Vì sao Trung Quốc và Taliban thân thiết?
Rất nhanh nhạy, Trung Quốc tiến những bước thần tốc để lấp khoảng trống quyền lực Mỹ bỏ lại ở Afghanistan.
Cuối tháng 7, tức là khi kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Afghanistan chưa được tiết lộ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị đã tiếp đón nồng hậu 9 nhân vật quan trọng nhất của Taliban tại Bắc Kinh.
Đây không phải là nguồn tin bị liệt vào dạng “tối mật”, ngược lại truyền thông Trung Quốc và thế giới được tiếp cận và đưa tin một cách không quá sâu nhưng vẫn đủ để gửi đi thông điệp ra quốc tế.
Tại cuộc gặp này, phía Trung Quốc ngợi ca, Taliban có vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình, hòa giải và tái thiết Afghanistan. Dĩ nhiên, ông Vương Nghị không quên “tiếp thị” chính sách với Taliban - như một giải pháp thay thế Washington!
Tuần trước, phát ngôn viên của Taliban cho biết, chính quyền mới mong muốn tham gia Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), dự án trị giá 50 tỷ USD thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh.
Củ cà rốt nhanh chóng chìa ra, Bắc Kinh đã hào phóng chi 31 triệu USD viện trợ cho chính phủ mới do Taliban lãnh đạo, trong đó có cả vaccine phòng COVID-19. Một số nguồn tin hạn chế còn cho biết, thật ra các thỏa thuận làm ăn của Trung Quốc ở Afghanistan được chuẩn bị từ năm 2018.
Xưa nay, trừ các nước cùng hệ thống chính trị như Liên Xô, Đông Âu, chưa có mối quan hệ nào phát triển nhanh, thần tốc như Trung Quốc và chính phủ Taliban
Dường như mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi, chỉ chờ người Mỹ hết vai trò ở Afghanistan, các nhà lãnh đạo Trung Quốc lập tức “điền vào ô trống”. Có rất nhiều toan tính khi Bắc Kinh quyết định thân thiết với Taliban.
Đầu tiên, Afghanistan chính là mô hình đầu tiên để Trung Quốc khẳng định vai trò có thể thay thế Mỹ lãnh đạo thế giới giải quyết các vấn đề toàn cầu. Nếu Taliban có thể cải tà quy chính, Afghannistan có thể hòa bình thịnh trị thì vai trò, uy tín của Bắc Kinh là không thể bàn cãi.
Đằng sau đó, bắt tay với Taliban cũng chính là đòn phòng vệ từ xa liên quan đến người Hồi giáo ở khu tự trị Tân Cương - khu vực có mối liên hệ mật thiêt về địa lý, thổ nhưỡng, nhân khẩu học, văn hóa, tín ngưỡng với các nước Nam Á, Trung Đông.
Một vòng cung an ninh quốc gia chiến lược kéo dài từ Ấn Độ, Nepal, Pakistan lên tới Tajikistan, Kyrgyzstan sát vách với hai khu tự trị rộng lớn Tân Cương và Tây Tạng.
Nắm được Taliban tức là giảm bớt mối nguy khủng bố, bất ổn ở phía Tây lãnh thổ, bởi Taliban, Al-Qaeda và hàng chục tổ chức Hồi giáo thánh chiến tồn tại rải rác khắp Trung Đông và Nam Á.
Tiếp đến, Bắc Kinh có lợi ích kinh tế, chiến lược ở Afghanistan nói riêng và Tây Á nói chung, một trong số đó là sáng kiến “Vành đai và Con đường” vắt ngang qua khu vực này, một nhánh quá cảnh vào Nga, tiếp cận châu Âu; nhánh còn lại xuyên qua vùng Vịnh vào châu Phi.
Trung Quốc đã “chơi lớn”, ký thỏa thuận hợp tác 25 năm với Iran, đổi chác giữa dầu mỏ và dự án hạ tầng và thương mại trị giá 400 tỷ USD. Hồi tháng 3 ông Vương Nghị đã thăm một loạt quốc gia - Iran, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Bahrain, UAE và Oman. Liền sau đó, hàng trăm triệu liều vaccine Sinopharm được phân phát.
Cựu Ngoại trưởng Israel Shlomo Ben-Ami mới đây đăng bài viết trên mạng Project Syndicate, phân tích và dự báo khả năng Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trở thành bá chủ mới ở khu vực.
Điều này đang dần trở thành hiện thực, cho dù ảnh hưởng của Mỹ tuy có giảm sút nhưng chưa thể chấm dứt trong ngắn hạn. Cuộc chiến sẽ khốc liệt hơn trên thị trường dầu mỏ, buôn bán vũ khí, khai thác khoáng sản, tài nguyên.
Có thể bạn quan tâm
"Cơn ác mộng" Afghanistan của ông Biden trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022
12:08, 03/09/2021
Khủng bố ở Afghanistan: Ai ngáng đường Mỹ?
08:51, 27/08/2021
Cuộc chiến Afghanistan biến một công ty khởi nghiệp quân sự của Mỹ thành 'Kỳ lân'
05:25, 26/08/2021
Lo ngại chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy tại Afghanistan
04:00, 19/08/2021
Taliban đủ sức tái thiết Afghanistan hòa bình?
06:00, 17/08/2021