Chống dịch COVID-19: Lấy nhân trị trung hòa pháp trị
Chúng ta yêu cầu nhân dân phải thực hiện nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương mới, nhưng quan trọng hơn, cán bộ thừa hành cũng phải có tư duy mới.
Một trong những cách làm cứng rắn, quyết liệt mới đây đã được chính quyền thành phố Thuận An (Bình Dương) áp dụng với một hộ dân ở khu chung cư. Lực lượng chức năng phá cửa xông vào nhà cưỡng chế 1 trường hợp đi xét nghiệm, phục vụ cho mục đích bóc tách F0 khỏi cộng đồng.
Có rất nhiều ý kiến về trường hợp này, đa phần là thái độ không mấy bằng lòng với cách thức chống dịch có phần thô bạo quá đà. Đôi khi, cái chung mù mờ là “tay vịn” để người ta vin vào để bỏ qua cái riêng.
Cái riêng ở đây trước hết là tôn trọng quyền con người, đẩy người dân về lằn ranh phạm tội, có thể nói khi mệnh lệnh sắt đá được ban ra đồng nghĩa với sự bất lực, hoảng sợ của cơ quan công quyền.
Ở một giác độ khác, phàm là con người không ai không sợ chết, không lo cho sức khỏe, tánh mạng của bản thân và gia đình. Và rằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rất nhiều lần lưu ý quy cách, tuần tự, nghiêm ngặt nhưng khoa học, tôn trọng nguyên lý trong chống dịch.
Cạnh Bình Dương, Bí Thư tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh sau đó đã chia sẻ: “Mình không nên làm như vậy. Đừng xâm phạm gia cư người ta một cách thô bạo như vậy bởi có nhiều cách để tuyên truyền, thuyết phục người dân hợp tác. Mục đích là truy F0 thì chỉ cần đưa bộ test vào nhà để người dân tự test. Tôi lưu ý việc này”.
Hệ thống có rất nhiều tổ chức chính trị - xã hội, từ Mặt trận Tổ quốc đến các hội đặc thù về giới, nghề nghiệp, tất cả có chung nhiệm vụ tập hợp, giáo dục quần chúng và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của họ. Là cánh tay nối dài của Đảng đưa chính sách vào cuộc sống bằng phương pháp vận động, tuyên truyền, thuyết phục… rất tiếc dường như hệ thống này đã bó tay ở Thuận An!
Nhiều quốc gia đã từng áp dụng chính sách cứng cỏi nhất có thể để “tuyệt đối không có dịch bệnh”, và không một nơi nào thành công, dù là quốc gia riêng một lục địa như Úc hay xa xôi tận cùng ở các đảo quốc giữa Thái Bình Dương, cực Nam châu Phi, châu Mỹ.
Chung sống với dịch bệnh, thế giới và Việt Nam đã xác định rồi - một khái niệm có nội hàm khá lớn, chúng ta phải bắt đầu từ đâu? Nới lỏng giãn cách, đẩy nhanh tiêm chủng, trang bị kỹ năng, ý thức mới… tất cả nhằm mục đích “bình thường hóa” mọi hoạt động.
Chúng ta yêu cầu nhân dân phải thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương mới, nhưng quan trọng hơn, cán bộ thừa hành cũng phải làm mới mình, gột bỏ tư duy quản lý nặng nề, máy móc vốn đã đóng đinh lâu nay. Đừng xem dân là “đối tượng”!
Ông Lĩnh cho rằng: “cán bộ không bó tay trước những khó khăn nhưng cách làm việc phải mềm mỏng. Bởi hiện nay do dịch bệnh cuộc sống của người dân quá khổ, quá bức xúc nên khi xử lý công việc phải thật tốt, thật mềm mỏng”.
Bí Thư Lĩnh đang nhắc lại một nguyên tắc rất cơ bản trong lãnh đạo, chỉ đạo và thừa hành công vụ, phương pháp “nhân trị” là cần thiết trong mọi trường hợp, hoàn cảnh.
Kể cả những lãnh đạo cao nhất đều thừa nhận không chính sách nào có thể phủ lên mọi ngõ ngách cuộc sống, điều ấy mặc nhiên nói đến tính khập khiễng, tương đối của luật pháp, thể chế.
Lấy gì để bù đắp vào khoảng trống ấy? Không gì khác ngoài nhân trị, mềm mỏng, khéo léo, linh hoạt. Khi con người được đặt vào vị trí trung tâm thì mọi quyết sách khó mà sai!
Có thể bạn quan tâm
5 ngày tổng lực "quét" F0, Bình Dương quyết "xanh hóa" sau ngày 30/9
08:35, 24/09/2021
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: TP.HCM, Bình Dương... phải sẵn sàng "sống chung" với dịch
04:20, 17/09/2021
Tối thiểu 60% người dân Đồng Nai phải được hỗ trợ từ Nghị quyết 68
15:22, 27/09/2021
Đồng Nai sẽ mở cửa kinh tế sau ngày 15/9 theo 2 giai đoạn
15:33, 13/09/2021
Đồng Nai: Phát hiện hơn 1 tấn khẩu trang y tế tái chế
16:26, 23/08/2021