Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ điều tra tiền lương, lao động của 3.400 doanh nghiệp tại 18 tỉnh thành để làm cơ sở tính toán tăng lương tối thiểu năm 2025.
Đây là nội dung đáng chú ý tại quyết định điều tra năm 2024 về lao động, tiền lương trong doanh nghiệp vừa được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành.
Theo đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành điều tra về lao động, tiền lương trong DN trên phạm 18 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước có số lượng DN lớn, thị trường lao động phát triển.
Cụ thể, vùng Đồng bằng sông Hồng có TP Hà Nội, TP Hải Phòng, tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Vĩnh Phúc. Vùng Đông Bắc có tỉnh Quảng Ninh. Vùng Tây Bắc có tỉnh Hòa Bình. Vùng Bắc Trung Bộ có tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An.
Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có TP Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa. Vùng Tây Nguyên có tỉnh Đắk Lắk. Vùng Đông Nam Bộ có TPHCM, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tỉnh Long An, TP Cần Thơ.
Đối tượng điều tra là 3.400 doanh nghiệp; người lao động theo các vị trí chức danh khác nhau đang làm việc tại doanh nghiệp.
Những địa phương có số lượng doanh nghiệp được khảo sát nhiều là TP. Hà Nội với 700 doanh nghiệp và 1.400 lao động; TP.HCM với 800 doanh nghiệp, 1.600 lao động; tỉnh Đồng Nai với 200 doanh nghiệp và 400 lao động; các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Thanh Hóa, TP. Đà Nẵng, tỉnh Bình Dương mỗi địa phương 150 doanh nghiệp và 300 lao động…
Doanh nghiệp thuộc diện điều tra được thành lập và có hoạt động sản xuất, kinh doanh trước ngày 1/1/2023 và đến thời điểm điều tra vẫn đang hoạt động.
Doanh nghiệp cần đại diện theo 3 nhóm quy mô lao động, gồm: Từ 10 đến dưới 100 lao động; từ 100 đến dưới 300 lao động và từ 300 lao động trở lên.
Doanh nghiệp có thể thuộc nhóm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Doanh nghiệp hoạt động theo 3 nhóm ngành nghề sản xuất, kinh doanh như: Nông - lâm - ngư nghiệp; công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ.
Với người lao động, cần đảm bảo yêu cầu có thời gian làm việc từ 1 năm trở lên. “Việc điều tra này nhằm thu thập các thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, tiền lương trong doanh nghiệp. Từ đó, cung cấp cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu trong năm 2025 theo hoạt động của Hội đồng Tiền lương quốc gia”. - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, việc điều tra này nhằm thu thập thông tin về sản xuất, kinh doanh, lao động, tiền lương trong doanh nghiệp, từ đó có cơ sở cho Hội đồng Tiền lương quốc gia xem xét, tính toán tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2025.
Đồng thời phục vụ công tác quản lý, công bố định kỳ mức tiền lương bình quân trên thị trường lao động. Doanh nghiệp, người lao động có thể tham khảo để thương lượng tiền lương.
Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ và được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Chính phủ quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Trước đó, ngày 30/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, tăng lương thêm 6% từ ngày 1/7/2024, tương ứng tăng từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng tùy vùng lương.
Theo đó, mức lương tối thiểu tháng tại 4 vùng được quy định như sau: Vùng I: tăng 280.000 đồng, từ 4.680.000 đồng/tháng lên 4.960.000 đồng/tháng; Vùng II: tăng 250.000 đồng, từ 4.160.000 đồng/tháng lên 4.410.000 đồng/tháng; Vùng III: tăng 220.000 đồng từ 3.640.000 đồng/tháng lên 3.860 đồng/tháng; Vùng IV: tăng 200.000 đồng từ 3.250.000 đồng/tháng lên 3.450.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu theo giờ tại vùng I tăng từ 22.500 đồng/giờ lên 23.800 đồng/giờ, vùng II từ 20.000 đồng/giờ lên 21.200 đồng/giờ, vùng III từ 17.500 đồng/giờ lên 18.600 đồng/giờ, vùng IV từ 15.600 đồng/giờ lên 16.600 đồng/giờ.
Nghị định số 74/2024/NĐ-CP nêu rõ: Khi thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này, người sử dụng lao động có trách nhiệm rà soát lại các chế độ trả lương trong hợp đồng lao động đã thỏa thuận với người lao động, thoả ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Đối với các nội dung trả lương đã thỏa thuận, cam kết mà có lợi hơn cho người lao động (như chế độ trả lương cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học tập, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu và chế độ trả lương cho người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường) thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Người sử dụng lao động không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.