Chủ tịch UBCK Nhà nước: Sẽ điều chỉnh phí giao dịch phái sinh nếu quá nhiều loại phí
Đó là chia sẻ của ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với DĐDN xung quanh các mức phí giao dịch chứng khoán phái sinh quy định tại Thông tư 127/2018/TT-BTC.
- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về hoạt động của thị trường chứng khoán phái sinh trong thời gian qua?
Có thể nói, sau hơn một năm đi vào hoạt động, quy mô giao dịch của thị trường chứng khoán phái sinh ngày càng phát triển. Bình quân năm 2018, khối lượng giao dịch đạt 79.000 hợp đồng/phiên, gấp 7,2 lần so với năm 2017. Hoạt động giao dịch chứng khoán phái sinh chủ yếu tập trung ở nhà đầu tư cá nhân. Nhà đầu tư tổ chức trong nước mới chỉ chiếm 1,02%, tập trung chủ yếu vào hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán. Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch trong lĩnh vực này chỉ đạt 0,16%.
Có thể bạn quan tâm
Từ 15/2 thu phí ký quỹ tại VSD: Nhà đầu tư “thiệt đơn thiệt kép”
18:30, 15/02/2019
Cần có lộ trình thu phí giao dịch chứng khoán phái sinh
14:40, 20/02/2019
Những bất hợp lý trong thu phí giao dịch chứng khoán phái sinh
12:01, 18/02/2019
Nhà đầu tư tổ chức khó tham gia thị trường phái sinh
09:30, 30/01/2019
- Ngoài phí giao dịch trả cho các Công ty chứng khoán, nhà đầu tư phải trả thêm phí cho Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) theo quy định tại Thông tư 127, bao gồm phí hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số, HĐTL trái phiếu Chính phủ, phí dịch vụ quản lý vị thế, phí dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ. Theo ông, các mức phí này đã hợp lý chưa?
Theo tôi, việc thu phí là tất yếu vì các Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán cần phải có phí để duy trì hoạt động. Câu chuyện này rất bình thường và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, giai đoạn đầu cần khuyến khích thị trường phái sinh phát triển nên Bộ Tài chính, UBCK đã miễn phí một số loại phí, nhưng đến nay giai đoạn này thị trường đã phát triển sôi động, nên cần thu phí để duy trì hoạt động...
- Như vậy, so với trước đây, ngoài thuế và phí phải trả cho Nhà nước và các công ty chứng khoán, thì hiện mỗi tài khoản giao dịch các HĐTL, các nhà đầu tư phải trả thêm phí quản lý tiền ký quỹ cho VSD từ 400.000 đồng- 2 triệu/đồng/tài khoản, phí này theo phản ánh của các nhà đầu tư là phí chồng phí. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Thực ra mức phí này mới được đưa vào áp dụng từ ngày 15/2 vừa qua, nếu nhiều loại phí quá, UBCK Nhà nước sẽ cân nhắc điều chỉnh cho hợp lý. Thị trường chứng khoán phái sinh là thị trường phòng vệ cho thị trường cơ sở, nên khi chỉ số VN- Index biến động mạnh thì thị trường chứng khoán phái sinh sẽ mạnh hơn.
Trong thời gian cuối năm 2018, giao dịch các HĐTL không có gì đột biến, có vài phiên giảm, bởi chỉ số VN-Index đi ngang. Năm 2019 tôi tin rằng hoạt động thị trường phái sinh sẽ biến động mạnh hơn, bởi đang có sự hưng phấn của các nhà đầu tư trong ngày đầu năm…
- Để thị trường chứng khoán phái sinh cũng như thị trường cơ sở là kênh huy động vốn cho doanh nghiệp, sắp tới UBCK Nhà nước sẽ có những chính sách gì, thưa ông?
UBCK Nhà nước hiện đang tập trung hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi để Chính phủ trình Quốc hội thông qua; chủ động nghiên cứu, dự thảo các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi; tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển, nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán.
Theo đó, UBCK sẽ xúc tiến thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời triển khai các sản phẩm chứng khoán phái sinh HĐTL trên một số chỉ số mới và hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ; triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm. Đặc biệt, Chúng tôi sẽ thực hiện giải pháp góp phần sớm nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thời gian tới...