Từ Gạc Ma nghĩ về lợi ích dân tộc

Trương Khắc Trà 17/03/2020 06:05

Là chính nghĩa, để bảo vệ độc lập dân tộc, trong bất cứ hoàn cảnh nào không có sự hi sinh nào là vô nghĩa...

Ngày 14/3 cách đây 32 năm, 64 chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh, chiếc tàu HQ550 bị quân xâm lược bắn cháy, lấy hết tốc lực trườn lên bãi cát, chúng ta giữ được đảo Cô Lin, Len Đao nhưng Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng kể từ giờ phút đau thương ấy.

Mô hình Trung Quốc đang xây dựng trên đảo Gạc Ma

Mô hình Trung Quốc đang xây dựng trên đảo Gạc Ma

Giữa những ngày hối hả chống dịch, dường như cụm từ “Gạc Ma” và “64 chiến sĩ hy sinh” ít được nhắc đến, nhưng không vì thế mà sự kiện lịch sử này “được phép” lãng quên.

Những năm cuối thập niên 80, Việt Nam cũng như khối XHCN lâm vào khó khăn. “Anh cả Liên Xô” bắt đầu hụt hơi vì phải bao cấp cho hàng loạt “anh em” ở Đông Âu.

Trong đối sánh sức mạnh với phương Tây, Liên Xô mất dần đối trọng do khủng hoảng nội bộ, nhiệm vụ của Mikhail Gorbachev lúc này là “cải tổ” để tồn tại. Vì thế, các biến động ở Biển Đông dường như nằm ngoài chương trình nghị sự.

Nước Mỹ lúc này dưới sự lãnh đạo của vị Tổng thống thứ 40, Ronald Reagan thực hiện chính sách chống Liên Xô và các nước XHCN đến cùng; đồng thời xung đột dữ dội với các quốc gia tại vùng Vịnh, ủng hộ Iraq, bài xích Iran...

Việt Nam lúc này khó khăn đỉnh điểm. Lạm phát phi mã và kéo dài. Tính phi thị trường càng rõ khi phân phối thì bao cấp hiện vật, ngân hàng thì không theo nguyên tắc lấy vay để cho vay, ngân sách thì không theo nguyên tắc lấy thu để chi.

Nên để bù đắp bội chi tiền mặt, bội chi ngân sách đã phải in tiền; lại gặp sai lầm khi cải cách “giá-lương-tiền” năm 1985, đã làm cho siêu lạm phát xuất hiện, lên tới 774,7% năm 1986 và kéo dài với mức 3, rồi 2 chữ số cho đến đầu thập kỷ 90.

Trong bối cảnh đó Trung Quốc “đục nước thả câu”, đơn phương ngăn cản Việt Nam đưa nhân lực, vật lực ra xây dựng đảo Gạc Ma, gây thêm một “vết đen” trong lịch sử quan hệ hai nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Gạc Ma, hy sinh để bất tử

    Gạc Ma, hy sinh để bất tử

    19:48, 14/03/2018

  • Cựu chiến binh Gạc Ma khởi nghiệp thành công ở tuổi 50

    Cựu chiến binh Gạc Ma khởi nghiệp thành công ở tuổi 50

    04:18, 15/03/2018

  • Doanh nhân Lê Viết Hải sở hữu bức tranh “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử”

    Doanh nhân Lê Viết Hải sở hữu bức tranh “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử”

    17:19, 14/12/2015

Nhắc lại lịch sử để thấy rằng, câu nói của cố Thủ tướng Anh Wiston Churchill “Không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn” như cẩm nang kinh điển trong mọi hoàn cảnh.

Và rằng, không một dân tộc nào ngây thơ đến mức đưa chủ quyền mình cho người khác giữ giùm. Cũng có nghĩa, bảo vệ độc lập, chủ quyền phải dựa vào tự lực tự cường.

Cần nhớ lại, vào năm 1972, khi  Mỹ - Trung đang trong thời kỳ quan hệ vàng son, Tổng thống Nixon đã “bật đèn xanh” để Bắc Kinh gây ra cuộc hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974. Đây là tiền đề trực tiếp của mọi rắc rối trên Biển Đông giữa hai nước Việt - Trung cho đến tận bây giờ.

Các sử gia đặt câu hỏi, thời điểm đó lực lượng Mỹ còn chân rết tại Việt Nam nhưng tại sao không ra tay ứng cứu? Sau này, câu trả lời là: Thời điểm đó lợi ích Mỹ - Trung mới thật sự là vấn đề mà các cường quốc quan tâm hơn cả.

Và sau đó, kể từ khi Tổng thống Bush (cha) lên nắm quyền, quan hệ Mỹ - Trung đảo chiều nhanh chóng, trở nên gay gắt dưới thời ông Trump. Vẫn một câu trả lời: Mỹ - Trung bây giờ “đôi người đôi ngả”.

Liên minh quốc tế để tạo ra tiếng nói cộng hưởng cũng là điều cần thiết, nhưng lịch sử Gạc Ma cho thấy liên minh ấy cũng có tính thời điểm. Thực tế Trung Quốc cũng từng ủng hộ Việt Nam trong nhiều cuộc kháng chiến chống xâm lược phương Tây.

Nhưng cũng chính Trung Quốc đem đến cho chúng ta rất nhiều bài học về giữ gìn chủ quyền, hòa bình, đó đều là những bài học đổi lấy bằng xương máu đồng bào.

Lúc này, các liên minh quân sự không còn khẩn thiết bằng liên minh kinh tế, bởi vì bối cảnh hoàn toàn khác trước. Động cơ chiến tranh không còn là súng đạn đơn thuần, mà đó là thao túng kinh tế, tài chính, tiền tệ dưới nhiều hình thức khác nhau.

Mối quan hệ Việt Nam với phương Tây cũng khác trước, khá ấm áp trên mặt trận kinh tế, nhưng hãy lưu ý, dưới vỏ bọc là các Hiệp định tự do Thương mại không đơn giản chỉ là kinh tế!

Từ khi Mỹ “xoay trục châu Á” Việt Nam đóng vai trò “địa chính trị” tại khu vực Đông Nam Á. Tuy lợi thế nhưng cũng vô cùng phức tạp về đối ngoại, giữ gìn quốc phòng, an ninh.

Nếu lắp ghép các mối quan hệ này vào chuỗi dây lịch sử thì đây cũng là “tính thời điểm” khi Mỹ và phương Tây cần Việt Nam cho mục đích tranh giành lợi ích khổng lồ tại Thái Bình Dương trong tương lai gần.

Người Mỹ vài năm trở lại đây đang tăng cường “ngoại giao chiến hạm”, đó là nghệ thuật tinh vi từ Nhà trắng. Nhưng cho dù, các mối quan hệ phát triển đến mức nào thì giữ biển, đảo vẫn muôn đời là nhiệm vụ hoàn toàn do ta và vì ta mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Từ Gạc Ma nghĩ về lợi ích dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO