Đừng đùa với chủ quyền dân tộc của Việt Nam!

SÔNG HÀN 11/04/2023 05:00

Nếu như đó là những tổ chức nước ngoài thì đã không chấp nhận được, nay đến cả thương hiệu Việt cũng không xem trọng chủ quyền dân tộc thì không còn gì để nói.

>>Giải bơi Oceanman Cam Ranh và chủ quyền lãnh thổ

Câu chuyện đấu tranh chủ quyền cho Hoàng Sa và Trường Sa kéo dài từ quá khứ cho đến thực tại và tất nhiên cả tương lai. Với sự bành trướng trên Biển Đông của Trung Quốc, vấn đề này nóng hơn bao giờ hết khi liên tiếp những đơn vị, tổ chức, công ty sử dụng bản đồ không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa khiến dư luận cực kỳ phẫn nộ.

Mô hình đường bơi “Giải bơi biển quốc tế Oceanman Cam Ranh - Việt Nam năm 2023”.

Mô hình đường bơi “Giải bơi biển quốc tế Oceanman Cam Ranh - Việt Nam năm 2023”.

Khi sự kiện công ty Cổ phần sự kiện Peak, đơn vị tổ chức giải bơi quốc tế Oceanman bị phạt 25 triệu đồng vì dùng bản đồ chú thích sai về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và buộc phải dừng tổ chức sự kiện bơi lội quốc tế ngoài trời Oceanman năm 2023 tại Khánh Hòa chưa hết nóng, thì trong hai ngày 8 và 9/4, nhiều người dùng ứng dụng đặt xe trực tuyến Grab phát hiện bản đồ trên ứng dụng thể hiện thông tin sai lệch nghiêm trọng về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Bản đồ Grab thể hiện bãi đá Chữ Thập của Việt Nam là cơ quan “huyện Nam Sa”

Bản đồ Grab thể hiện bãi đá Chữ Thập của Việt Nam là cơ quan “huyện Nam Sa”

Cụ thể, tại khu vực quần đảo Trường Sa, bản đồ của Grab chỉ thể hiện tên tiếng Việt đối với đảo Sơn Ca và Sinh Tồn. Nhiều đảo, quần đảo và khu vực khác thể hiện bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, trong đó có nhiều tên bị ghi trái phép cho các khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam. Bãi Chữ Thập, thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, bản đồ Grab chú thích “Nansha District” tức “huyện Nam Sa”. Nam Sa là tên gọi phi pháp mà Trung Quốc dùng để gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bãi đá Vành Khăn thuộc chủ quyền Việt Nam bị chú thích theo cách gọi phi pháp của Trung Quốc là Meiji Jiao, tức đảo Mỹ Tế và ghi chú đảo Mỹ Tế, Tam Sa, Trung Quốc. Thành phố Tam Sa là chính quyền phi pháp do Trung Quốc lập ra để quản lý nhiều quần đảo, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.Ngoài ra, một số đảo khác thuộc chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông cũng bị chú thích sai lệch.

Bị hứng làn sóng chỉ trích, Grab Việt Nam cho biết sự việc này hoàn toàn không liên quan đến sự tôn trọng của Grab đối với đất nước và nhân dân Việt Nam. “Chúng tôi tiếp nhận các ý kiến đóng góp một cách rất nghiêm túc và chân thành xin lỗi về những quan ngại có thể phát sinh”- đại diện Grab Việt Nam nói, khẳng định cam kết gắn bó lâu dài với thị trường Việt Nam.

>>Dùng bản đồ không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, một đơn vị bị phạt 25 triệu đồng

>>Bác bỏ quan điểm phi lý đối với các vùng biển, đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam

>>Quy chế pháp lý quốc tế về xác lập chủ quyền đối với biển, đảo

Khi lời xin lỗi lấp liếm về bên thứ ba của Grab vẫn chưa được chấp nhận thì một sự việc nữa khiến dư luận bùng nổ. Đó là thương hiệu thời trang của Việt Nam Yody có đăng đoạn clip kỷ niệm 9 năm thành lập nhưng ở phần bản đồ biểu thị cho các chi nhánh của Yody lại không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính người Việt còn không tôn trọng và ý thức rõ sự quan trọng của chủ quyền dân tộc thì đòi hỏi ai đây?

Thông cáo báo chí, công khai xin lỗi sau sai phạm của Yody.

Thông cáo báo chí, công khai xin lỗi sau sai phạm của Yody.

Yody nói lỗi là do bộ phận truyền thông và khẳng định rằng họ là một doanh nghiệp dân tộc, đặt mục tiêu giữ vững thị trường trong nước và cũng đang hướng tới khát vọng đưa thời trang Việt ra thế giới, với tinh thần Việt mạnh mẽ. Họ cam kết tôn trọng Hiến pháp Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam và có ý thức rõ ràng về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Tuy nhiên, sự đổ lỗi càng khiến mọi chuyện đi quá xa và càng khiến dư luận cảm thấy có sự lấp liếm và chạy tội nhiều hơn. Xin lỗi như cái cách mà Peak hay Grab là không chấp nhận được, chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia đâu phải cứ làm sai xin lỗi là xong. Trong khi rõ ràng đây là những tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước lớn, có hẳn một đội ngũ làm truyền thông cơ mà.

Phải khẳng định rằng, chưa bao giờ Việt Nam từ bỏ chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Bởi nó là máu của những người anh hùng cùng xương thịt của họ hòa vào trong biển để xây lên cột mốc chủ quyền dân tộc. Và vì thế, không chỉ con cháu người Việt mà bất cứ tổ chức, doanh nghiệp nào muốn đặt chân đến Việt Nam, kiếm tiền từ người dân Việt Nam thì buộc phải ghi nhớ và nằm lòng điều đó.

Thông qua những sự việc này, dù các đơn vị tổ chức lên tiếng xin lỗi, nhưng chắc rằng sắp tới đây, những gì mà Grab hay Yody phải đón nhận cũng không hề dễ chịu. Đây cũng là bài học cho các thương hiệu khác tại Việt Nam, nếu không muốn nhận sự chỉ trích và làn sóng tẩy chay từ người dân. 

Đừng đùa với chủ quyền dân tộc của Việt Nam!

Có thể bạn quan tâm

  • Giải bơi Oceanman Cam Ranh và chủ quyền lãnh thổ

    02:00, 10/04/2023

  • Tri ân anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc

    14:46, 16/03/2023

  • Bác bỏ quan điểm phi lý đối với các vùng biển, đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam

    04:00, 13/02/2023

  • Quy chế pháp lý quốc tế về xác lập chủ quyền đối với biển, đảo

    03:00, 30/12/2022

  • Sự khác biệt về chủ quyền giữa biển, đảo trong hệ thống quy phạm pháp luật quốc tế

    04:00, 28/12/2022

SÔNG HÀN