Thông tin lương cơ sở dự kiến được tăng từ 1,49 triệu lên mức 1,8 triệu đồng/tháng là tin rất vui đối với cán bộ hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
>>Chủ tịch Quốc hội: Bố trí ngân sách tăng lương cơ sở trong năm 2023
Khác với doanh nghiệp FDI hay công ty tư nhân, người lao động có trình độ, tay nghề có thể thỏa thuận mức lương trước khi vào làm việc; khối cơ quan nhà nước, chính quyền, công chức viên chức không có quyền lựa chọn, đòi hỏi, mặc cả về lương, do khống chế của mức lương cơ sở kèm theo các quy định về ngạch, bậc, hạn mức…
Cho nên, nếu như tất cả thu nhập chỉ trông vào đồng lương thì ở các thành phố, thị xã các công, viên chức, giáo viên, nhân viên y tế... hết sức chật vật để xoay xở trang trải cuộc sống, lo cho con cái học hành. Khả năng tiết kiệm được từ lương để tích lũy, đầu tư phát triển kinh tế gia đình là việc cực khó, cho dù có tằn tiện, tiết kiệm chi tiêu hết mức.
Vì vậy, thông tin lương cơ sở dự kiến được tăng từ 1,49 triệu lên mức 1,8 triệu đồng/tháng là tin rất vui đối với cán bộ hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Với mức tăng cao trên 20%, đề của bài toán kinh tế trong gia đình sẽ có thêm lời giải đầu tiên “tiền đâu” khi có công việc phát sinh.
Hiện tại nền kinh tế chung của đất nước ngày càng phát triển, khối kinh tế tư nhân tiến bộ rất nhanh, nhu cầu sinh hoạt, ăn ở, du lịch, phương tiện đi lại cao hơn trước. Nhiều lúc nếu so sánh thì người hưởng lương từ ngân sách không khỏi ngậm ngùi, nhất là từ đợt tăng lần trước ngày 1/7/2019 khi lương cơ sở tăng vẻn vẹn một trăm ngàn từ 1,39 triệu lên 1,49 triệu đồng tháng.
Một giáo viên mầm non làm việc hàng chục năm cống hiến cả thời tuổi trẻ, thanh xuân sung sức nhất với sự nghiệp giáo dục, có trình độ cao đẳng, đại học cũng chỉ được hưởng mức lương 3,36, nhân với hệ số lương cơ sở, cộng thêm phụ cấp đứng lớp 35% thì tổng thu nhập cũng chỉ được 7,548 triệu đồng/tháng.
Mức lương này chỉ đủ đảm bảo duy trì mức sống tối thiểu ở thành phố chứ cũng giống như lao động phổ thông “ráo mồ hôi là hết tiền”, khó có thể tiết kiệm tích lũy, đầu tư để mua nhà, mua xe ở mức trung bình chứ chưa nói đến nhà đẹp, xe sang.
Đầu tư học hành nhiều, vượt qua kỳ thi tuyển công chức cùng rất nhiều lớp nghiệp vụ mà cuối tháng nhận đồng lương ít ỏi, không ít người sẽ thấy buồn, khi nhìn ra xung quanh mọi người khá giả, bạn bè ngồi với nhau toàn nói chuyện tiền tỉ, mình lạc lõng như người ở nơi khác về.
Vậy nên làn sóng công, viên chức rời bỏ khối cơ quan nhà nước đi ra ngoài làm tự do là việc “tất lẽ dĩ ngẫu”. Chưa kể các yếu tố, áp lực, rủi ro, tai nạn nghề nghiệp, sự bất công từ các mối quan hệ phức tạp trong cơ quan kiểu con ông cháu cha, hay đi lên bằng con đường không chính ngạch tạo thêm sự bất mãn.
>>Lùi thời điểm tăng lương tối thiểu: (Bài 1) Doanh nghiệp “khó trăm bề”
>>Lùi thời điểm tăng lương tối thiểu: (Bài 2) Lợi đơn hay thiệt kép?
>>Lùi thời điểm tăng lương tối thiểu: (Bài 3) Chờ Chính phủ quyết định
>>Lùi thời điểm tăng lương tối thiểu: (Bài 4) Ưu tiên hồi phục thị trường lao động
>>Lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng: (Bài 5) Tăng lương gấp gáp gây "sốc" cho doanh nghiệp
Đại dịch COVID-19 hiện đã được kiểm soát, hiệu quả của việc tiêm phủ vaccine đã phần nào tạo được miễn dịch cộng đồng, cuộc sống quay lại nhịp bình thường. Công chức, cán bộ y tế các lực lượng công an, quân đội từng hy sinh trong suốt mấy năm bung sức làm công tác chống dịch, đến nay không thể bắt họ tiếp tục hy sinh mãi được.
Ngân sách thời gian qua thu tăng kỷ lục (theo báo cáo của bộ Tài Chính, tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt con số kỉ lục 1.327,3 ngàn tỉ đồng, đạt 94% con số dự toán cả năm trong khi vẫn còn ba tháng cuối năm). Nên lần tăng lương này không phải lo về nguồn, có thể coi như lần tăng cộng dồn sau ba năm dịch bệnh, tạo được sự thay đổi trong thu nhập của người hưởng lương.
Vấn đề mong muốn ở đây là tăng lương phải đi kèm kiểm soát kinh tế vĩ mô. Chỉ số CPI mà tăng song song với với tăng lương thì người hưởng lương vẫn “mèo lại hoàn mèo”. Lương tăng được chút thì đồng loạt giá cả sinh hoạt cùng các mặt hàng tăng theo, điện, nước, xăng, ga, thực phẩm, lương thực tăng trước đón lương thì người lao động hưởng lương sẽ hát mãi khúc ca buồn.
Tăng lương phải kèm theo việc đi chợ, đi siêu thị không bị cảm giác như bị móc túi, đồng tiền cầm trong tay có giá trị thì hiệu quả của việc tăng lương mới đạt đúng mục đích. Người hưởng lương cải thiện được đời sống, có động lực làm việc, yên tâm công tác, phấn đấu cho công việc chung và sự nghiệp mình lựa chọn.
Khung giới hạn thu nhập cũng như phần giảm trừ gia cảnh đối với người có thu nhập cao phải nộp thuế thu nhập cá nhân cũng cần phải nới rộng. Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phù hợp khi số khấu trừ giảm trừ gia cảnh chỉ là trên 8 triệu đồng trên người. Thuế thu nhập cá nhân phải xóa đi sự bất cập thì không tạo ra bất công, hạn chế bất mãn dẫn đến bất cần của người lao động có thu nhập cao, thuộc tầng lớp tinh hoa có sức ảnh hưởng lớn, tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội.
Sự hợp lý về mức giảm trừ gia cảnh ăn theo sẽ kích thích họ. Thay vì tìm cách lách luật, giảm số thuế phải đóng, họ sẽ tìm cách nâng cao thêm thu nhập, vui vẻ tự nguyện nộp thuế. Như vậy, ngoài nghĩa vụ, trách nhiệm, họ còn có phần như cống hiến, đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội.
Hãy để tăng lương cơ sở thực sự là tin mừng cho người lao động hơn là thấp thỏm nghe ngóng tin tức giá cả theo kiểu mừng lo, lo mừng.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 05/06/2022
10:15, 24/04/2022
00:00, 24/04/2022
04:00, 23/04/2022
02:00, 22/04/2022
17:36, 21/04/2022
15:23, 21/04/2022