Thêm chính sách cho ngành dệt may

Thu Hoài 27/06/2018 17:36

Dệt may Việt Nam cần tận dụng được lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và theo kịp tốc độ phát triển của dệt may thế giới.

Đó là khuyến nghị của các chuyên gia tại Hội nghị Quốc tế “Diễn đàn Dệt may Việt Nam 2018” tổ chức ngày 27/6, tại Hà Nội.

Doanh nghiệp Dệt may cần tái cơ cấu lại sản xuất, phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Doanh nghiệp Dệt may cần tái cơ cấu lại sản xuất, phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Ngành công nghiệp chủ lực

 Được coi là một trong những ngành công nghiệp chủ lực, ngành dệt may Việt Nam đã có nhiều đột phá mới trong năm 2017 với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016. Tốc độ tăng trưởng nhanh này được dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2018 với lượng xuất khẩu ước đạt 33,34 tỷ USD. Ngoài việc ổn định các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, các doanh nghiệp nội địa Việt Nam cũng đã phát triển thêm các thị trường xuất khẩu mới nổi như Trung Quốc, Nga và Campuchia. Mặc dù không có TPP nhưng các Hiệp định Thương mại Tự do (FTAs) mới mà Việt Nam đã ký và đang đàm phán sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành dệt may Việt Nam. 

Ông Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính- Tiền tệ của Chính phủ cho biết, trong gần 20 năm qua, ngành dệt may vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân rất cao, ở mức 18%/ năm, tỷ lệ nội địa hóa đạt 57%. Sự phát triển của dệt may kéo theo nhiều ngành khác như nông nghiệp thông qua việc trồng cây bông, thương mại dịch vụ, thiết kế thời trang… Đặc biệt, dệt may là điểm sáng trong thu hút đầu tư vốn nước ngoài (FDI), hiện 60% kim ngạch xuất khẩu của ngành xuất phát từ khối doanh nghiệp FDI. “Trong giai đoạn đến năm 2030 dệt may vẫn được xác định là động lực thúc đẩy cho nền kinh tế”, ông Trần Du Lịch nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Cuộc chinh phục mới của xuất khẩu dệt may

    Cuộc chinh phục mới của xuất khẩu dệt may

    07:13, 16/05/2018

  • Thách thức giảm phát thải của ngành dệt may Việt Nam

    Thách thức giảm phát thải của ngành dệt may Việt Nam

    23:39, 07/06/2018

  • Cổ phiếu dệt may

    Cổ phiếu dệt may "ngược dòng" tình hình kinh doanh

    04:30, 25/05/2018

 Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho hay, dệt may Việt Nam đang có chiều hướng phát triển tốt với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 2 con số. Đặc biệt với các FTA đã ký kết, trong đó có 2 hiệp định vô cùng quan trọng là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam – EU (EVFTA), khối thị trường mới có quy mô lớn và những ưu đãi thuế quan hấp dẫn sẽ mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho ngành.

Trong giai đoạn 2018 – 2022, dưới tác động của các FTA, thuế quan sẽ giảm mạnh, tạo nhiều cơ hội mới cho việc gia tăng giá trị xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chi phí lao động cạnh tranh và các chính sách ưu đãi trong nước tiếp tục giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư dệt may trong những năm gần đây. Tuy vậy, Việt Nam vẫn phải tiếp tục hoàn thiện để duy trì cạnh tranh với các nước xuất khẩu như: Bangladesh, Sri Lanka, Myanmar và Campuchia. 

Tuy nhiên về dài hạn, ngành dệt may vẫn tồn tại nhiều vướng mắc. Cụ thể, cắt, may hiện vẫn là công đoạn phát triển nhất của ngành; sản xuất nguyên phụ liệu, thiết kế mẫu mã và hệ thống phân phối lại kém phát triển, trong khi đây mới là khâu mang lại giá trị gia tăng cao nhất.

Cần nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển ngành

Đến năm 2030, dệt may được kỳ vọng tăng trưởng ở mức 13-14%, giai đoạn tiếp theo là 10%. Để khắc phục vướng mắc, đạt được những mục tiêu đề ra và tận dụng được ưu đãi từ các FTA đã ký kết, Chính phủ đang dành nhiều ưu tiên hỗ trợ cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó có công nghiệp hỗ trợ cho dệt may, giúp ngành tận dụng được các lợi thế. Mặt khác, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và tham gia chuỗi phân phối toàn cầu, ứng dụng phương thức tiên tiến vào quản trị doanh nghiệp.

Ông Joachim Hensch - Giám đốc điều hành Hugo Boss cũng khuyến cáo, việc phát triển các nhà máy thông minh, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất có thể bắt nguồn từ những ý tưởng và nguồn nhân lực sẵn có trong các nhà máy thông thường. Để phát huy sức sáng tạo này, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ về đào tạo với chương trình phù hợp bối cảnh công nghệ hiện đại, doanh nghiệp tập trung khuyến khích, nâng tầm ý tưởng.

Ông Trần Du Lịch đề xuất, Nhà nước cần tiếp tục đóng vai trò bà đỡ tháo gỡ những vướng mắc về cơ sở hạ tầng, giao thông nhằm giảm phí logictis. Hỗ trợ đào tạo nghề, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ trong khâu sản xuất mà còn ở cấp bậc quản lý doanh nghiệp. Đặc biệt, nhanh chóng hiện thực hóa Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm giảm chi phí, khuyến khích liên kết chuỗi giá trị dệt may.

Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp huy động vốn từ thị trường chứng khoán, giảm bớt chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, để tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành dệt may - vốn là ngành sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp cần tổ chức lại sản xuất, hiện đại hóa công nghệ, đào tạo lao động cho phù hợp với nhu cầu mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thêm chính sách cho ngành dệt may
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO