Lỗ 2 năm liên tiếp, nỗi niềm “kẻ ở, người đi”
Sau 2 năm 2016 và 2017 liên tiếp thua lỗ, một vài doanh nghiệp báo lãi trong quý IV/2018, mở ra kỳ vọng thoát nguy cơ hủy niêm yết, thì không ít doanh nghiệp dự kiến sẽ phải rời sàn chứng khoán.
Quý IV lãi đột biến, khả năng trụ lại sàn
Sau khi báo lỗ trước thuế 16,2 tỷ đồng trong năm 2016 và 131,2 tỷ đồng trong năm 2017, việc tiếp tục lỗ thêm 14,5 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018 đã đặt cổ phiếu RIC của Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.
Có thể bạn quan tâm
Hơn 1.000 doanh nghiệp niêm yết trên UPCoM và HNX
11:12, 05/09/2018
Chứng khoán tuần từ 18-22/2: VN-Index tích lũy để bứt phá?
05:01, 18/02/2019
Chứng khoán tháng Giêng: Niềm vui nối dài?
14:36, 14/02/2019
Nâng hạng thị trường chứng khoán, phụ thuộc nhà đầu tư ngoại… “chấm điểm”
11:08, 31/01/2019
Thị trường chứng khoán sẽ chịu tác động bởi những yếu tố nào trong thời gian tới?
00:58, 26/01/2019
Chứng khoán Việt Nam đã về mức rẻ?
13:31, 25/01/2019
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính vừa công bố, trong quý IV/2018, doanh thu thuần của RIC đạt 100,3 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, giá vốn chỉ tăng 6,9%, còn chi phí bán hàng, chi phí quản lý giảm, giúp Công ty thu về 32,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 25,2 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017. Lũy kế cả năm 2018, lợi nhuận trước thuế đạt 17,7 tỷ đồng.
Doanh thu, lợi nhuận tăng đột biến trong quý IV/2018 giúp bù hết lỗ 9 tháng và ghi nhận lợi nhuận cả năm 2018 ở mức dương, mở ra cánh cửa bám trụ thành công trên sàn niêm yết cũng diễn ra tại một số doanh nghiệp khác đã có 2 năm trước đó thua lỗ như Công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp và dân dụng Dầu khí (PXI, sàn HOSE), Công ty cổ phần Tư vấn điện lực dầu khí Việt Nam (PPE, sàn HNX), Công ty cổ phần Thương mại và Khoáng sản Hoàng Phúc (HPM, sàn HNX), Công ty cổ phần Ðiện nhẹ Viễn thông (LTC, sàn HNX)…
Cụ thể, doanh thu riêng quý IV/2018 của PXI gấp 18 lần quý IV/2017, đạt 436,4 tỷ đồng. Trong số này, 88,8% đến từ việc nghiệm thu, quyết toán dự án 33A đường 30/04 TP. Vũng Tàu.
Trong kỳ, PXI không còn tình trạng giá vốn vượt doanh thu như năm 2017, trong khi chi phí tài chính giảm 94% do Công ty giảm nợ vay, không phát sinh chi phí bán hàng và được hoàn nhập 5,7 tỷ đồng chi phí quản lý, giúp doanh nghiệp lãi trước thuế 11,5 tỷ đồng, lợi nhuận cả năm 2018 là 1,8 tỷ đồng (9 tháng đầu năm lỗ 9,7 tỷ đồng).
Tương tự, việc PPE thi công xong và nghiệm thu một số hợp đồng thuộc dự án Trung tâm Logicstic quốc tế TP. Bắc Giang đã giúp Công ty đạt 7,1 tỷ đồng doanh thu, 4,1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý IV/2018, kết thúc chuỗi 10 quý thua lỗ liên tiếp.
Với 2 triệu cổ phiếu đang niêm yết, vốn điều lệ 20 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) của PPE trong quý IV/2018 là 2.000 đồng. Tuy nhiên, do lỗ 3,1 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018, nên lợi nhuận cả năm chỉ còn lại 941 triệu đồng.
Lợi nhuận trước thuế quý IV và cả năm 2018 của một số công ty đã có 2 năm 2016 - 2017 thua lỗ
Một số rủi ro cần lưu ý
Sau trường hợp báo lãi đột biến và thoát khỏi nguy cơ hủy niêm yết ngoạn mục tại Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương (HVG), thì trong mùa công bố báo cáo tài chính quý IV/2018 đang diễn ra, một số doanh nghiệp khác đã mở ra niềm hy vọng phục hồi. Tuy nhiên, báo cáo tài chính vẫn đang cho thấy nhiều rủi ro cần chú ý.
Tại PPE, tính đến cuối năm 2018, Công ty lỗ lũy kế 50% vốn điều lệ. Trong số 19,6 tỷ đồng tổng tài sản, có 17,9 tỷ đồng là các khoản phải thu, chiếm 91,3%, tiềm ẩn rủi ro thất thoát cũng như chi phí thu hồi công nợ.
