LĂNG KÍNH CUỐI TUẦN: Mừng và lo ở Samsung
Nhìn Samsung thấy điểm sáng môi trường đầu tư Việt Nam nhưng vẫn còn nỗi "canh cánh" cho nội lực nền kinh tế.
>>LĂNG KÍNH CUỐI TUẦN: Biết mình rồi hẵng biết ta
Ngày 19/1/2022, Samsung Việt Nam công bố kết quả kinh doanh năm 2021. Doanh thu 74,2 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu 65,5 tỷ USD, tất cả con số đều tăng rất nhiều so với năm 2020.
Thành quả của Samsung đã nói thay cho chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, môi trường sản xuất kinh doanh ở Việt Nam đã tốt lên như thế nào. Hẳn là lời mời khó cưỡng lại với những công ty lớn có ý định làm ăn ở Việt Nam.
Tất nhiên, nhà nước thu được thuế, người lao động có việc làm và một cái Tết có thịt, có bánh đề huề… Có thể nói gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc tạo ra chuỗi giá trị bất tận hưởng ở Việt Nam.
Samsung cấu thành 20% GDP của Việt Nam - rất khó để tìm ra chỉ số tương tự ở nhiều nền kinh tế khác. Lật ra mặt trái, sẽ thấy toàn bộ nền kinh tế, ở góc nhìn tổng sản phẩm quốc nội, cứ 10 đồng làm ra thì có 2 đồng của Samsung.
Có bao giờ ai đó đặt câu hỏi: Trong số 2 đồng của Samsung, người Việt được hưởng bao nhiêu? Thuế và lương của người lao động chắc chắn không thể giúp Việt Nam “hùng cường, thịnh vượng”. Sự giàu có của đất nước Hàn chính là công nghệ nguồn của những Samsung, Huyndai, Kia… mà thứ họ bán ra không ai sao chép được.
Tương tự, khoảng 2/3 trong tổng số 670 tỷ USD xuất nhập khẩu 2021 thuộc về doanh nghiệp FDI. Tất nhiên, chúng ta không nắm công nghệ lõi, không làm chủ chuỗi cung ứng thì giá trị mang lại chỉ tương ứng mà thôi.
Khi ta chưa đủ điều kiện làm chủ công nghệ, việc mời gọi doanh nghiệp FDI đến lấp chỗ trống là giải pháp khôn ngoan. Nhưng mục tiêu Việt Nam 2045 không phải là nền kinh tế gia công, xuất khẩu sản phẩm thô.
Chúng ta còn 25 năm phía trước, không phải là dài, nếu nhìn lại hơn 25 năm qua Samsung có mặt tại Việt Nam, ngành công nghiệp điện tử, phụ trợ nước ta ở mức nào, sẽ giật mình, nhoắng cái nước đến chân.
Trong khi Trung Quốc có Huawei, Oppo, Xiaomi góp mặt vào danh sách những nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới vậy mà họ vẫn canh cánh nỗi lo nguy cơ tụt hậu, tụt hạng.
Trung Quốc phát triển như vũ bão và khựng lại khi Mỹ cấm tiếp cận công nghệ bán dẫn, toàn bộ hệ thống khổng lồ Huawei rung lắc dữ dội, hàng triệu sản phẩm thông minh trở nên “ngu dốt” khi bên nắm mã nguồn phần mềm phật ý!
Bắc Kinh không còn thiết tha tự hào với danh xưng “công xưởng toàn cầu”, họ đang nỗ lực hết sức để “Made in China 2025”.
Có thể bạn quan tâm