Gạc Ma 1988: Những bài học để lại
Sự kiện trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam xảy ra cách đây 34 năm. Khoảng thời gian vừa đủ để một người sinh ra, lớn lên, trưởng thành và nhận thức rõ ràng về lịch sử.
>>Từ Gạc Ma nghĩ về lợi ích dân tộc
Nhận thức của thế hệ chúng tôi, lớp người sinh ra trong thời bình: Gạc Ma là một phần không thể tách rời của lãnh thổ nước Việt; thế lực ra lệnh nổ súng vào Gạc Ma là cường bạo phi nghĩa, đâu khác gì những đạo quân xâm lăng châu Á đến từ trời Tây trong suốt thế kỷ 20!
Hơn 3 thập kỷ sau ngày mất Gạc Ma, chúng ta vẫn nén đau đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, nghị sự, sẵn sàng lên tiếng mỗi khi phía Trung Quốc có động thái xâm lấn. Xét về thế và lực, tôi cho rằng, đó phương sách tối ưu nhất hiện nay.
Hai nước Việt - Trung vĩnh viễn là láng giềng, lại “đồng sàng” (đồng chủng đồng văn) nhưng không hiếm khi “dị mộng”, xung đột, chiến tranh là một phần của lịch sử sinh tồn cạnh nhau.
Đầu năm 545 nước Vạn Xuân suy yếu, nhà Lương đem quân xâm lược hòng xóa sổ nhà nước non trẻ. Năm 179 Triệu Đà lại đánh chiếm Âu Lạc, bắt đầu thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc. Đến nhà Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh triều đại nào cũng gây chiến với dân tộc ta.
Suốt tiến trình lịch sử, người Hán không bao giờ thôi nuôi mộng “Nam tiến”, định mệnh đặt người Việt ta án ngữ ngay chính điểm nút trên con đường này. Lịch sử cũng cho thấy, thời kỳ nào nước Việt suy yếu ngay tức thì mất nước vào tay phương Bắc. Kể cả cuộc chiến biên giới Tây Bắc và Tây Nam mới đây cũng diễn ra trong bối cảnh đất nước ta khó khăn.
Nhưng, đến hôm nay chúng ta có cơ hội đọc sử cha ông tức là phần thắng cuối cùng bao giờ cũng thuộc về phía chính nghĩa. Gạc Ma là một trong muôn vàn trận đánh lớn nhỏ, biểu thị cho sức sống mãnh liệt, ý chí độc lập, tự cường của người Việt.
Năm 1988, khối XHCN Liên Xô và Đông Âu khủng hoảng trầm trọng, Việt Nam không ngoại lệ, kinh tế suy thoái, công - nông nghiệp đình trệ, lạm phát phi mã. Đây là điều kiện thuận lợi để Trung Quốc “man thiên quá hải” trên Biển Đông.
Trong đối sánh sức mạnh với phương Tây, Liên Xô mất dần đối trọng do khủng hoảng nội bộ, nhiệm vụ của Mikhail Gorbachev lúc này là “cải tổ” để tồn tại. Vì thế, các biến động ở Biển Đông dường như nằm ngoài chương trình nghị sự.
Đến hôm nay Gạc Ma chưa đòi lại được và vẫn còn nhiều vùng trời, vùng biển, đảo của Tổ quốc bị đe dọa. Hai nhiệm vụ tổng thể đặt ra: Một là thu non sông về một mối và không để mất thêm tấc đất tấc trời nào nữa.
Thứ nhất, muốn yên bờ cõi, chính sách ngoại giao phải là tiên phong, sử dụng ngoại giao để tận dụng sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của nhân loại yêu chuộng hòa bình.
Với thế cuộc hiện nay, thế giới phân cực Đông - Tây, đại diện là Trung - Mỹ. Xử lý biện chứng vấn đề “gần Trung Quốc” hay “thân thiện với Mỹ” là vô cùng quan trọng. Nhưng tin chắc rằng, đường lối ngoại giao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đang vận dụng rất nhuần nhuyễn “triết lý cây tre”.
Bài học Ukraine mới xảy ra cho thấy, đứng về bên nào cũng không bằng đứng trên đôi chân của chính dân tộc mình; tồn tại bên cạnh một nước lớn càng phải khôn ngoan.
Thứ hai, khi lãnh thổ bị đe dọa không cho phép nội bộ rối ren, mất đoàn kết. Rường cột trong đó phải là nền kinh tế mạnh, ổn định, có chiều sâu; đánh bật tham nhũng, xây chắc niềm tin trong quần chúng nhân dân.
Giới tinh hoa chính trị cần nuôi dưỡng khát khao cháy bỏng đòi lại lãnh thổ, đấu tranh mềm dẻo nhưng không có nghĩa là nhu nhược, khi cần thiết vẫn phải dùng đến “sự phê phán của vũ khí”. Bác Hồ và những nhà cách mạng tiền bối đã từng vận dụng rất linh hoạt giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. Hẳn nhiên, cần những bộ óc mẫn tiệp, nhạy bén và giàu tư duy chiến lược.
Cuối cùng, chiến tranh là hạ sách, không ai thắng, “trạng chết chúa băng hà”, còn thất bại đổ lên đầu nhân dân. Kiên nhẫn chờ đợi 34 năm chưa là gì với cốt cách con người Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm