Rượu bia và tai nạn giao thông: Nghị định 100 - Quên mất rồi?
Liên tiếp gần đây, tình trạng tài xế “đã uống rượu bia – vẫn lái xe” gây tai nạn nghiêm trọng đã dấy lên tình trạng báo động khiến cơ quan chức năng “đau đầu”, người tham gia giao thông lo sợ.
>>>Khi rượu, bia giết người
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) và 11% người chết có liên quan đến rượu, bia và còn có xu hướng gia tăng. Một thống kê khác của WHO cũng khiến cho nhiều người “ớn lạnh”: trong số 100 nạn nhân tử vong vì TNGT có liên quan đến rượu, bia, có tới gần 60% người từ độ tuổi 15-29. Nam giới chiếm trên 90% tổng số nạn nhân. Trong số đó, 36% là người lái xe máy, gần 67% người lái ô tô có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép mỗi khi lái xe trên đường.
Người ra đi – kẻ ở lại: Ám ảnh muôn đời
Cách đây khoảng 1 tuần, hẳn nhiều người còn chưa hết bàng hoàng khi tài xế Nguyễn Công Hán (SN 1987), sau khi “chén chú chén anh” tại sinh nhật của bạn đã điều khiển ô tô trong tình trạng nồng độ cồn 0,917mg/l khí thở, bất ngờ lao thẳng vào cây xăng trên đường Láng (Đống Đa, Hà Nội). Vụ tai nạn “đại náo cây xăng” này khiến ít nhất 8 người bị thương nặng. Hán khai tại cơ quan công an rằng, do say xỉn nên đã đạp nhầm chân ga nên mới gây tai nạn như trên.
Hay mới đây, ngày 02/6/2022 tại Bắc Giang, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra làm 3 người trong cùng một gia đình tử vong. Khai nhận và kiểm tra lái xe Nguyễn Đức Thịnh có nồng độ cồn trong cơ thể là 0,604mg/l khí thở. Trước đó, vào tháng 5, tại QL1 trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, cũng đã xảy ra một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng giữa ô tô và xe máy khiến 3 người tử vong. Khi tiến hành kiểm tra người điều khiển xe mô tô thì có sử dụng chất kích thích, nồng độ cồn trong máu là 29,9mg/l khí thở; 2 người ngồi sau cũng có nồng độ cồn trong máu là 37,03mg/l khí thở và 74,67mg/l khí thở…
Trường hợp khác là một lãnh đạo doanh nghiệp đã “mượn rượu” để cố ý gây TNGT khiến 01 người chết, 3 người bị thương nặng, xảy ra tại công ty TNHH giày da Phúc Thuận (Tiên Lãng, Hải Phòng). Theo đó, đối tượng Phạm Văn Thanh là PGĐ công ty TNHH xây dựng Thành Đức (Hải Phòng) đã bị tạm giữ hình sự để điều tra, xử lý.
>>>Tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông: Biết rồi nhưng "nói mãi không được”
>>>Xử phạt hành vi ép buộc người khác uống rượu bia: Có phạt được không?
Đó chỉ là những ví dụ điển hình gần đây trong hàng triệu vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng chết người do bia rượu. TNGT không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản, mà còn để lại nỗi ám ảnh lớn trong nhiều người, nhiều gia đình.
TNGT là điều không ai mong muốn, thế nhưng nó vẫn đang xảy ra khiến nhiều gia đình rơi vào bi kịch. Sau mỗi vụ TNGT đều để lại nỗi đau, nỗi ám ảnh kinh hoàng, day dứt khôn nguôi giữa “người ra đi – kẻ ở lại”. Người mất đi để lại nỗi đau dai dẳng cho người thân, còn những người bị thương tật do TNGT phải chịu sự đau đớn, dày vò hàng ngày, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Nghị định 100 – Quên mất rồi?
Biết là TNGT là điều không ai mong muốn, nhưng hoàn toàn có thể tránh được. Còn nhớ, khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 01/01/2020, gia tăng mức xử phạt cho tài xế lái xe có nồng độ cồn đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong nhận thức mỗi người dân. Theo đó, tình hình TNGT cả nước trong năm 2020 có sự chuyển biến tốt với số liệu thống kê đều giảm: giảm số vụ TNGT, giảm số người chết, giảm số người bị thương.
Thế nhưng, khi Nghị định 100 đang ở “cao trào” thì dịch COVID-19 ập tới. Báo đài, tivi,… tràn ngập thông tin chống dịch, vô hình chung khiến Nghị định trở nên bị… quên lãng. Dịch tạm ổn, cuộc sống trở lại, người dân với tâm lý “xả stress” tìm đến quán nhậu, rồi thản nhiên điều khiển phương tiện cá nhân về nhà trong tình trạng “không nhớ gì”. Số vụ TNGT nghiêm trọng cứ thế lại trở về với quỹ đạo vốn có của nó. Cho đến khi Nghị định 123/2021/NĐ-CP được ban hành, gia tăng hơn nữa mức xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực giao thông, tình trạng lái xe uống rượu bia gây tai nạn vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Trong phiên thảo luận tại Quốc hội hồi tháng 6/2022, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) nhấn mạnh, đã đến thời điểm phải “hâm nóng” trở lại Nghị định 100. Bởi, không ngăn chặn sớm thì tâm lý chủ quan, lơ là Nghị định sẽ quay trở lại thành thói quen. Đây là một sự chủ quan nguy hiểm.
Luật sư Phạm Văn Tài, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, thực tế cho thấy, chế tài xử phạt của chúng ta đã khá đầy đủ và nghiêm khắc. Theo quy định của pháp luật hiện hành, lái xe gây tai nạn khi đã uống rượu bia có thể bị phạt tù đến 15 năm; hoặc phạt hành chính đến 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng. Thế nhưng, trước những cuộc vui, nhiều người vẫn uống rượu bia rồi lái xe như không nhớ gì đến những chế tài nghiêm khắc này.
Pháp luật nghiêm minh, hình phạt đủ sức răn đe, cảnh tỉnh, cùng với đó là ý thức chấp hành các quy định pháp luật khi tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện chính là 2 vấn đề mấu chốt để kéo giảm tỷ lệ TNGT, nhất là các vụ TNGT có nguyên nhân từ rượu bia.
Có thể bạn quan tâm
Nghị định 100 tác động thế nào tới các ngành phụ trợ đi kèm rượu bia?
06:50, 20/07/2020
Thuế nhập khẩu ô tô có thể là "thủ phạm" giây nhiều tai nạn giao thông
03:33, 03/04/2022
Đăk Nông: Người đàn ông bỏ tiền túi làm gương cầu xóa bỏ "điểm đen" tai nạn giao thông
09:13, 05/03/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông
20:48, 19/04/2021