Trung Quốc - khi “cánh chim báo bão” bay về
Đã có những tín hiệu "lạ" trong chính trường Trung Quốc. Thay đổi là điều chắc chắn!
Có thể cảm nhận rõ những thay đổi đang rục rịch diễn ra tại Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực, kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội. Vì sao phải quan tâm? Đơn giản vì Trung Quốc có ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta, tương lai gần sẽ là cường quốc số 1, thế giới phải nhìn thái độ của Trung Quốc để ứng xử.
Đầu tiên, giới nghệ sĩ nổi tiếng bỗng dưng bị lôi ra nhiều chuyện xấu - có nghĩa rằng, những tượng đài trong đời sống tinh thần gần 1,4 tỷ người bị giập sập. Thông điệp ở đây là: Ngoài ảnh hưởng chính thống ra, không thể tồn tại bộ phận nào được nắm giữ linh hồn của dân chúng.
Năm xưa, Tần Thủy Hoàng vùi dập Nho giáo bằng khẩu hiệu “phần thư khanh nho/ chôn sống nhà nho, đốt sách vở” cũng vì mục đích dẹp bỏ đường lối trị quốc Nhân trị, dập tắt ảnh hưởng của Khổng Tử để thay bằng tư tưởng Pháp trị của Hàn Phi.
Những năm 60 thế kỷ trước, Mao Trạch Đông khởi xướng “cách mạng văn hóa” để đoạn tuyệt với những giá trị phi vật chất được xem lạc hậu, lỗi thời, không phù hợp với tư tưởng hiện hành.
Thứ hai, đầu năm 2020 đến nay, bức tranh bố cục kinh tế Trung Quốc diễn ra thay đổi mạnh mẽ, rất nhiều biểu hiện manh mún xảy ra ở các tập đoàn kinh tế tư nhân, lĩnh vực internet tiêu dùng và cả hàng loạt doanh nghiệp nhà nước.
Nhưng tóm lại, mục đích cao nhất mà Đảng cộng sản Trung Quốc hướng tới là lấy lại quyền kiểm soát kinh tế từ khối tư nhân, qua đó củng cố vị thế quyền lực chính trị. Bởi theo quy luật và truy nguyên đến cùng, kinh tế quyết định chính trị, vật chất quyết định ý thức, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội.
Những biểu hiện trên cho thấy, dường như thêm cuộc cách mạng đang nhen nhóm ở Trung Quốc, lần này không chỉ diễn ra trên lĩnh vực văn hóa, mà còn cả kinh tế, chính trị - cuộc cách mạng toàn diện và triệt để nhất từ trước tới nay.
Vấn đề đặt ra: Liệu sự thay đổi này có đem lại “thịnh vượng chung” như ý muốn của Bắc Kinh hay chỉ là phương tiện gia cố vững chắc quyền lực chính trị, vị thế ngày càng như “lãnh tụ tối cao” của ông Tập Cận Bình?
Liệu rằng, bắt buộc những đại doanh nghiệp tư nhân chia sẻ lợi ích có làm cho thu nhập hàng trăm triệu dân nghèo khấm khá hơn? Chủ tịch Trung Quốc đã cam kết đến năm 2035, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc tương đương với các nước phát triển vừa phải.
Vào những năm 1950, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã từng sử dụng khái niệm “thịnh vượng chung” trong cuộc Đại nhảy vọt. Nhưng kết quả, giới siêu giàu hiện chiếm 1% dân số Trung Quốc nhưng lại sở hữu gần 31% tài sản của cả nước, tăng đáng kể so với mức 21% vào năm 2000.
Hơn nữa, phụ thuộc vào doanh nghiệp trong nước chỉ là phần nhỏ, hàng trăm triệu người Trung Quốc còn nhờ vào công ty nước ngoài, làm việc hết công suất và mức thù lao thuộc hạng thấp nhất so với các nước tương đương. Vì thế, chỉ mỗi việc nhằm vào tư nhân trong nước rất khó “thịnh vượng chung”.
Cũng rất khó định nghĩa “thịnh vượng chung” của Trung Quốc có nội hàm như thế nào, có giống Mỹ, Tây Âu hay Bắc Âu? Khi cơ hội được chia đều, con người được tạo điều kiện tối đa để đóng góp, cống hiến thông qua cơ chế minh bạch, bình đẳng.
Cũng như mọi cuộc cách mạng, mọi thứ không hề yên ả, sẽ có những cơn sóng ngầm chực chờ nổi lên, đặc biệt khi tầng lớp tinh hoa, siêu giàu, tư bản nhận thấy lợi ích của họ bị sứt mẻ trầm trọng!
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc - “thịnh vượng chung” hay cào bằng tất cả
05:20, 17/09/2021
Trung Quốc chính thức nộp đơn gia nhập CPTPP
11:00, 17/09/2021
Trung Quốc tính toán gì trong Luật An toàn giao thông hàng hải?
04:10, 18/09/2021
Tác động trái chiều từ kinh tế Trung Quốc
04:00, 19/09/2021
Vì sao Trung Quốc và Taliban thân thiết?
16:14, 16/09/2021
Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long
13:00, 16/09/2021
Sản xuất vaccine “đặc sắc” Trung Quốc
09:04, 15/09/2021
Vì sao Trung Quốc quyết lấy Đài Loan?
05:30, 14/09/2021