Cần bổ sung thêm gói “hỗ trợ niềm tin”
Nếu cần bổ sung gói hỗ trợ, theo tôi đó chính là gói “hỗ trợ niềm tin”. Đây là giai đoạn niềm tin đang bị khủng hoảng trên toàn thế giới. Ở Việt Nam cũng cần có “gói hỗ trợ niềm tin”.
>>Không “đổ tội” rủi ro chéo cho bất động sản và tài chính
3 thách thức lớn
Chúng ta đang sống trong một môi trường kinh doanh có rất nhiều rủi ro chưa từng có bởi một số nguyên nhân.
Thứ nhất, đó là tác động kép từ đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine. Điều này dẫn đến suy giảm niềm tin chiến lược trên phạm vi toàn cầu. Hội nhập có nguy co bị đẩy lùi, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang trỗi dậy.
Còn với Việt Nam, những khuyết tật của hệ thống quản lý và những “trục trặc” của khu vực tư nhân ở một số tập đoàn lớn cũng đã bộc lộ ngày càng rõ ràng hơn tại thời điểm khó khăn này.
Như vậy, chúng ta đang trong bối cảnh phải đối diện với nhiều rủi ro đan xen cùng những cơ hội.
Rủi ro là các nguy cơ bất ổn của hệ thống tài chính và nền kinh tế đang rất lớn. Do đó, đây là nền tảng và tâm điểm chú ý của tất cả mọi chính sách trong bối cảnh hiện nay.
Phục hồi và phát triển kinh tế phải trên cơ sở đảm bảo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh hệ thống tài chính. Cho nên, tôi rất rất hoan nghênh việc lựa chọn chủ đề của trường Đại học Kinh tế quốc dân năm nay.
Và không phải chỉ của năm nay mà sẽ còn là chủ đề của những năm tiếp theo. Bởi vì chúng ta chưa dễ thoát ra khỏi bối cảnh này.
Thứ hai, trong 2 năm phục hồi nền kinh tế, việc vừa giải quyết những vấn đề ngắn hạn, vừa đối đầu với những vấn đề ngắn hạn và phải thực hiện tái cấu trúc cơ cấu kinh tế để có thể giải quyết những vấn đề dài hạn cần phải có sự kết hợp hài hoà. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn.
Chúng ta có cơ hội để thực hiện vấn đề này khi đã kiểm soát tốt dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế và đang cố gắng bặt kịp xu thế của toàn cầu.
Mặc dù có chậm hơn so với một số nước, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm lựa chọn hàng đầu trong việc chuyển dịch dòng đầu tư của các chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ ba, cải cách thể chế đang được tiếp tục, vấn đề này có phần bị chậm có thể do chúng ta tập trung nhiều vào cho những nhiệm vụ trước mắt hơn những vấn đề căn bản như thể chế.
Các gói hỗ trợ bước đầu đã phát huy tác dụng, nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Theo tôi, biện pháp quan trọng là phải làm thế nào thực hiện một cách khẩn trương hơn để phát huy hiện quả. Đặc biệt, hướng được các nguồn lực, tiền tệ và dòng vốn vào khu vực có năng lực hấp thụ cao.
Khu vực đó không đâu khác chính là khu vực tư nhân. Chúng ta phải hướng vào được doanh nghiệp tư nhân có năng lực và đang là trung tâm của các chuỗi cung ứng của nền kinh tế và có khả năng lan tỏa.
Cho nên, việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhưng hướng vào các chuỗi cung ứng, theo các ngành kinh tế mà không chỉ hỗ trợ từng doanh nghiệp riêng lẻ. Theo quan điểm của tôi, trong hỗ trợ phải tính đến vấn đề này.
>>Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp bất động sản
Cần phải bổ sung thêm gói hỗ trợ gì?
Tôi cho rằng, đó chính là gói "hỗ trợ về niềm tin". Đây là giai đoạn niềm tin đang bị khủng hoảng trên toàn thế giới. Ở Việt Nam cũng cần có gói "hỗ trợ niềm tin". Đó là là niềm tin của xã hội vào khu vực tư nhân. Niềm tin của khu vực tư nhân vào xã hội và thị trường. Nếu chúng ta không khôi phục và giữ vững được niềm tin này, để các nhà kinh doanh nản chí, co cụm lại không muốn kinh doanh, thậm chí chuyển vốn ra nước ngoài là chúng ta thất bại.
Do đó, gói hỗ trợ bổ sung chính là gói "hỗ trợ về niềm tin" cho khu vực kinh tế tư nhân vào xã hội và ngược lại. Khu vực kinh tế tư nhân vẫn phải là “ngôi sao” hy vọng của nền kinh tế. Với các hiện tượng FLC, Tân Hoàng Minh, các giao dịch về trái phiếu, cổ phiếu của các doanh nghiệp này, hoặc việc đấu giá bất động sản ở Thủ Thiêm (TP.HCM) không phản ánh bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp.
