Sri Lanka và khủng hoảng “gia đình trị”
Một nền chính trị cũ kỹ về con người đã tạo ra nền kinh tế èo uột và xã hội bất ổn đã dẫn đến kết cục bạo loạn ở Sri Lanka.
>>Đằng sau bạo loạn ở Kazakhstan
Nội các Sri Lanka bỗng dưng từ chức đồng loạt chỉ còn lại Tổng thống và Thủ tướng sau làn sóng biểu tình dữ dội của người dân vì khủng hoảng kinh tế, lạm phát khiến đời sống khó khăn.
Đảo quốc vùng Nam Á 22 triệu dân đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nhu yếu phẩm, năng lượng, trượt giá kỷ lục trong bối cảnh nền kinh tế tê liệt vì mất cân đối tài chính trầm trọng.
Đất nước này mang bóng dáng của một chế độ toàn trị triệt để khi quyền lực tối cao nằm trong tay gia tộc Rajapaksa - đương kim Tổng thống, em trai ông là Thủ tướng Mahinda, hầu hết anh em ruột nắm giữ các Bộ trọng yếu như Tài chính, Nông nghiệp,…
Cuộc bạo loạn là kết quả tất yếu bục phát sau khoảng thời gian 5 năm liên tục (2015 - 2020) kinh tế sa sút, đỉnh điểm năm 2020 GDP nước này tăng trưởng âm 3,6%, theo World Bank.
Dưới thời Tổng thống Rajapaksa, Sri Lanka vay nợ ồ ạt xây dựng hạ tầng giao thông, một trong những chủ nợ lớn nhất là Trung Quốc, thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Nguồn tin của New York Times cho biết Sri Lanka đang nợ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hơn 8 tỉ USD.
Hambantota ở cực Nam đất nước, làng chài nghèo khó của Tổng thống đương nhiệm, sở hữu cảng biển hướng ra Ấn Độ Dương mênh mông, cách tuyến đường biển huyết mạch vài dặm, nơi có 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua - dĩ nhiên rơi vào tầm ngắm của chiến lược “phủ bóng toàn cầu” của Bắc Kinh.
Ý tưởng “cục bộ vùng miền” biến Hambantota thành cảng biển quốc tế, địa danh du lịch, dịch vụ có tầm cỡ là cơ hội để Trung Quốc mở hầu bao cho vay, sau 6 năm xây dựng, vùng đất này là nguyên nhân gây nợ cho chính phủ, điều tồi tệ nhất đã đến, Sri Lanka phải nhượng quyền sử dụng Hambantota 99 năm cho Trung Quốc để xóa nợ!
Rajapaksa “giữ” ghế Tổng thống 17 năm liên tục, ngày càng nhiều chính trị gia thân hữu được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng, đến nay Sri Lanka được điều hành bởi phương thức gia đình trị, triệt tiêu tính cạnh tranh, hạn chế tiếng nói phản biện nội bộ.
Hiện tượng rời ghế hàng loạt cũng có thể coi là động thái có chủ đích của Tổng thống giúp hạ nhiệt căng thẳng, tránh bạo loạn lan ra toàn quốc. Thông qua đó ông Rajapaksa có thể “thay máu” nội các mới - như một cách chia sẻ quyền lực với đảng đối lập, hòng xoa dịu tình hình.
Cấu trúc quyền lực chính trị Sri Lanka tổ chức theo phương thức nhất viện, gồm có 225 thành viên lập pháp, mô hình được sử dụng khá phổ biến, ưu điểm là gọn nhẹ, linh hoạt thực hiện các quyết sách lớn.
Nhưng chế độ nhất viện dễ nảy sinh tiêu cực, cục bộ nếu như nội các không được bổ sung nhân sự mới định kỳ, đặc biệt Sri Lanka có rất nhiều chính trị gia “cây nhà lá vườn” của Tổng thống.
Dần dần nhất viện mất quyền giám sát, phản biện, ngăn cản chính sách nguy hiểm, quyền lực thực tế nằm trong tay Tổng thống, người chỉ huy tối cao lực lượng vũ trang. Ngược lại, nghị sĩ không có nhiều quyền lực. Chỉ có hai lựa chọn, im lặng để giữ ghế hoặc ra đi nếu muốn phản biện!
Năm 2017, Bộ trưởng Tư pháp Sri Lanka Wijeyadasa Rajapakshe bị Tổng thống phế truất vì phản đối bán 70% cổ phần cảng Hambantota cho Trung Quốc với giá 1,15 tỷ USD. Liên quan đến thương vụ tai tiếng này, người dân Sri Lanka xuống đường biểu tình rầm rộ vì sợ mất đất.
Chế độ chính trị nào không phải là điều quá quan trọng, vấn đề là thiết chế kiểm soát quyền lực, hành động vì lợi ích đại đa số dân chúng. Biểu hiện thực tế là người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và được tôn trọng.
Singapore chỉ một đảng duy nhất nắm quyền, đất nước rất phát triển, giá trị dân chủ được bảo vệ. Đảng Cộng hòa và Dân chủ thay nhau lãnh đạo nước Mỹ, đảng Quốc đại ở Ấn Độ nhiều thập kỷ cầm trịch nền chính trị vẫn giúp quốc gia Nam Á phát triển nhanh.
Có thể bạn quan tâm