Thực tế, thời điểm cuối năm 2018, PPE phải dự phòng phải thu khó đòi 4,1 tỷ đồng. Dù có lợi nhuận, nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh chưa được cải thiện, năm 2018 âm thêm 3,3 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2017, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm 1,18 tỷ đồng.
Với PXI, tồn kho và phải thu là 2 khoản mục lớn nhất trong cơ cấu tài sản tại thời điểm cuối năm 2018, với tỷ trọng lần lượt là 38,9% và 51,1%, tỷ lệ trích lập dự phòng phải thu hơn 10%. Dù nợ vay giảm đáng kể trong năm 2018, nhưng hàng trăm tỷ đồng các khoản phải trả gây áp lực không nhỏ lên dòng tiền.
Với RIC, doanh nghiệp này chưa từng được đánh giá cao về tính ổn định khi chính Công ty thừa nhận, mảng hoạt động kinh doanh chính qua Câu lạc bộ Quốc tế Hoàng Gia - đơn vị kinh doanh trò chơi có thưởng, là hoạt động mang tính thời vụ, không ổn định, doanh thu phát sinh phụ thuộc vào số lượng khách đến chơi và kết quả chơi của khách.
Trong năm 2018, 62% doanh thu và toàn bộ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của RIC đến từ hoạt động của Câu lạc bộ, trong khi mảng kinh doanh biệt thự thua lỗ. Trước đó, sau khi báo lãi hơn 103 tỷ đồng trong năm 2015, sau 2 năm 2013 - 2014 thua lỗ, RIC lại thua lỗ trong năm 2016 - 2017 và 9 tháng đầu năm 2018.
Dự kiến những mã phải…chia tay
Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Ðông (ORS) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2018 với lợi nhuận trước thuế lỗ thêm 1,1 tỷ đồng, nâng tổng lỗ cả năm 2018 lên 10,7 tỷ đồng, ghi nhận năm thua lỗ thứ 3 liên tiếp. Lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 đã “ăn mòn” 97% vốn điều lệ.
Một cổ phiếu khác dự kiến sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu báo cáo tài chính kiểm toán 2018 không có gì thay đổi so với báo cáo doanh nghiệp tự lập là DLR của Công ty cổ phần Ðịa ốc Ðà Lạt. Trong quý IV/2018, doanh thu tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2017, chi phí tài chính, bán hàng và quản lý đều giảm, nhưng số lãi gộp chỉ đạt 1,2 tỷ đồng, không đủ để Công ty thoát lỗ quý thứ 12 liên tiếp.
Kết quả, DLR lỗ thêm 2 tỷ đồng trong quý IV/2018, nâng số lỗ cả năm 2018 lên 6,9 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến thời điểm cuối năm 2018 của Công ty là 44,5 tỷ đồng, tương đương 99% vốn điều lệ.
Báo lỗ cả năm 2018 sau 2 năm 2016 - 2017 liên tiếp thua lỗ cũng là tình cảnh của Công ty cổ phần Vinaconex 39 (PVV), Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim màu (KSK), Công ty cổ phần Hóa phẩm dầu khí DMC - Miền Bắc (PCN)…
Không chỉ kinh doanh yếu kém, nhiều doanh nghiệp còn có dấu hiệu thiếu minh bạch. Ví dụ, trong báo cáo tài chính bán niên soát xét 2018, kiểm toán viên đã đưa ra ý kiến ngoại trừ về việc PVV đã không trích lập dự phòng các khoản phải thu, khoản trả trước đã quá hạn nhiều năm.
Hay KSK (một trong các công ty có tên trong danh sách mua bán hàng hóa, tạo công nợ ảo với Công ty cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung), trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, kiểm toán viên đưa ý kiến ngoại trừ về việc không thể xác minh được số dư các khoản phải trả và số dư các hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Không ít doanh nghiệp khác đã có 2 năm thua lỗ liên tiếp (2016 - 2017) như Công ty cổ phần Tập đoàn Ðại Dương (OGC), Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (QNC), Tổng công ty cổ phần Dung dịch khoan và Hoá phẩm Dầu khí (PVC)… Cổ đông của các doanh nghiệp này đang hồi hộp chờ đợi kết quả kinh doanh năm 2018 để xác định tương lai “đi hay ở” trên sàn niêm yết.
Lưu ý, các số liệu đã công bố đến nay mới chỉ là báo cáo tài chính tự lập, việc ở lại sàn niêm yết với các doanh nghiệp có lãi năm 2018 sau 2 năm thua lỗ trước đó chỉ có thể chắc chắn sau khi báo cáo tài chính được kiểm toán và các con số lợi nhuận không bị điều chỉnh từ lãi sang lỗ, cũng như không bị đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến.
Với các công ty tiếp tục thua lỗ trong năm 2018, tình hình có thể thay đổi nếu lợi nhuận trên báo cáo tài chính kiểm toán có lãi trở lại, tuy nhiên, trường hợp này hiếm khi xảy ra.