Mặc dù thị trường chứng (TTCK) Việt Nam đã có phiên phục hồi cuối tuần qua, nhưng đà phục hồi này chưa thực sự bền vững.
TTCK đã kết thúc tuần qua bằng một phiên tăng điểm trên cả 2 sàn. Trong đó, VN-Index đã tăng 0,31% đóng cửa ở mức 880,9 điểm. Sở dĩ thị trường phục hồi trở lại là do các cổ phiếu vốn hóa lớn tăng khá mạnh, trong đó đáng lưu ý là các mã như VHM, VNM, VCB… Tuy nhiên, thanh khoản đạt mức 2.127 tỷ đồng, dù đã cải thiện, nhưng vẫn ở dưới mức bình quân 20 phiên gần nhất, cho thấy các nhà đầu tư vẫn rất thận trọng trước biến động hiện nay của thị trường, nhất là TTCK thế giới. Bên cạnh đó, khối ngoại đã bắt đầu bán ròng trở lại sau 7 phiên giao dịch mua ròng liên tiếp với giá trị gần 88 tỷ đồng. Điều này cũng tác động tiêu cực đến tâm lý của các nhà đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 02/01/2019
04:30, 06/01/2019
03:30, 01/01/2019
13:15, 26/12/2018
Trong ngày 7 và 8/1/2019, phái đoàn Mỹ, do Phó Trưởng đại diện thương mại Jeffrey Gerrish làm trưởng đoàn, sẽ sang Trung Quốc đàm phán để giải quyết những bất đồng thương mại giữa 2 nước theo cam kết “đình chiến” trong 90 ngày giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20 vào cuối tháng 11/2018 tại Argentina. Mặc dù hiện nay Trung Quốc đã có một số nhượng bộ, như không còn theo đuổi chiến lược “Made in China 2025”, dù nhiều ý kiến cho rằng quốc gia này đã thay đổi bằng chiến lược khác có ý nghĩa tương đương; tăng cường mua hàng hóa của Mỹ để giảm bớt thậm hụt thương mại của Washington; xem xét ban hành luật cấm chuyển giao công nghệ bắt buộc… Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, việc nhượng bộ nói trên của Trung Quốc chỉ nhằm xoa dịu căng thẳng với Mỹ để tránh việc áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ, còn trên thực tế quốc gia này vẫn âm thầm thực hiện tham vọng bá chủ toàn cầu dưới hình thức khác. Do vậy, Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ hoàn toàn các yêu cầu của Mỹ, và cuộc đàm phán Mỹ- Trung sắp tới chưa thể đi tới kết quả cuối cùng.
Mặc dù vậy, bất kỳ tín hiệu tích cực nào trong đàm phán thương mại Mỹ- Trung cũng có thể tác động tích cực tới chứng khoán toàn cầu, qua đó giảm bớt áp lực tâm lý đối với các nhà đầu tư trong nước.
Tuy nhiên, những lo ngại về bất ổn kinh tế toàn cầu, FED tăng lãi suất vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến tâm lý của các nhà đầu tư.
Trong những phiên giao dịch trong tuần này, VN-Index có thể sẽ tiếp tục duy trì được một số phiên phục hồi nếu lực cầu đối với nhóm vốn hóa lớn tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, hiện tâm lý của các nhà đầu tư vẫn thận trọng, nên việc tăng mạnh của thị trường là khó xảy ra.
Theo phân tích kỹ thuật, khối lượng giao dịch ở dưới mức bình quân 10 và 20 phiên cho thấy dòng tiền vẫn còn yếu. Bên cạnh đó, VN-Index ở dưới các đường MA 5, 10, 20 trong khi các đường này phân kỳ âm, nên tín hiệu điều chỉnh ngắn hạn chưa chấm dứt. VN-Index tăng điểm trong phiên cuối tuần qua có thể chỉ là phục hồi kỹ thuật, vì cả VN-Index và nhiều cổ phiếu đã nằm trong vùng vượt bán. Ngoài ra, các chỉ số như MACD, Stochastic, ADX… vẫn chưa có thấy tín hiệu tăng mạnh trở lại của chỉ số VN-Index.
Theo đó, nếu chưa vượt qua được vùng kháng cự mạnh tại 920 điểm, thì VN- Index sẽ sớm điều chỉnh giảm trở lại vùng 850 điểm, thậm chí là 820- 835 điểm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, nếu dòng tiền khối ngoại quay trở lại mạnh mẽ như chu kỳ hàng năm, sẽ sớm giải tỏa được tâm lý của các nhà đầu tư, và thị trường sẽ phục hồi trở lại trong quý 1 này.