Nâng hạng thị trường chứng khoán, phụ thuộc nhà đầu tư ngoại… “chấm điểm”

Theo ĐTCK 31/01/2019 11:08

Một trong những thách thức nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi là phụ thuộc nhiều vào ý kiến đánh giá mang tính chủ quan của nhà đầu tư nước ngoài về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhiều quỹ ngoại quan tâm tới thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh: Lê Toàn

Nhiều quỹ ngoại quan tâm tới thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh: Lê Toàn

Những Bước tiến ban đầu

Trong năm 2018, nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán đã có thêm bước tiến. Đánh giá này, theo ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), không phải mang tính chủ quan của nhà quản lý, mà chính việc FTSE Russell đã đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm qua là một minh chứng.

Có thể bạn quan tâm

  • Sẽ tiếp tục nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

    Sẽ tiếp tục nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

    15:01, 14/04/2018

  • Việt Nam đang ở đâu trên con đường nâng hạng thị trường chứng khoán?

    Việt Nam đang ở đâu trên con đường nâng hạng thị trường chứng khoán?

    06:10, 11/04/2018

  • Năm yếu tố Việt Nam cần tập trung để nâng hạng thị trường

    Năm yếu tố Việt Nam cần tập trung để nâng hạng thị trường

    04:01, 17/07/2017

  • Câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

    Câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

    16:53, 23/03/2017

Kết quả của bước tiến trên là nhờ một số giải pháp đã được triển khai trên thực tế. Điển hình như hoạt động công bố thông tin, đến nay, các chính sách, quy định pháp lý đã được UBCK chuyển đổi sang tiếng Anh. Về phía doanh nghiệp, tùy thuộc vào điều kiện của doanh nghiệp, UBCK khuyến khích các công ty niêm yết công bố thông tin bằng tiếng Anh. Kết quả là ngày càng nhiều công ty niêm yết, công ty chứng khoán quy mô lớn công bố thông tin bằng tiếng Anh, qua đó tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận doanh nghiệp.

Một loạt giải pháp khác cũng đã được triển khai nhằm tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường chứng khoán Việt Nam như tiết giảm thủ tục hành chính về mở tài khoản giao dịch, gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty niêm yết (nới room), tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu cơ hội đầu tư vào Việt Nam tại các trung tâm tài chính lớn của thế giới (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…).

Tuy nhiên, những nỗ lực trên mới mang lại kết quả bước đầu, đến bao giờ Việt Nam thành công trong nâng hạng lên thị trường mới nổi vẫn là ẩn số.

Còn nhiều thách thức

Những nỗ lực cải cách đã đáp ứng được nhiều tiêu chí nâng hạng thị trường của các tổ chức xếp hạng quốc tế như MSCI, FTSE Russell với những điều kiện khác nhau, nhưng đại diện UBCK cho biết, còn nhiều việc phải làm mới có thể giúp thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng thành công.

“Bên cạnh các tiêu chí mang tính định lượng mà Việt Nam đã cơ bản đáp ứng, các tiêu chí định tính có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là những ý kiến đánh giá, nhận xét của nhà đầu tư nước ngoài phản hồi đến tổ chức xếp hạng thị trường.

Danh sách những nhà đầu tư kèm theo đó là đánh giá của họ về thị trường chứng khoán Việt Nam là thông tin bí mật, nên chúng ta không dễ nắm bắt sớm để có thêm giải pháp cải cách. Đây hiện là một trong những vấn đề khó nhất đối với nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam”, ông Dũng cho hay.

Trong khi đó, việc đánh giá, nhận xét của nhà đầu tư nước ngoài về thị trường chứng khoán Việt Nam tùy thuộc đáng kể vào khả năng sinh lời của thị trường, cũng như kết quả họ thu hái được từ hoạt động đầu tư.

Như đã đề cập ở trên, một số nội dung cải cách hiện mới mang lại kết quả bước đầu, nên cần những nỗ lực tiếp theo để tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam. Từ đó, họ chấm điểm tốt cho Việt Nam khi phản hồi tới các tổ chức xếp hạng thị trường.

