Lương và phẩm giá nền công vụ

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 13/11/2022 05:03

Dù bất cứ hoàn cảnh nào, thời đại nào tiền lương là động lực chính của người lao động - rất nhiều mâu thuẫn xuất phát từ đời sống vật chất.

>>Tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1/7/2023

Quốc hội vừa quyết định tăng lương từ 1/7/2023

Quốc hội vừa quyết định tăng lương từ 1/7/2023

Vị sếp cũ của tôi khi nghỉ hưu, ông rất tự hào về khoảng thời gian gần 40 năm cống hiến cho nhiều ngành, lĩnh vực - là người nắm giữ kỷ lục công tác lâu nhất ở địa phương mà thế hệ sau không thể nào phá được.

Ông sống trong căn nhà cấp 4 khiêm tốn ven thành phố nhỏ, không xe hơi, không nhà lầu, không vườn tược, của chìm của nổi như một số người cùng thời, cùng cấp bậc.

Ngày chia tay chúng tôi, ông nói “tao còn chưa trả hết khoản nợ ngân hàng vay qua lương”. So bảng lương cao nhất gần 12 triệu đồng/tháng, trừ vài chục phần trăm, nhẩm tính mỗi tháng hưu còn lại vài triệu, đó là một cuộc sống phải vật lộn với cơm áo trong vỏ bọc “cán bộ chủ chốt nghỉ hưu”.

Cùng thời với ông không thiếu người rất giàu, mà khối của cải ấy rất khó để nói rằng chẳng liên quan gì đến chức vụ đang nắm giữ - không trực tiếp thì gián tiếp. Dĩ nhiên, cái gì cũng có giá của nó, có người đã "lọt" vào danh sách mà Bộ trưởng Nội vụ thông báo dưới đây.

Tại Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ năm 2021 đến hết 6 tháng 2022 có hơn 20.300 cán bộ, công chức bị kỷ luật, trong đó có 56 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, có trường hợp phải xử lý hình sự!

Các cơ quan chuyên trách như Uỷ ban kiểm tra, Thanh tra Chính phủ, Viện kiểm sát, Tòa án, Công an, chủ yếu ở cấp Trung ương phải làm việc rất cật lực, bởi trung bình mỗi ngày phải xử lý 38 vị!

Các con số trên còn cho thấy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn đến “suy thoái”, “biến chất” đã âm thầm diễn ra từ trước đó. Đã có rất nhiều phân tích, mổ xẻ tìm nguyên nhân, nhưng nếu nghiêm túc nhìn lại thu nhập bằng lương của cán bộ, công chức mới thấy tồn tại vô số mâu thuẫn.

Lương Bộ trưởng và lãnh đạo cao nhất tỉnh dao động từ 11 triệu đến hơn 14,4 triệu đồng. Hãy nghĩ thật công bằng và đừng vội vàng cho rằng ngồi vào những chiếc ghế ấy vừa “mát” vừa có “vàng”, chỉ hưởng mà không làm gì.

Lẽ thường, Bộ trưởng quán xuyến một ngành của một quốc gia; Chủ tịch tỉnh điều hành bộ máy phục vụ từ 300.000 đến hàng triệu dân. Đó là hàng núi việc, tiêu tốn vô số thời gian, sức khỏe thể chất và tinh thần.

Mười mấy triệu đồng tiền lương cho 30 ngày chờ đợi có thể mua được gì? Dư luận quá thông minh để có câu trả lời.

Thu nhập là động lực chính của người lao động

Thu nhập là động lực chính của người lao động

>>Để việc tăng lương thực sự là niềm vui

>>Tăng lương - có thành “đập” ngăn “sóng” công chức nghỉ việc?

>>Mong mỏi tăng lương

Không nên đòi hỏi lãnh đạo cấp cao phải sống một cuộc sống tối thiểu - khoan hãy chỉ trích. Nói một cách dễ hiểu, ở cương vị đó họ phải có bộ veston, đôi giày tinh tươm để ngoại giao; xứng đáng có ngôi nhà khang trang để sinh sống.

Khi đồng lương không đủ đài thọ thì tất yếu họ phải nghĩ cách “kiếm”, cách phổ biến nhất là sử dụng quyền lực bao che cho doanh nghiệp thân hữu; dễ động lòng khi ngày nào cũng có “chú em tỉnh nọ” xin gặp “chị nhà” trình bày hoàn cảnh. Và có khi cũng chính họ tự bút phê làm dự án và tiền từ đó chảy vào túi.

Lương phải có nhiệm vụ đảm bảo cho cán bộ đời sống không phải tối thiểu; càng lên cao càng phải có đời sống sung túc, đầy đủ. Không nên dựng lên hệ thống lãnh đạo suốt ngày chỉ nghĩ đến “tiền đâu đưa cho vợ”. Nếu không ở cương vị họ quá dễ nhúng chàm.

Tôi không cho rằng, lương sẽ giải quyết tất cả, nhưng chí ít không để cán bộ, công chức túng thiếu, giải quyết cái túi rỗng tuếch trước đã mới nói chuyện đạo đức, liêm chính.

Sai phạm rồi rất khó dừng lại, phải nghĩ cách chạy tội, giật chỗ này vá chỗ kia, sai chồng lên sai; có khi bằng mọi giá giữ ghế để tự cứu mình. Thế nên chẳng còn cái tâm trong sáng để cống hiến! Đồng lương còm cỏi thì không hy vọng người lao động sẵn sàng cống hiến, hy sinh lợi ích cá nhân.

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1/7/2023

    Tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1/7/2023

    15:36, 11/11/2022

  • Để việc tăng lương thực sự là niềm vui

    Để việc tăng lương thực sự là niềm vui

    04:00, 10/11/2022

  • Dự kiến chi 60.000 tỷ đồng để tăng lương cơ sở từ năm 2023

    Dự kiến chi 60.000 tỷ đồng để tăng lương cơ sở từ năm 2023

    18:34, 29/10/2022

  • Cần 60.000 tỷ đồng để điều chỉnh tăng lương cơ sở

    Cần 60.000 tỷ đồng để điều chỉnh tăng lương cơ sở

    17:51, 29/10/2022

  • Mong mỏi tăng lương

    Mong mỏi tăng lương

    04:30, 24/10/2022

  • Tăng lương: Lo mừng, mừng lo

    Tăng lương: Lo mừng, mừng lo

    05:00, 17/10/2022

TRƯƠNG KHẮC TRÀ