VN-Index “xoay” quanh 900 điểm trong ngắn hạn?
Với thanh khoản còn thấp, tâm lý của các nhà đầu tư (NĐT) chưa được giải tỏa hoàn toàn, thì VN-Index chưa thể bứt phá, mà vẫn tiếp tục điều chỉnh trong ngắn hạn.
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã duy trì đà tăng điểm gần như suốt cả phiên giao dịch hôm qua. Thanh khoản tăng 28,6% lên 2.147 tỷ đồng, cho thấy các nhà đầu tư (NĐT) đã rót tiền vào thị trường nhiều hơn, mặc dù diễn biến vẫn còn theo hướng giằng co.
Có thể bạn quan tâm
Chứng khoán tuần từ 7-11/1: Đà phục hồi chưa bền vững
05:01, 07/01/2019
Bản tin chứng khoán: Quý 1/2019, dòng tiền sẽ quay lại thị trường?
04:30, 06/01/2019
Chứng khoán đầu năm 2019: Tâm lý thận trọng chưa dứt
04:30, 02/01/2019
Đã đến thời điểm “bắt đáy” cổ phiếu?
05:01, 09/01/2019
Áp lực điều chỉnh vẫn đè nặng lên VN-Index
13:01, 04/01/2019
Phần lớn cổ phiếu của các nhóm ngành đều có diễn biến tích cực trong phiên hôm qua. Các cổ phiếu có tác động tích cực nhất đối với VN-Index là BID, VRE và VNM.
Trong khi đó, khối ngoại mua ròng hơn 57 tỷ đồng trên hai sàn. Trong đó, VRE và VNM được mua ròng nhiều nhất với giá trị lần lượt hơn 40 tỷ và 35 tỷ đồng. Điều này tiếp tục góp phần giải tỏa bớt tâm lý lo ngại của các NĐT.
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, VN-Index đã tăng 1,08% đóng cửa ở mức 896 điểm, trong khi HNX-Index tăng 0,86% đóng cửa ở mức 102,13 điểm.
Phái đoàn Mỹ- Trung đã kết thúc 3 ngày đàm phán vào ngày hôm qua, như vậy kéo dài hơn 1 ngày so với kế hoạch. Tuy nhiên sau khi kết thúc đàm phán, hai bên vẫn chưa công bố kết quả cuộc đàm phán này. Theo một số nguồn tin, hai bên đã thống nhất được một số vấn đề cơ bản, chứ chưa giải quyết dứt điểm tất cả những bất đồng hiện nay. Dù kết quả đàm phán thương mại Mỹ- Trung thế nào, thì đây cũng là nỗ lực có thiện chí của 2 bên nhằm sớm chấm dứt chiến tranh thương mại.
Tuy nhiên trong báo cáo được công bố mới đây của WB, tăng trưởng năm 2019 của kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ đạt 2,9%, thấp hơn so với mức 3% của năm 2018. Ngoài ra, WB cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2019 giảm xuống mức 2,5%, so với mức 2,9% năm 2018, trong khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến chỉ đạt 6,2% năm 2019, so với mức 6,5% năm 2018.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại trong điều kiện Mỹ và Trung Quốc chưa giải quyết được những bất đồng thương mại hiện nay chắc chắn sẽ còn tác động tiêu cực đến TTCK toàn cầu.
Trong những phiên tới, VN- Index có thể sẽ tiếp tục phục hồi nhẹ lên vùng 900- 913 điểm. Tuy nhiên, nếu thanh khoản không tiếp tục được cải thiện, thì chỉ số này cũng khó bứt phá mạnh mẽ hơn, mà chỉ có thể xoay quanh mức 900 điểm trong ngắn hạn.
Theo phân tích kỹ thuật, khối lượng giao dịch đã bứt phá qua mức trung bình 10 phiên, cho thấy dòng tiền đổ nhiều hơn vào thị trường, nhưng chưa thực sự mạnh mẽ. Bên cạnh đó, VN-Index đã đóng cửa trên MA5, nhưng vẫn ở dưới MA20 và MA50, cho thấy đây chỉ có thể là sự phục hồi kỹ thuật, chứ chưa phải là xu hướng tăng thực sự. Trong ngắn hạn, VN-Index sẽ đối mặt với mức kháng cự mạnh tại MA50, tương đương với mức 920 điểm. Trong khi đó, vùng hỗ trợ quan trọng vẫn đang ở 850 điểm, kế tiếp là 820- 835 điểm.
Hiện tại, nhiều cổ phiếu đã nằm trong vùng vượt bán, và các doanh nghiệp cũng đang dần công bố kết quả kinh doanh năm 2018. Do đó, những cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 4/2018 tích cực và có nền tảng vững chắc, nhất là các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản hạ tầng khu công nghiệp, thủy sản, dệt may… có thể sẽ hút dòng tiền.