Thực tế triển khai cơ chế nới room cho nhà đầu tư nước ngoài bộc lộ không ít bất cập, do thiếu sự đồng bộ của quy định pháp luật chứng khoán và pháp luật đầu tư. Tình trạng này kéo dài trong vài năm qua, nhưng chưa được tháo gỡ.

Vướng mắc về nới room đã có hướng giải quyết tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, nhưng ý kiến của nhiều chuyên gia và thành viên thị trường cho thấy, giải pháp chưa căn cơ và tính khả thi không cao.

Do đó, thị trường trông đợi dự thảo luật được đưa ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp dự kiến diễn ra vào tháng 5/2019 sẽ có những ý kiến, giải pháp được đưa ra mang tính liên ngành và khả thi, chứ không chỉ dừng lại ở nội ngành chứng khoán như hiện tại.

Mặc khác, thủ tục, điều kiện tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được không ít nhà đầu tư ngoại than phiền. Chẳng hạn, với thị trường chứng khoán phái sinh, sở dĩ đến nay nhà đầu tư ngoại chưa mặn mà tham gia vì họ quan ngại về việc chưa được chủ động trong kiểm soát, giám sát tài khoản lưu ký.

Ngoài ra, khối ngoại kiến nghị được tạo điều kiện thuận lợi dịch chuyển dòng vốn ra - vào Việt Nam từ nhiều năm qua, nhưng các nỗ lực cải cách chưa mang lại kết qua như họ mong đợi. Việc giải quyết vấn đề này nằm ngoài khả năng của Bộ Tài chính và UBCK, đòi hỏi sự chỉ đạo ở tầm Chính phủ để các bộ, ngành có liên quan cùng vào cuộc.

Thực tế trên cho thấy, để đáp ứng yêu cầu nâng hạng thị trường của các tổ chức xếp hạng quốc tế, đặc biệt là đòi hỏi về các yếu tố định tính, nhất là ý kiến đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài, đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục thực thi hệ thống giải pháp nhằm đạt mục tiêu bao trùm là nâng cao tính minh bạch và chất lượng phát triển của thị trường.

Theo đại diện UBCK, điều quan trọng là tăng cường tính công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán, đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó tiệm cận hơn chuẩn mực và thông lệ quốc tế về áp dụng chế độ kế toán, kiểm toán. Bên cạnh đó, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng khẩu vị đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, qua đó thu hút thêm cũng như giữ chân đối tượng nhà đầu tư này ở lại với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Mục tiêu Việt Nam hướng tới là dòng vốn đầu tư dài hạn

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Năm 2018, UBCK đã trao đổi thường xuyên với MSCI và FTSE để cập nhật thông tin, giải đáp cụ thể về những nội dung còn chưa rõ ràng, giúp hai tổ chức này đánh giá xác thực hơn về thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết quả đánh giá sơ bộ của FTSE tháng 9/2018 cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đủ tiêu chuẩn để được nâng hạng từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi...

Thời gian tới, UBCK tiếp tục tập trung các giải pháp nhằm cải thiện thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, tháo gỡ vướng mắc về tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi; tiếp tục cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.

Việc nâng cao chất lượng hàng hóa là quan trọng nhất, bởi các doanh nghiệp niêm yết phải sản xuất - kinh doanh tốt, hoạt động minh bạch, thì mới thu hút nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào đầu tư. Từ đó, họ sẽ có những đánh giá tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Việc nâng hạng thị trường nhằm gia tăng thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, nhưng đây không phải là dòng vốn “nóng”, mà mục tiêu Việt Nam hướng tới là dòng vốn đầu tư dài hạn, góp phần giúp thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững.

Để thực hiện được các nhiệm vụ, giải pháp trên, không chỉ đòi hỏi nỗ lực của UBCK, mà rất cần sự chung tay, phối hợp của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính, sự ủng hộ của Chính phủ và các thành viên thị trường. 

Theo ĐTCK