Cần có lộ trình thu phí giao dịch chứng khoán phái sinh
Nhiều chuyên gia, luật sư cho rằng, việc thu phí giao dịch chứng khoán phái sinh cần có lộ trình, nếu không sẽ không khuyến khích phát triển được các sản phẩm mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngoài phí giao dịch trả cho các Công ty chứng khoán, nhà đầu tư cần bổ sung thêm phí trả cho Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) theo quy định tại Thông tư 127 bao gồm phí hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số, HĐTL trái phiếu Chính phủ, phí dịch vụ quản lý vị thế, phí dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ.
Như vậy, so với trước đây, đối với mỗi tài khoản giao dịch các HĐTL, ngoài phí thuế phải trả cho công ty chứng khoán, thì từ 15/2 các nhà đầu tư phải trả thêm tiền ký quỹ VSD từ 400.000 đồng- 2 triệu/đồng/tài khoản… Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia của ngành luật về vấn đề này.
Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico
Thị trường chứng khoán phái sinh vừa ra đời chưa được 2 năm thì cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều loại phí, nhiều nhà đầu tư phản ánh là “phí chồng phí”. Theo tôi, điều này có thể ảnh hưởng đến cơ hội phát triển các sản phẩm mới trên thị trường chứng khoán. Việc thu phí như vậy sẽ không khuyến khích phát triển mảng chứng khoán phái sinh.
Nhìn vào các loại phí mà HNX, VSD và các công ty chứng khoán thu trên mỗi hợp đồng phái sinh, có thể nói nhà đầu tư gánh 3 loại phí. Việc áp đặt ba loại phí này nghiễm nhiên thể hiện sự độc quyền. Điều này có nghĩa là các cơ quan quản lý độc quyền trong việc cung cấp dịch vụ chứng khoán phái sinh, trong khi chủ trương của Nhà nước là xoá bỏ sự độc quyền trong kinh doanh, nhất là khu vực DNNN.
Có thể bạn quan tâm
Những bất hợp lý trong thu phí giao dịch chứng khoán phái sinh
12:01, 18/02/2019
Từ 15/2 thu phí ký quỹ tại VSD: Nhà đầu tư “thiệt đơn thiệt kép”
18:30, 15/02/2019
Theo tôi, VSD và HNX không nên thu phí, hãy để sân chơi cho các công ty chứng khoán diễn, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các công ty chứng khoán, có như vậy thị trường chứng khoán phái sinh mới phát triển lành mạnh, thực sự là nơi phòng vệ cho thị trường cơ sở…
Luật sư Nguyễn Hồng Nhung- Công ty TNHH Luật XTVN
Xung quanh Thông tư 127, tôi cho rằng việc thu phí trong giao dịch chứng khoán phái sinh không trái quy định pháp luật. Vì trên thực tế không có văn bản pháp luật nào quy định chỉ được thu 1 loại phí.
Tuy nhiên, việc cần làm rõ và cần bàn thêm là: Mức phí quy định tại Thông tư 127/2018/TT-BTC được tại căn cứ vào đâu?, mức phí đó đã được đánh giá, tính toán tới các yếu tố tác động tới thị trường chứng khoán hay chưa, nhất là sản phẩm chứng khoán phái sinh mới được đưa vào phát triển?, tại sao cơ quan quản lý Nhà nước lại chọn thời điểm này để bổ sung thêm việc thu phí?.
Luật sư Nguyễn Huy An- Văn phòng Luật sư Huy An
Với mức phí hiện hành theo quy định của Thông tư 127 mà Bộ Tài chính ban hành, nhà đầu tư phải chịu ba loại phí. Số tiền phí thu không đáng kể, nhưng đối với những nhà đầu tư nhỏ (đã tham gia thị trường, có ý định tham gia) thì sẽ cân nhắc và cho rằng quy định thu thêm khoản phí này không khuyến khích dòng tiền vào thị trường.
Việc tăng thêm các khoản phí dẫn đến khả năng nhiều nhà đầu tư quyết định không nắm giữ vị thế qua đêm và không khuyến khích nhà đầu tư dài hạn. Điều này có thể khiến dòng tiền rút khỏi thị trường, ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường phái sinh mới được đưa vào khai thác gần 2 năm nay.
Bộ Tài chính cần xây dựng lộ trình thu phí để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và đảm bảo thị trường chứng khoán nói chung và chứng khoán phái sinh nói riêng phát triển theo đúng định hướng của Chính phủ nhằm khuyến khích phát triển những sản phẩm mới, như chứng khoán phái sinh...