Những thách thức lớn nào đang đợi quyền Bộ trưởng Bộ Y tế?
Không ai trả lời được câu hỏi: Một Bộ trưởng Bộ Y tế như thế nào là tốt nhất? Bởi câu trả lời phụ thuộc vào việc người đó là ai và làm việc như thế nào.
>>>>Giao quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Đào Hồng Lan
Sự kiện bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế và Thủ tướng giao quyền Bộ trưởng Bộ Y tế vào ngày 15/7 vừa qua vẫn đang làm nóng khắp diễn đàn thông tấn, xã hội.
Tất thảy dư luận xã hội quan tâm sâu sắc một phần vì cả 14 đời Bộ trưởng y tế trước đây đều là chuyên gia y tế, nhưng lần này, bà Đào Hồng Lan như một ngoại lệ.
Với cách lựa chọn khác trước, chúng ta đều hy vọng sẽ đi kèm với sự thay đổi tư duy điều hành Bộ Y tế. Khi đã có điều kiện tiên quyết là bộ máy giúp việc với những Thứ trưởng, các hội đồng chuyên môn hoặc đơn vị cấp dưới, quyền Bộ trưởng nên tập trung vào các vấn đề chính sách, thay vì giải quyết sự vụ.
Về lý thuyết có vẻ rất dễ thực hiện, nhưng thực tế hiện nay ngành Y tế đang rối như tơ vò, như một “mớ bòng bong” đỏi hỏi người đứng đầu ngành Y tế cũng như các cơ quan, ban ngành phải vào cuộc tìm giải pháp tháo gỡ.
Theo đó, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ phải đối mặt khá nhiều khó khăn. Trong đó, có không ít khó khăn tồn đọng từ trước và vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời do vướng cơ chế, hoặc chưa có hành lang pháp lý để giải quyết hiệu quả.
Đầu tiên, phải nói đến trình trạng thiếu nhân lực trầm trọng ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe cấp cơ sở.
Bài toán nan giải này ở đời Bộ trưởng nào cũng gặp nhưng chưa giải quyết ổn thỏa. Sau 2 năm COVID-19 càng làm cho bài toán khó giải hơn, khi đầu năm nay, ở nhiều địa phương (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng…) hàng loạt bác sĩ và nhân viên y tế nghỉ việc, gánh nặng trên lưng những người trụ lại càng nặng thêm.
Điều đáng buồn là đất nước có hệ thống và tổ chức mạng lưới y tế cơ sở với quy mô hàng đầu thế giới (trạm y tế được tổ chức đến tận các xã, phường, thị trấn). Tuy nhiên, với đội ngũ nhân viên y tế vừa thiếu, vừa yếu, các trạm y tế đã không phát huy được chức năng chăm sóc sức khỏe người dân từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở. Hệ lụy dẫn đến tình trạng vượt tuyến, gây áp lực cho các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên.
Thứ hai, khó khăn liên quan đến tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế.
Hơn một năm nay, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế ngày càng phổ biến ở các bệnh viện trong cả nước, đặc biệt là bệnh viện công. Nguyên nhân quan trọng một phần đến từ sự gián đoạn giao thương do dịch bệnh. Các đối tác cung ứng quốc tế có khó khăn riêng, giá thành tăng. Thêm vào đó, một số doanh nghiệp, địa phương, bệnh viện xuất hiện tâm lý e ngại, sợ mắc lỗi nên lúng túng, chậm trễ đấu thầu.
>>LĂNG KÍNH CUỐI TUẦN: Bộ trưởng có nhất thiết phải là nhà chuyên môn?
>>Khủng hoảng nhân lực y tế công: Chỉ rõ 7 nguyên nhân, 5 kiến nghị
>>Chuyện “treo” tiền thưởng của nhân viên y tế
Thứ ba, công tác khám, chữa bệnh còn nhiều bất cập, bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập.
Thực tế cho thấy công tác khám, chữa bệnh còn nhiều bất cập, bảo hiểm y tế và các chính sách chăm sóc sức khỏe toàn dân chưa được triển khai tốt ở một số địa phương, đặc biệt trong và sau thời gian dịch COVID-19.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, yêu cầu sửa đổi, bổ sung đối với hàng loạt các luật liên quan đến ngành Y tế như: Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng chống dịch và cả những luật khác có liên quan như Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Tài sản công… đang là vấn đề nóng.
Chưa kể một số nghị định, thông tư có liên quan, đặc biệt là những vấn đề như xã hội hóa, tự chủ bệnh viện… cũng cần được quan tâm đặc biệt lúc này.
Thứ tư, tư tưởng chủ quan trong phòng, chống dịch COVID-19
Một khó khăn nữa cũng đặt ra đối với ngành y tế hiện nay đó là công tác phòng chống dịch COVID-19. Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Tổ chức Y tế thế giới và các nhà khoa học nhận định, dịch vẫn còn diễn biến phức tạp và nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới nên chúng ta không lơ là chủ quan được.
Ông Trần Đắc Phu, Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cũng nhấn mạnh: “Người dân vẫn phải thực hiện tốt dự phòng, hạn chế tính chủ quan, phải thực hiện việc tiêm vaccine đầy đủ để phòng chống dịch bệnh. Việc tiêm mũi nhắc lại vaccine COVID-19 là cần thiết vì sau một thời gian tiêm vaccine, miễn dịch giảm đi, hiệu quả sau tiêm vaccine cũng giảm theo thời gian do đó, tiêm mũi bổ sung sẽ tăng miễn dịch”.
Có thể thấy, bà Đào Hồng Lan nhận chức giữa rất nhiều bộn bề. Hy vọng, quyền Bộ trưởng Y tế sẽ “vượt bão” thành công. Tất thảy đều chung một kỳ vọng là dưới sự quản lý, điều hành của bà, ngành Y tế nước nhà sẽ từng bước khắc phục được các khó khăn tồn đọng. Đặc biệt, hệ thống y tế sẽ phát triển vững chắc trước bối cảnh COVID-19 đang đe dọa quay lại, dịch sốt xuất huyết xuất hiện và làn sóng hậu COVID-19 đang gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng động.
Có lẽ, chìa khoá giúp quyền Bộ trưởng thành công, trước hết là xây dựng được bộ máy, ban cố vấn xung quanh mình giỏi, bản lĩnh và trong sạch. Họ phải được giao đúng việc, phù hợp năng lực và sở trường; được tin tưởng tham vấn trong các quyết định chuyên môn. Khi hình thành được đầu tàu ổn định, cả hệ thống sẽ sớm vận hành lại.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Giao quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Đào Hồng Lan
20:40, 15/07/2022
LĂNG KÍNH CUỐI TUẦN: Bộ trưởng có nhất thiết phải là nhà chuyên môn?
05:00, 17/07/2022
Biến chứng hoại tử xương hàm, mặt nghi "hậu Covid-19": Bộ Y tế nói gì?
14:14, 15/07/2022
Đà Nẵng: Báo động tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc tăng cao
09:48, 14/07/2022
Tiền hỗ trợ chống dịch COVID-19 của nhân viên y tế đang ở đâu?
04:50, 12/07/2022