Rủi ro pha loãng cổ phiếu GIL
Việc CTCP Sản xuất kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HoSE: GIL) thực hiện phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn có nguy cơ làm pha loãng cổ phiếu của doanh nghiệp này.
GIL là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong việc sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng gia dụng và may mặc, với 100% doanh thu từ xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Mỹ.
Lợi nhuận tăng mạnh
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của GIL đạt 1.607 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán/doanh thu thuần là 84%, giảm so với mức 85,8% của cùng kỳ năm ngoái, cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của GIL đã có hiệu quả hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này được thể hiện rõ qua việc biên lợi nhuận gộp trong kỳ đã tăng lên mức gần 16%, so với mức 14,1% của cùng kỳ năm ngoái.
Có thể bạn quan tâm
“Bảo bối” cho ngành dệt may
02:37, 02/12/2018
"Tia sáng" của ngành dệt may
02:03, 02/11/2018
Doanh nghiệp ngành dệt may, da giày và áp lực tồn tại
11:00, 30/10/2018
Hơn 75% nhân lực ngành dệt may đi về đâu trong cuộc cách mạng 4.0?
05:37, 27/09/2018
Ngành Dệt may đón sóng đầu tư từ Hàn Quốc
11:00, 06/07/2018
Tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong kỳ của GIL gần 137 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ, chiếm tới 53,4% lợi nhuận gộp, cho thấy khoản mục chi phí này khá lớn, GIL chưa kiểm soát tốt khoản mục chi phí này.
Trong kỳ, chi phí tài chính của GIL cũng tăng khá mạnh lên mức 38,6 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay là 13,2 tỷ đồng, tăng 78,7% so với cùng kỳ.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, GIL đạt lợi nhuận sau thuế 88,7 tỷ đồng, tăng 51,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng lưu ý, hàng tồn kho của GIL cuối quý 3 ở mức khá lớn, khoảng gần 688 tỷ đồng, chiếm tới 52% tổng tài sản ngắn hạn.
Tính đến 30/9, tổng nợ phải trả của GIL ở mức 1.049 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ở mức 632 tỷ đồng. Theo đó, hệ số nợ phải trả/giá vốn hàng bán ở mức 165%. Với mức lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ đạt 85 tỷ đồng, thì áp lực trả nợ của GIL cũng không nhỏ, bởi trong kỳ doanh nghiệp này đã phải trả nợ gốc và lãi vay lên tới 908 tỷ đồng.
Động lực tăng trưởng
GIL đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thông qua một số trụ cột lớn. Thứ nhất là xuất khẩu cho Amazon. Sau khi hợp tác kinh doanh với Amazon, doanh thu năm 2017 của GIL đã đạt 2.170 tỷ đồng, tăng gần 70% so với năm 2016 và lợi nhuận sau thuế đạt 144 tỷ đồng, tăng khoảng 50% so với năm 2016. GIL dự kiến số lượng đơn hàng từ Amazon sẽ tiếp tục tăng và có thể đạt mức 100 triệu USD vào năm 2022.
Thứ hai, GIL gia tăng năng lực sản xuất thông qua đầu tư góp vốn tại các doanh nghiệp cùng ngành. Cụ thể, GIL sở hữu cổ phần tại Công ty Dệt Sài Gòn, Công ty Sản xuất Thương mại Sài Gòn (GMC), Công ty Dệt may Gia Định Phong Phú... Bên cạnh đó, GIL sở hữu Nhà máy sản xuất đèn, Nhà máy kim loại... Trong thời gian tới, GIL dự kiến sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội M&A với các doanh nghiệp cùng ngành.
Ngoài ra, GIL cũng đầu tư mở rộng kho bãi tại cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Hắc Dịch tại Bà Rịa Vũng Tàu nhằm tận dụng lợi thế gần Cảng Cái Mép.
So sánh với các doanh nghiệp cùng ngành, tỷ suất sinh lợi ROE, ROA và giá trị mỗi cổ phần của GIL cũng luôn dẫn đầu.
Thách thức với GIL
GIL đang đối mặt với một số rủi ro tiềm ẩn. Thứ nhất, trong cơ cấu doanh thu của GIL, doanh thu từ Amazon và Ikea chiếm khoảng hơn 79% tổng doanh thu của GIL. Điều này có nguy cơ gây thiệt hại lớn đối với GIL nếu các khách hàng lớn này hủy đơn hàng, hoặc thay đổi chính sách, hay bị ảnh hưởng bởi kinh tế, chính trị xã hội thế giới...
Thứ hai, ĐHĐCĐ thường niên 2018 của GIL đã thông qua kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn. Kế hoạch này được thực hiện thành 3 đợt, trong đó đợt 1 đã được thực hiện theo tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu là 37% theo mệnh giá. Đợt 2 và đợt 3 sẽ phát hành thêm 10.923.312 cổ phiếu. Theo đó, số lượng cổ phiếu sau khi phát hành dự kiến tăng lên 30 triệu cổ phiếu. Điều này có nguy cơ làm pha loãng cổ phiếu của doanh nghiệp này.
Thứ ba, do doanh thu của GIL chủ yếu đến từ xuất khẩu nên doanh nghiệp này sẽ đối mặt với rủi ro biến động tỷ giá. Bởi kinh tế Mỹ được dự báo sẽ suy thoái vào giữa năm 2019 và khủng hoảng vào năm 2020, chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến USD. Khi đó hàng hóa Việt Nam sẽ đặt hơn trên thị trường Mỹ và một số thị trường khác.
Trong vòng khoảng 3 tháng qua, cổ phiếu GIL gần như không có thay đổi nhiều, chỉ giảm khoảng 3,3%. Tính từ khi niêm yết đến nay, cổ phiếu này tăng khoảng gần 50%. Chốt phiên giao dịch ngày 14/12, cổ phiếu GIL đóng cửa ở mức 36.000đ/cp, khối lượng giao dịch chỉ 7.080 cổ phiếu. Nếu GIL phát hành thêm số lượng cổ phiếu nói trên, thì giá cổ phiếu này có thể sẽ giảm sâu hơn nữa vì bị pha loãng.
Theo phân tích kỹ thuật, cổ phiếu GIL vẫn đang có xu hướng điều chỉnh, củng cố, chưa thể bứt phá ngắn hạn. Bởi MACD chưa phân kỳ dương và vẫn đang nằm dưới đường zero; đường giá vẫn đang nằm dưới MA50 và MA100…