Cơ chế tiền lương đã quá lạc hậu!

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 22/10/2021 05:42

Sang năm 2022, lương cán bộ, công chức, viên sẽ có sự thay đổi theo hướng hiện đại và linh hoạt hơn.

Cơ chế tiền lương hiện tại quá lạc hậu

Cơ chế tiền lương hiện tại quá lạc hậu

Người làm việc trong khu vực nhà nước hiện nay được trả lương theo bằng cấp và thâm niên trên nền mức lương cơ sở nhân với hệ số. Hệ số được xác định bởi bằng cấp và tăng theo thời gian 3 năm 1 lần.

Kể từ thời điểm được tuyển dụng, dù công tác ở vị trí nào, tính chất công việc ra sao tiền lương vẫn được tính theo barem chung. Khung, bậc lương nào cũng bị khống chế bởi trần hệ số. Bởi thế có thể tính ra tổng thu nhập trọn thời gian công tác của một công chức bằng công thức trên.

Người ta có thể tính được lương trọn đời của một Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh,… đối chiếu với tài sản họ sở hữu, đài thọ học hành cho con cái, gia đình để mường tượng ra những điều không mấy tốt đẹp.

Cơ chế tiền lương trong khu vực nhà nước hiện nay là một bất cập, mang tính cào bằng, không thể tạo ra động lực để thu hút người tài, gần đây có hiện tượng các vị trí lãnh đạo nghỉ việc chuyển qua khu vực tư nhân. Cách trả lương hiện tại cũng không có chức năng loại bỏ những người yếu kém.

Sự bất cập tiền lương ở đây không đồng nghĩa với đánh giá là cao hay thấp, bởi vì có những vị trí “làm việc nhẹ như lông hồng” thì thu nhập không cao là điều đương nhiên, nhưng có những vị trí cần trả lương thật cao thì cơ chế không cho phép.

Giá trị của sản phẩm hàng hóa sản xuất ra dựa trên “hao phí lao động xã hội cần thiết”. Làm sao đo đếm giá trị hàng hóa do công chức sản xuất ra/kết quả công việc được giao?

Giá trị của hàng hóa hữu hình như gạo, thịt, máy móc, thiết bị,… được đo bằng hao phí lao động xã hội cần thiết, tiền lương được tính trên cơ sở này, vì vậy năng suất càng cao tiền lương càng nhiều - đây là nguyên tắc chung.

Nguyên lý trên rút ra một điều, tất cả các loại lao động và tiền lương đều có mối quan hệ hữu cơ với nhau, lương của lao động trí óc hay lao động chân tay đều phải theo “sức khỏe” nền kinh tế.

Sự biến thiên của nền kinh tế là thường xuyên, trên nguyên tắc năng suất lao động luôn có xu hướng tiến lên theo biên độ ngày càng ngắn, trước đây thế giới mất 10 năm để tăng gấp rưỡi năng suất lao động, nhưng ngày nay chỉ 5 năm, thậm chí 3 năm.

Như vậy, việc cán bộ, công chức, viên chức bị mặc định 3 năm tăng lương 1 lần là không có cơ sở thực tiễn, và lương mặc định tăng theo thời gian là duy ý chí. Bởi kinh tế có lúc tăng trưởng nhanh, lúc tăng trưởng chậm, thậm chí suy thoái.

Những ngành nghề ngoài nhà nước thường gắn chặt với nền kinh tế nên mức lương của họ phản ánh đúng thực trạng hiện tại, thậm chí có thể mất việc hàng loạt nếu kinh tế khủng hoảng, dịch bệnh.

Singapore thiết kế cơ chế lương liên thông với nền kinh tế

Singapore thiết kế cơ chế lương liên thông với nền kinh tế

Trong cơ cấu lương của Bộ trưởng ở Singapore có phần “mềm” tùy thuộc vào tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm và các chỉ tiêu kinh tế chính trị xã hội khác. Các thành viên nội các Singapore được hưởng một khoản thưởng quốc gia lên tới 3 tháng lương nếu chính phủ đạt các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, việc làm và cải thiện thu nhập của người dân. Ngược lại, các quan chức sẽ chẳng nhận thêm đồng nào nếu tăng trưởng kinh tế ở dưới mức 2%.

Động lực làm việc gắn chặt với thù lao được nhận, luôn luôn như vậy. Việt Nam nhức đầu chống tham nhũng, tập trung vào các “đại án” còn “tham nhũng vặt” là hiện tượng khá phổ biến.

Vấn đề tham nhũng chỉ có thể giải quyết bằng phương pháp vật chất, dĩ nhiên cái bụng đói và cái túi rỗng tuếch thì khó lòng nói đến đạo đức, nhân phẩm, danh dự.

Có thể bạn quan tâm

  • Cơ chế tiền lương “thông minh” của Singapore

    Cơ chế tiền lương “thông minh” của Singapore

    05:00, 23/07/2021

  • Lùi thời điểm cải cách tiền lương là phù hợp

    Lùi thời điểm cải cách tiền lương là phù hợp

    16:07, 20/10/2021

  • “Sức khoẻ” tài chính doanh nghiệp: Khó khăn lớn nhất là trả tiền lương cho lao động

    “Sức khoẻ” tài chính doanh nghiệp: Khó khăn lớn nhất là trả tiền lương cho lao động

    11:30, 10/09/2021

TRƯƠNG KHẮC TRÀ