Việc tăng lương có “đe dọa” lạm phát hay không đang là vấn đề được dư luận quan tâm.
>>Tăng lương - cần tăng mức giảm trừ gia cảnh
Kể từ năm 2011 tới nay, Việt Nam kiểm soát rất tốt lạm phát và luôn nằm trong ngưỡng dưới 4,5%, đây cũng là mức tối đa được Quốc hội đề ra trong nhiều năm qua.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước. So với tháng 12/2023 CPI tháng 6/2024 tăng 1,4% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,34%. CPI bình quân quý 2/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.
Như vậy, 6 tháng đầu năm, lạm phát vẫn đang nằm trong vùng mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Đây là mức lạm phát phù hợp để hỗ trợ cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc một số sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đối với người dân đang có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây do tác động từ cải cách tiền lương từ 1/7/2024 đã tạo áp lực rất lớn tới công tác kiểm soát lạm phát.
Cho ý kiến về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính phân tích, tăng lương 30% được áp dụng đối với lao động thuộc khu vực công, khu vực Nhà nước. Lực lượng lao động trong khu vực này chiếm chưa tới 8% so với tổng lao động của toàn nền kinh tế. Chưa kể, quỹ lương của khu vực nhà nước khá nhỏ so với quỹ lương của tổng nền kinh tế, hoặc khu vực kinh tế tư nhân.“Vì vậy, việc tăng khoảng 30% lương từ 1/7 không ảnh hưởng quá nhiều tới chỉ số giá tiêu dùng” - ông Độ nói.
Ông Nguyễn Đức Độ dự báo, áp lực lạm phát năm 2024 không quá lớn. Ông Độ nhận định, nửa cuối năm 2024, không có nhiều yếu tố gây tăng giá đột biến. Vì vậy, lạm phát trung bình cả năm 2024 quanh mức 3,2 - 3,6%.
Tương tự, ông Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cũng nhận định, tăng lương không phải là nguyên nhân chính mà giá cả thị trường biến động do nhiều yếu tố. “Thời gian gần đây, giá thịt lợn, lúa gạo - là 2 mặt hàng chính đều tăng giá. Giá lúa thì tháng 4 đến nay tăng liên tiếp do điều chỉnh của thế giới, giá thịt lợn cũng đà tăng do biến động của dịch bệnh” – ông Long dẫn chứng.
Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, tăng lương cơ sở lần này ở mức cao nên cũng không loại trừ nhiều đối tượng lợi dụng chính sách này để đẩy giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao.
Để kiểm soát tình trạng này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh: cơ quan quản lý cần làm tốt công tác thanh tra kiểm tra quá trình niêm yết giá, trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá. Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra kiểm soát hàng hóa, hạn chế tình trạng “té nước theo mưa”, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Về nỗi lo lạm phát khi lương có sự điều chỉnh tăng kỷ lục, theo quan điểm cá nhân, ông Long cho rằng, khả năng tác động đến lạm phát rất nhỏ. Theo ông Long, dù lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng không thể chủ quan, lơ là trong điều hành, cần kịp thời thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch về giá cả các mặt hàng để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
Còn theo phân tích của bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tính từ năm 2009 đến 1/7/2024, mức lương cơ sở đã tăng khoảng 280%, lương tối thiểu vùng tăng khoảng 480%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 108%.
Theo bà Hương, lạm phát bình quân quý II/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, lạm phát tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó mục tiêu Chính phủ đề ra năm 2024 phải kiểm soát lạm phát ở mức từ 4 - 4,5%. Như vậy, từ nay đến cuối năm, các cơ quan chức năng phải tính toán kiềm chế mức lạm phát chỉ trên dưới 1%. Đây là một thách thức rất lớn.
Trước đó, tại cuộc họp mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu trong năm 2024 là phấn đấu tăng trưởng GDP đạt cận trên, lạm phát ở cận dưới so với mục tiêu đã đề ra (mục tiêu tăng trưởng từ 6 - 6,5% và lạm phát từ 4 - 4,5%).
Trước thực tế này, Bộ Tài chính đã dự báo 3 kịch bản điều hành giá từ nay đến cuối năm.
Ở kịch bản thấp, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,64% so với năm 2023. Kịch bản thứ hai, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,05% so với năm 2023. Kịch bản dự báo mức cao nhất, CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,5% so với năm 2023. Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính cập nhật kịch bản CPI bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,64 - 4,5%.
Ở một góc độ khác, Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,8% - 4,5% (3 kịch bản 3,8%, 4,2% và 4,5%).
Mặc dù dự báo như vậy, tuy nhiên theo nhận định của một số chuyên gia, nhiều khả năng lạm phát năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát và mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra.
Có thể bạn quan tâm
00:05, 17/07/2024
03:30, 16/07/2024
03:30, 12/07/2024
22:27, 06/07/2024
03:30, 06/07/2024