Triết học là một loại “vaccine” chống COVID-19

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 04/09/2021 11:15

Từ dịch bệnh bị gieo rắc bởi virus corona thì quả đúng loài người cần xem lại “mình là ai?”. Một câu hỏi rất triết học!

Dịch bệnh khiến con người thay đổi quan điểm sống

Dịch bệnh khiến con người thay đổi quan điểm sống

Dịch bệnh COVID-19 gợi cho con người rất nhiều câu hỏi mang tính triết học: Chúng ta có thể làm gì để tiếp tục tồn tại? Tôi được phép hy vọng gì? Tôi có thể biết gì? Và, cuối cùng quy về một mối như câu hỏi kinh điển của triết gia Đức ở thế kỷ 18, Immanuel Kant “Con người là gì?

Khoa học thực nghiệm có vẻ đã trả lời cho chúng ta tất thảy những câu hỏi ấy, vì rằng đã có hằng hà sa số các định nghĩa về tất tần tật mọi thứ trên đời. Nhưng chúng ta - dường như đã nhầm to, bởi chỉ sau một trận dịch khiến mọi thứ đảo lộn.

Các triết gia không đao to búa lớn về lý luận của họ như kiểu các ông trùm công nghệ, kỹ thuật hiện nay quảng cáo sản phẩm mới, phát minh mới. Triết học lặng lẽ giúp con người nhận thức chính mình, nhìn nhận đúng vị trí và vai trò của mình trong thế giới này. Mục đích thật khiêm tốn, đúng không?

Từ dịch bệnh bị gieo rắc bởi virus corona thì quả đúng loài người cần xem lại “mình là ai”. Thật trùng hợp khi các nhà khoa học phát hiện, ngoài corona có hơn 1 triệu dạng virus vô phương chạy chữa vẫn tồn tại trên trái đất. Và còn cả tá nguy cơ tiềm tàng chưa nhận thức hết.

Ô hay, vậy có nghĩa, quan điểm “con người là bá chủ muôn loài, là động vật bậc cao tiến bộ nhất” có đúng phỏng ạ? Cách đây hơn 2.000 năm đức Phật - đấng giác ngộ trí huệ cũng chỉ dám nói rằng “tất thảy đều là chúng sinh”, chứ chẳng dám phân biệt cao thấp trong vạn vật.

Thích Ca Mâu Ni nhìn nhận thế giới biến đổi chỉ trong một “sát na”, đơn vị thời gian nhỏ hơn giây vạn lần, có có không không. Heraclit đưa ra mệnh đề duy vật biện chứng kinh điển “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”.

Những người của trường phái triết học “bất khả tri luận” - xuất hiện cùng thời với Phật tổ thấy rằng, không ai có thể nhận thức hết thế giới, và có những thứ con người không thể biết.

Rõ ràng, đứng trước biến động này, buộc loài người suy nghĩ lại về quá khứ, lật dở lại các tư tưởng từng được cho là lỗi thời trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ.

Các tiến bộ khoa học công nghệ khiến chúng ta ngộ nhận mình thật vĩ đại cao cường, nhưng trận dịch này dường như phá bỏ tất cả. Rằng là, thế giới không chỉ mỗi con người và con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên.

Nhà triết học, toán học người Pháp, Rene Descartes tự thấy “tôi không biết gì cả, tôi chỉ biết duy nhất một điều là mình không biết gì cả”. Nghịch lý, con người thường tự nhận mình biết nhiều, trong khi thực tế thì ngược lại, nhà thông thái biết rằng mình không biết gì cả lại khiến ông là người khôn ngoan duy nhất.

Socrat trong một lần tranh luận với đồng môn

Socrat trong một lần tranh luận với đồng môn

Hẳn nhiên, triết học không giải quyết việc gì cả, ngược lại nếu vấn đề được giải quyết thì không thể có triết học. Nhưng trong chừng mực nào đó triết học như là thư viện chất lọc tri thức giúp con người tìm đến và soi thấy mình khi gặp trắc trở. Đại dịch này chẳng hạn!

Các cường quốc bắt đầu nhận thấy thế giới bị tàn phá nghiêm trọng, sốt sắng tìm cách chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai. Nguyên tắc đầu tư xanh, phát triển xanh (ESG) bắt đầu manh nha thành trào lưu,… điều đó cho thấy cách nhìn nhận về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên có biến chuyển.

Điều đó triết học gọi là thế giới quan - là toàn bộ những quan điểm về thế giới và về vai trò của con người trong thế giới, đóng vai trò là nhân tố định hướng cho quá trình hoạt động sống của con người. Đó cũng là chức năng tối thượng của ngành khoa học này.

Dù các câu hỏi mà các triết gia đặt ra đa phần bi thảm, có vẻ như gieo rắc thêm hoang mang mơ hồ. Song, tận cùng của nó là tìm ra phương pháp tốt nhất để hạnh phúc. Hạnh phúc ấy thoạt đầu đến trong trí óc bằng cách thay đổi thế giới quan, dẫn đến thay đổi phương pháp luận, dẫn đến kết quả khác hiện tại.

Triết học không ương ương dở dở, bi lụy như ta thường thấy bề ngoài. Thông điệp muôn đời của nó là: “Hãy vui sống, Hãy luôn tìm cách để tốt hơn, Hãy nhìn thế giới bằng lăng kính khác” xem sao.

Thời cổ đại Hy Lạp, Heraclit tự làm hỏng đôi mắt mình vì chán cảnh sống thực tại, muốn chiêm nghiệm thế giới “màu đen” của những người mù. Vì thế mới có những tác phẩm xuất sắc để lại.

Thời cận đại ở Đức, Hegel suốt đời không ra khỏi ngôi làng nhỏ bé, ấy nhưng chính tại đó ông đã dựng lên bộ khung của triết học biện chứng duy tâm xuất chúng.

Marx, Engels không chấp nhận thực tế tầng lớp công nhân bị giới chủ tư bản bóc lột thảm hại mặc dù chính hai ông sống trong thời đại ấy. Thế là thêm một tư tưởng mới, hệ thống mới ra đời.

Án tử và sự kì thị của tòa án dị giáo thời Trung cổ Tây Âu còn khủng khiếp hơn, nhưng không vì thế mà toán học gia triết gia Galileo không hô vang “dù sao trái đất vẫn quay”, Phục hưng và khai sáng châu Âu vẫn âm ỉ làm nên cuộc cách mạng.

Có thể bạn quan tâm

  • Inamori Kazuo kinh doanh dựa vào triết học

    Inamori Kazuo kinh doanh dựa vào triết học

    15:00, 09/01/2021

  • Triết học và khả năng dự báo thương trường

    Triết học và khả năng dự báo thương trường

    05:00, 07/06/2020

  • 7 bài học năng suất đúc kết từ những nhà triết học nổi tiếng nhất trong lịch sử

    7 bài học năng suất đúc kết từ những nhà triết học nổi tiếng nhất trong lịch sử

    04:05, 09/12/2018

  • Khoa học về vi sinh vật đang định nghĩa lại triết học: Con người là gì?

    Khoa học về vi sinh vật đang định nghĩa lại triết học: Con người là gì?

    19:30, 11/03/2018

TRƯƠNG KHẮC TRÀ