Gạc Ma - những người nằm lại phía chân trời
Đúng ngày này 34 năm trước, máu đã đổ ở Trường Sa khi quân Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế đổ bộ lên đảo Gạc Ma, nổ súng vào tàu vận tải và bộ đội Việt Nam.
>>>Gạc Ma 1988: Những bài học để lại
>>>Gạc Ma không bị lãng quên
34 năm vĩnh cửu ngọn lửa yêu nước
Ngày 14/3/1988, các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đang xây dựng đảo Gạc Ma thì bị quân địch tấn công khiến 3 tàu vận tải cùng 64 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh khi quyết giữ đảo. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển khơi, biến mình thành những cột mốc thiêng liêng, khẳng định chủ quyền của đất nước.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Huy Lễ - Hội cựu chiến binh và Ban liên lạc Gạc Ma (Hải Phòng) cho biết, "Hải Phòng vừa tổ chức ôn lại kỷ niệm với 20 cựu chiến binh Gạc Ma. Chúng tôi ngồi lại với nhau ôn lại kỷ niệm bi hùng, để tưởng nhớ những người đã hy sinh cho Tổ quốc".
Theo thượng tá Phạm Văn Hưng, nguyên trưởng ngành hỏa lực của tàu HQ-505, trực tiếp tham gia trận chiến 14/3/1988, ở lại bảo vệ đá Cô Lin: Trong trận chiến bi hùng đó, tàu HQ-505 do ông Lễ làm thuyền trưởng không bị đánh chìm, nhưng trọng thương vì đạn pháo của Trung Quốc.
Ông Hưng nhớ lại: Đêm 13/3/1988 căng như dây đàn đối với thủy thủ tàu HQ-505. Buổi chiều sau khi thả neo ở mép đá Cô Lin, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho toàn tàu ăn cơm chiều và gọi các sĩ quan họp riêng, nhận định: “Sáng mai có thể đụng độ. Mọi người chuẩn bị tinh thần chiến đấu” và tăng cường đi ca, quan sát mục tiêu trên biển. Đêm hôm ấy, hầu như cả tàu tập trung ở phòng thông tin hóng các bức điện từ bờ gửi ra. Các tổ đi ca tăng cường người, tập trung quan sát phía Gạc Ma bởi lúc chiều nhập nhoạng, nhìn qua ống nhòm đã thấy tàu HQ-604 thả xuồng đưa công binh vào bãi đá và ban đêm, đuốc trên bãi sáng lập lòe.
Ông Lễ cho biết: Tàu HQ-505 trúng đạn đã nghiêng, ông thoáng nghĩ, nếu để tàu chìm thì chẳng những mất đảo mà chiến sĩ cũng hy sinh hết. "Tôi phát lệnh bằng mọi giá lao tàu lên đảo”. Đó là quyết định trọng đại nhất đời binh nghiệp của ông Lễ. Hình ảnh con tàu HQ-505 lao mình lên đảo Cô Lin, biến thành bệ pháo, thành một “chiến hạm không thể đánh chìm” đã và mãi mãi trở thành một biểu tượng của lòng quả cảm.
Ngay khi giữ được Cô Lin, thuyền trưởng Lễ quyết định hạ xuồng cứu sinh chạy sang Gạc Ma, cách đó chừng 4 hải lý để cứu đồng đội trong khi đạn súng Trung Quốc vẫn tứ bề không ngừng nổ. Và 44 người, cả thương binh lẫn liệt sĩ đã được vớt đưa về tàu HQ-505.
Theo ông Vũ Huy Lễ, nguyên thuyền trưởng tàu HQ-505 kể lại, thực tế trước khi diễn ra trận hải chiến năm 1988, HQ-505 chỉ làm nhiệm vụ đưa bộ đội công binh và vật tư công trình đến đảo Đá Lớn. Vừa hoàn thành công việc thì sáng 13/3/1988, tàu nhận được lệnh đến đảo Cô Lin. Trên đường HQ-505 di chuyển, tàu Trung Quốc tìm cách ngăn chặn, khiêu khích. Đến 18h cùng ngày, dù bị Trung Quốc gây nhiễu làm mất liên lạc với sở chỉ huy song tàu vẫn đến đúng vị trí và hoàn thành nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền trên đảo Cô Lin sáng sớm 14.3.1988.
Trong nhiều lần gặp gỡ dịp kỷ niệm ngày hải chiến Gạc Ma, Anh hùng Vũ Huy Lễ luôn nói: "Chúng tôi không muốn khắc sâu hay khơi gợi lại mối hận thù, nhưng phải nhắc đúng sự thật lịch sử để nhắc nhớ cho thế hệ mai sau nhớ, biết rằng một phần lành thổ của Việt Nam là Hoàng Sa, Gạc Ma... của Trường Sa vẫn chưa về với đất mẹ Việt Nam.
>>>Trận chiến Gạc ma: Lịch sử phải trả về cho lịch sử!
Gạc Ma không thể nào quên
Những hoạt động kỷ niệm dịp 14/3, dù chỉ lặng lẽ thắp hương để tưởng niệm đồng đội, tập hợp một số cựu chiến binh để thả hoa đăng ở Hà Tĩnh, Đà Nẵng... thì cũng đều mong muốn tỏ lòng biết ơn những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Hoạt động tưởng niệm, tri ân thân nhân các gia đình liệt sĩ hay dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma ở Cam Ranh, Khánh Hòa của tổ chức Công đoàn, cũng nhằm thắp lên ngọn lửa thiện nguyện, để giữ ấm lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời giáo dục ý thức tự hào lịch sử dân tộc và phát huy truyền thống gìn giữ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của những thế hệ cha ông...
Khi những thước phim thực tả về sự kiện Gạc Ma, nhiều người dân Việt Nam mới có thể "chứng kiến", cảm nhận được một phần nào sự thật về cuộc chiến khốc liệt, không cân sức này. Không người con dân Việt nào có thể cầm được nước mắt mỗi lần xem thước phim với hình ảnh những người lính Hải quân Việt Nam dầm mình trong nước biển đến thắt lưng, tay nắm tay nhau, kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh nhằm quyết giữ biển đảo quê hương.
Tháng 3/2017, khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma với tượng đài “những người nằm lại phía chân trời” mới hoàn thành xây dựng. Khu tưởng niệm không chỉ có ý nghĩa đặc biệt với thân nhân 64 gia đình liệt sĩ Gạc Ma, mà sau khi khánh thành, lập tức nơi đây trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh mà hàng trăm ngàn khách du dịch, thanh thiếu niên đã viếng thăm, ngưỡng vọng. Mục đích của chương trình Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa mà tổ chức Công đoàn phát động khi xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là thắp sáng ngọn lửa thiện nguyện, lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, giáo dục ý thức tự hào lịch sử dân tộc và phát huy truyền thống gìn giữ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của những thế hệ cha ông, có thể nói đã thành hiện thực.
Theo Ban quản lý Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, từ ngày khánh thành (16-7-2017) đến nay, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã đón gần 2.500 đoàn với hơn 230.000 lượt khách đến thăm viếng, tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Nhiều đơn vị, đoàn thể, trường học tổ chức lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên; sinh hoạt truyền thống, giáo dục lịch sử... tại Khu tưởng niệm.
Tại đây có rất nhiều kỷ vật của các chiến sĩ được gia đình gửi gắm trưng bày như: Bức thư thấm đẫm tình thương gia đình của liệt sĩ Võ Đình Tuấn (Khánh Hòa), tấm bằng tốt nghiệp nhòe hình của liệt sĩ Vũ Văn Thắng (Thái Bình) hay tấm hình đen trắng trong Chứng minh nhân dân của liệt sĩ Tống Sĩ Bái…
Khu còn lưu giữ những kỷ vật của các con tàu đã chìm tại Gạc Ma năm xưa như bánh lái, giày dép, mảnh súng trường, cuốc xẻng mà các anh hùng, liệt sĩ sử dụng khi bảo vệ Gạc Ma. Khu tưởng niệm đã trở thành một địa chỉ đỏ, một biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước, yêu biển, đảo quê hương.
Sự kiện Gạc Ma sẽ xuất hiện 3 lần trong chương trình môn lịch sử mới Gạc Ma là sự kiện dự kiến được đưa vào 3 chỗ của chương trình lịch sử phổ thông mới. Thứ nhất là hợp phần lịch sử của môn lịch sử và địa lý cấp THCS, sự kiện Gạc Ma sẽ đưa vào nội dung lịch sử VN và Đông Nam Á từ 1986 đến nay. Thứ hai, ở THCS có một chủ đề tích hợp, dự kiến đặt tên là Biển đảo VN, có các nội dung là địa lý tự nhiên, kinh tế biển, tài nguyên biển, lịch sử chủ quyền biển đảo của VN, bao gồm lịch sử quá trình khẳng định và thực thi chủ quyền của VN trên Biển Đông. Trong đó có sự kiện Gạc Ma 1988, hải chiến Trường Sa 1988 và tình hình hiện nay. Ở phần thứ ba, Gạc Ma sẽ được dạy trong cấp THPT với hai chủ đề là lịch sử các cuộc chiến tranh giải phóng bảo vệ Tổ quốc và chủ đề Biển đảo VN. Ở cấp học này, học sinh sẽ tìm hiểu về sự kiện Gạc Ma 1988 trong cái nhìn xuyên suốt của truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc để giữ từng tấc đất của Tổ quốc, rút ra bài học xuyên suốt lịch sử. GS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện VN họcvà khoa học phát triển (ĐHQG Hà Nội),Chủ biên chương trình môn lịch sử mới |
Có thể bạn quan tâm