Long An đứng trước nguy cơ nghỉ nửa tháng, rau quá lứa ngoài ruộng vì mắc kẹt đầu ra ở TPHCM. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu và đảm bảo tiến độ giao hàng do phải làm hồ sơ giấy nhưng gặp khó khăn trong việc xin cấp mảnh giấy quyền lực này.
Quy định đã có, mỗi cơ quan, mỗi ngành chức năng có nhiệm vụ cấp giấy đi đường cho một bộ phận người liên quan. Vậy, vướng mắc do đâu, chậm trễ do ai? Trong khi đó, tạo “luồng xanh”, trợ giúp doanh nghiệp cũng có nghĩa thực hiện nhiệm vụ chống dịch!
Ở châu Âu, giấy đi đường trong toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU được mã hóa bằng QR, người đi đường chỉ việc quét dữ liệu để xác minh đủ điều kiện đi lại. Chính quyền điện tử, thành phố thông minh, dữ liệu công dân xây dựng bấy lâu nay không có tác dụng gì trong trường hợp này?
Thích nghi với dịch bệnh trong trạng thái mới cần nhiều chuyển đổi hơn thế nữa, rất trùng hợp vì hầu như tương thích với thành quả, mục đích của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Để sản xuất an toàn, cần có “vùng xanh” như “phương pháp bong bóng” của Nhật Bản trong thời điểm tổ chức Olympic Tokyo. Bong bóng được tạo ra như thế nào, hoạt động ra sao, hay cách thức nào khác cần được nghiên cứu, thí nghiệm ngay từ bây giờ.
Trong đó, lưu thông là huyết mạch của nền kinh tế - miếng giấy đi đường chỉ là việc nhỏ trong rất nhiều công việc lớn và mới phải giải quyết bên cạnh ý thức chống dịch như phản xạ vô điều kiện, công nghệ vaccine, thiết bị y tế và hệ thống an sinh xã hội chuyên nghiệp.
Cách thức chống dịch, chuyển đổi trạng thái sống, sản xuất kinh doanh ắt sẽ dẫn tới nền kinh tế số, kinh tế không tiếp xúc dựa trên nền tảng Internet kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo. Hai con đường này là một!
Lịch sử cho thấy, mỗi cuộc cách mạng công nghiệp chỉ dành cơ hội cho một vài quốc gia vươn lên hùng cường, lần này không ngoại lệ. Cùng xuất phát từ dịch bệnh, quốc gia nào chuyển đổi nhanh, thích nghi kịp thời sẽ dẫn đầu xu hướng mới.
Mục tiêu của Việt Nam đưa kinh tế số chiếm 20% GDP đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, thuộc top 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin.
Trong doanh nghiệp, theo khảo sát mới nhất của Bộ Công Thương về tính sẵn sàng thích ứng với 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh, vẫn có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc, trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị ban đầu, 16/17 ngành khảo sát ưu tiên đều đang có mức sẵn sàng thấp.
Rõ ràng, từ tấm giấy đi đường rất bình thường cho đến nhiệm vụ chuyển đổi một xã hội là hoàn toàn khác nhau, nhưng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Ít nhiều, từ chuyện giấy đi đường là thông điệp nói lên điều bất cập, cần khắc phục nếu muốn làm việc lớn.
Có thể bạn quan tâm
Chủ nghĩa thực chứng giúp châu Âu “đè” COVID-19?
05:29, 30/08/2021
Doanh nghiệp kêu cứu Thủ tướng vì không có giấy đi đường
03:50, 26/08/2021
Quảng Bình: Siết chặt giấy đi đường, nâng cao mức độ phòng dịch
09:46, 28/08/2021
Cấp, sử dụng giấy đi đường “khống” đều có thể đối diện với án phạt tù
03:00, 13/08/2021