Động lực tăng giá của TCM có còn lớn?

Ngọc Anh 24/08/2018 04:50

Cổ phiếu CTCP Dệt May- Đầu tư- Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) được kỳ vọng tiếp tục duy trì đà tăng trong ngắn hạn, nhưng khó bứt phá mạnh mẽ.

TCM là một trong những doanh nghiêp dệt hàng đầu tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực dệt kim, nhuộm hoàn tất.

Cổ phiếu TCM

Cổ phiếu TCM đã tăng khoảng gần 16% trong 1 tháng qua.

Lợi nhuận giảm nhẹ

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ đã được soát xét, doanh thu thuần của TCM đạt 1.648 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hệ số giá vốn hàng bán/doanh thu thuần của doanh nghiệp giảm xuống mức 82,3%, so với mức 83,6% của cùng kỳ năm ngoái. Do đó, biên lợi nhuận của TCM đã cải thiện hơn so với cùng kỳ khi tăng lên mức 17,6% (cùng kỳ năm ngoái là 16,3%).

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành Dệt may đón sóng đầu tư từ Hàn Quốc

    Ngành Dệt may đón sóng đầu tư từ Hàn Quốc

    11:00, 06/07/2018

  • Thêm chính sách cho ngành dệt may

    Thêm chính sách cho ngành dệt may

    17:36, 27/06/2018

  • Thách thức giảm phát thải của ngành dệt may Việt Nam

    Thách thức giảm phát thải của ngành dệt may Việt Nam

    23:39, 07/06/2018

  • Kêu gọi ngành dệt may Việt Nam hưởng ứng chiến dịch DETOX toàn cầu

    Kêu gọi ngành dệt may Việt Nam hưởng ứng chiến dịch DETOX toàn cầu

    12:10, 30/10/2017

  • Gỡ nút thắt “cổ chai” cho ngành dệt may

    Gỡ nút thắt “cổ chai” cho ngành dệt may

    11:42, 30/10/2017

  • Nghịch lý chuỗi cung ứng ngành dệt may

    Nghịch lý chuỗi cung ứng ngành dệt may

    05:13, 22/10/2017

Nếu như 6 tháng đầu năm ngoái, doanh nghiệp này bị lỗ tới hơn 6,2 tỷ đồng từ hoạt động liên doanh liên kết, thì 6 tháng đầu năm nay đã lãi 942 triệu đồng.

Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của TCM ở mức lần lượt là 64,7 tỷ đồng và 73,3 tỷ đồng, tăng tương ứng 30% và 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, chi phí tài chính của doanh nghiệp trong kỳ cũng tăng 30% so với cùng kỳ lên mức hơn 43,3 tỷ đồng.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế của TCM trong 6 tháng đầu năm nay đạt 116,7 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm ngoài. Sự sụt giảm này chủ yếu là do trong 6 tháng đầu năm nay khoản chi phí tài chính và chi phí bán hàng đều tăng mạnh trên 30%. Bên cạnh đó, khoản mục lợi nhuận khác trong kỳ giảm 27% do trong cùng kỳ 2017, TCM có khoản lợi nhuận bất thường hơn 34 tỷ đồng từ chuyển nhượng quyền thuê đất tại khu công nghiệp Xuyên Á. Nếu loại trừ khoản mục lãi không thường xuyên này, thì lợi nhuận sau thuế của TCM trong kỳ vẫn tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước.

1.933 tỷ đồng là tổng số nợ phải trả của TCM tính đến cuối quý 2/2018.

Tính đến cuối quý 2/2018, nợ phải trả của TCM ở mức hơn 1.933 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu hơn 1.132 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu ở mức 170,7%. Mặc dù lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã giảm 63,3% so với cùng kỳ, xuống mức âm 14,1 tỷ đồng, nhưng với tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu nói trên, thì áp lực trả nợ của TCM cũng không nhỏ. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2018, TCM đã trả nợ gốc vay hơn 1.402 tỷ đồng và trả nợ gốc thuê tài chính hơn 23 tỷ đồng.

Ba động lực tăng trưởng

Theo PHS, TCM vẫn đang có một số động lực tăng trưởng khá tích cực. Thứ nhất, tăng trưởng doanh thu nhờ các Hiệp định thương mại tự do. Với lợi thế sở hữu chuỗi giá trị sản xuất từ sợi trở đi, TCM có thể  đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và có thể được hưởng mức thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các nước đã ký FTA với Việt Nam. Thứ hai, mảng vải và may mặc có biên lợi nhuận gộp cao, giá trị bình quân lần lượt đạt 20-25% và 15-20%. Vì vậy, TCM đã mở rộng sản xuất bằng cách chuyển nhà máy số 2 sang sản xuất vải và mua thêm nhà máy may mặc tại Trảng Bàng với công suất 3 triệu sản phẩm/năm. Thứ ba, TCM có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn nhờ vào dự án TC Tower. Dự án này dự kiến sẽ được chào bán bắt đầu từ năm 2019, kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho TCM thu về những khoảng lợi nhuận đột biến trong tương lai.

Sản phẩm chủ lực của TCM là các sản phẩm may mặc với tỷ trọng doanh thu chiếm trên 70%. Trong đó, chủ yếu thu từ thị trường xuất khẩu (chiếm gần 90%). Hiện nay, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu là những thị trường xuất khẩu chính của TCM. Trong đó, hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc và Trung Quốc chủ yếu là đơn hàng của các công ty trong tập đoàn E-land (chiếm từ 25 – 29% tổng doanh thu). Với lợi thế từ chuỗi sản xuất hoàn thiện Sợi – Vải – May, TCM là một trong số ít doanh nghiệp có chuỗi sản xuất hoàn thiện từ sợi – dệt – nhuộm – may, thay vì phải mua ngoài nguyên liệu để sản xuất.

Tuy nhiên, mảng sợi vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn bông nhập khẩu thế giới. Trong khi đó, giá bông đang có xu hướng tăng, có thể sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của TCM. Bên cạnh đó, khoản vay dài hạn của TCM chủ yếu bằng USD, chiếm tỷ trọng khoảng 15% trong tổng nợ. Trước việc USD đang mạnh lên, số tiền vay nợ bằng USD của TCM cũng sẽ tăng tương ứng. Tuy nhiên, TCM có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu, nên cũng phần nào bù đắp được rủi ro này.

Trong vòng 1 tháng qua, cổ phiếu TCM đã tăng khoảng gần 16%. Chốt phiên giao dịch ngày 23/8, cổ phiếu TCM đóng cửa ở mức 21.900đ/cp. Theo phân tích kỹ thuật, mặc dù cổ phiếu này đã chạm vùng vượt mua, nhưng các chỉ số MACD, Stochastics, ADX… vẫn cho thấy đà tăng tiếp tục được duy trì. Theo đó, cổ phiếu này có thể sẽ hướng lên tới vùng 25.000đ/cp trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng khi cổ phiếu này bước vào vùng 25.000- 30.000đ/cp.

Cơ hội và thách thức của ngành dệt may

Hiệp định CPTPP dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cho ngành dệt may Việt Nam khi nhận được sự hỗ trợ lớn từ giảm thuế suất xuất khẩu. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA, EAEU,... cũng được cho là động lực tăng trưởng chính cho ngành dệt may trong thời gian tới.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu ngành dệt may đã tăng trưởng gần 17%, tương ứng với mức giá trị đạt 16,5 tỷ đồng. Trong đó, tốc độ tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản,… đều tích cực.

Điều đáng mừng là, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung được xem là cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam khi Mỹ đang có xu hướng chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, góp phần nâng thị phần hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng từ 13% lên 14% trong những tháng đầu năm 2018.

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức từ chênh lệch tỷ giá và áp lực từ việc các sản phẩm của Trung Quốc có thể tràn qua Việt Nam khi đánh mất thị phần quan trọng từ Mỹ. Trong khi đó, giá nguyên liệu bông đang có xu hướng tăng khi tính từ đầu năm đến nay, giá bông nguyên liệu đã tăng gần 12%, điều này đã làm giảm biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành.

Ngọc Anh