Đây là một mảng lớn, là vấn đề của cộng đồng doanh nghiệp và của môi trường kinh doanh hiện nay. Tuy nhiên, không phải là hình ảnh chung của đội ngũ doanh nghiệp tư nhân. Do đó, xã hội và nhà nước cần có cái nhìn công bằng.
Pháp luật phải nghiêm minh với những doanh nghiệp kinh doanh sai trái. Nhưng công luận và xã hội cũng cần công bằng và bao dung với đội ngũ doanh nhân. Tinh thần khởi nghiệp phải được tiếp tục thúc đẩy. Còn nếu “xa lánh” doanh nhân thì chắc chắn sẽ tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước.
Trong khi công cuộc phòng chống tham nhũng đang được đẩy mạnh, nhưng chúng ta cũng rất mừng khi Thủ tướng khẳng định không hình sự hoá các mối quan hệ kinh tế dân sự. Điều này chúng ta đã nói nhiều, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì càng phải nhấn mạnh yếu tố này. Bên cạnh đó, vẫn phải lấy cải cách thể chế làm trung tâm, mặc dù chúng ta còn đang rất “bận bịu” với các vấn đề trước mắt.
Thủ tướng cũng đã có một thông điệp được doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao. Đó là, khi tôi trao đổi với các doanh nghiệp nước ngoài họ có chia sẻ về câu nói của Thủ tướng “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”. Những vấn đề này không chỉ áp dụng cho đối tác công-tư, mà đây phải là “trái tim” của chính sách.
Nếu hệ thống chính sách, thể chế của chúng ta được thiết lập theo tinh thần và đảm bảo nguyên tắc như vậy thì sẽ tạo ra những động lực cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Tạo niềm tin của khu vực tư nhân trong quá trình phát triển. Tôi cũng đề nghị, có một số điểm thể chế cần phải điều chỉnh. Ví dụ, thận trọng hơn, chặt chẽ hơn đối với trái phiếu doanh nghiệp, hay quản lý tốt hơn đối với thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, chúng ta không nên làm “giật cục” hoặc “siết chặt” để đảm bảo việc huy động trái phiếu doanh nghiệp hay phát triển mạnh thị trường chứng khoán. Vì đây vẫn là kênh huy động quan trọng nhất của các doanh nghiệp trong tương lai.
Việc các doanh nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào ngân hàng là một thiếu sót quan trọng của thể chế tài chính hiện nay. Các doanh nghiệp phải dựa trên nguồn vốn dài hạn thông qua thị trường chứng khoán, thông qua trái phiếu doanh nghiệp.
Chúng ta phải thúc đẩy thị trường này, không phải khi xảy ra những hiện tượng FLC, Tân Hoàng Minh… thì “co “ hoăc “siết” lại một kênh huy động vốn rất hiệu quả cho các doanh nghiệp. Quản lý có hiệu quả không có nghĩa là “siết lại”. Điều này rất quan trọng trong quá trình chúng ta tổ chức thực thi các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới.
Tôi cho rằng, đối với các doanh nghiệp, việc giữ vững niềm tin của thị trường và thể chế là điều rất quan trọng. Trên cơ sở đó, xây dựng một mô hình kinh doanh mới chuyên nghiệp hơn trong quản trị.
Đó là, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi nhân văn. “Chuyển đổi xanh” nhưng “tấm lòng phải đỏ”, chuyển đổi số trong môi trường ảo nhưng phải làm “rất thật”. Nếu có cơ hội để đề xuất với các doanh nghiệp Việt Nam, tôi sẽ nói 3 điều. Đó là, nghĩ thật, nói thật và làm thật.
Chữ “thật” sẽ là trung tâm của động thái doanh nghiệp hiện nay và sẽ là điểm tựa bảo vệ sự thành công của đội ngũ doanh nhân này. Đồng thời, giữ niềm tin của xã hội đối với doanh nghiệp, doanh nhân để tạo ra động lực phát triển.
Trong bối cảnh hiện nay có một điều rất quan trọng, đó là rủi ro sẽ là một yếu tố không thể thiếu trong hành trình của môi trường kinh doanh trong tương lai. Bởi biến đổi khí hậu, chiến tranh, dịch bệnh hay chuyển đổi số, kinh tế số… cũng sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Cho nên, nâng cao khả năng chống chịu và quản trị rủi ro trở thành năng lực cạnh tranh cốt lõi của các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tôi đánh giá cao ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021”, vì nhà trường đã dành rất nhiều “giấy mực” để phân tích về những rủi ro mà cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế đang phải đối diện. Đây là cách thức cảnh bảo và định hướng các nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm