Cổ phiếu “vua” tái lập đẳng cấp
Với kết quả khả quan năm 2018 và tiếp tục đặt mục tiêu cao năm 2019, các nhà băng đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư trên thị trường, nhất là khi các mức cổ tức dự kiến chia rất hấp dẫn.
Sức mạnh được củng cố
2018 là một trong những năm hoạt động thành công nhất của ngành ngân hàng kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay. Trong năm ngoái, khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại đạt mức trung bình của khu vực Đông Nam Á khi ROA (tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản) và ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) tăng gấp đôi so với năm 2011. Cụ thể, ROA bình quân từ mức 0,56% năm 2011 tăng lên 1% năm 2018, ROE bình quân từ 6% năm 2011 lên 14% năm 2018.
Trong một phân tích mới đây, các chuyên gia của Moody's đánh giá, hầu hết các ngân hàng Việt Nam vẫn sẽ thiếu vốn để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của tiêu chuẩn Basel II, chuẩn bị có hiệu lực từ năm 2020. Do đó, việc huy động vốn, chủ yếu từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là tâm điểm chú ý của các ngân hàng Việt trong năm 2019, nhất là khi thị trường vốn Việt Nam chưa hoàn toàn phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu ngân hàng
10:32, 17/06/2019
Cổ phiếu ngân hàng còn lực hút dòng tiền?
16:24, 16/05/2019
Cổ phiếu ngân hàng chờ những nhân tố mới
15:35, 22/04/2019
Bản tin chứng khoán: Nhóm cổ phiếu ngân hàng giúp thị trường vượt mốc 1.000 điểm
06:14, 16/03/2019
Góc nhìn: Cổ phiếu ngân hàng bên lề “bữa tiệc chứng khoán”
08:57, 06/03/2019
Tuy nhiên, Moody's cho biết, các ngân hàng Việt được hãng này xếp hạng đã có khả năng sinh lời cao hơn nhờ chênh lệch lãi ròng tăng và chi phí tín dụng thấp hơn. Từ đó, chất lượng tài sản của các ngân hàng được cải thiện vì nhà băng sử dụng lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu hình thành trước đây. Cụ thể, các ngân hàng mà Moody's xếp hạng đạt được tỷ suất sinh lợi/tổng tài sản cao hơn trong 2 năm qua, từ mức 0,9% năm 2017 lên 1,1% năm 2018. Thu nhập ròng của các nhà băng tăng 35%, đạt 70 nghìn tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD) năm 2018, mặc dù có sự điều chỉnh về tăng trưởng tín dụng.
“Trong năm 2019, các ngân hàng Việt được xếp hạng sẽ đạt tỷ suất sinh lợi cao hơn nữa, vẫn nhờ sự chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động ngày càng lớn, trong khi chi phí tín dụng thấp hơn”, Rebaca Tan, chuyên viên phân tích tại Moody’s cho biết.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các ngân hàng Việt Nam có khả năng sinh lời cao hơn so với các ngân hàng ở các thị trường cận biên, với ROE trung bình ở mức 19,8% và tăng trưởng lợi nhuận trung bình 23,2% trong giai đoạn 2018 - 2020 (so với mức 15,9% của các ngân hàng ở các thị trường cận biên). Thực tế, lợi nhuận của các tổ chức tín dụng năm 2018 tăng 40 - 50% so với năm 2017, trong khi tốc độ tăng vốn có sự phân hóa khiến tỷ suất sinh lời ROE trung bình của hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng so với năm trước đó.
Tốc độ tăng của lợi nhuận nhanh hơn tốc độ tăng của vốn giúp mặt bằng ROE bình quân đến cuối năm vừa qua đạt từ 19 - 21%. ROE năm 2018 của nhóm 6 ngân hàng: VPBank, MB, Techcombank, ACB, TPBank, Vietcombank đạt từ 19,4% đến 27,7%. Trong khi đó, VPBank là ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao thứ hai trong hệ thống sau Techcombank, nhưng lại xếp trên ngân hàng này về tỷ suất sinh lời với ROE năm 2018 đạt 22,8%.
Với bức tranh lợi nhuận nhiều màu sáng của các ngân hàng năm 2018, cổ phiếu ngân hàng, vốn được mệnh danh là cổ phiếu vua trở thành một trong những nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường và dự báo sẽ tiếp tục dẫn dắt trong năm 2019. Số liệu của FiinPro cho thấy, cổ phiếu ngân hàng đã đạt mức tăng trưởng 3 con số trong 5 năm qua, tăng 154,1% so với mức tăng 2 con số của VN-Index là 96,5%.
Hiện có 10 cổ phiếu ngân hàng niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), với tổng giá trị vốn hóa hơn 644.340 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22%. Trong đó, có 3 ngân hàng lọt Top 10 doanh nghiệp vốn hoá lớn nhất thị trường gồm Vietcombank, BIDV và Techcombank. Nhìn rộng trong Top 20, danh sách có thể ghi thêm các tên tuổi như VietinBank, VPBank, MBBank, HDBank. Tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và UPCoM, hiện có các mã cổ phiếu ngân hàng là ACB, VIB, LienVietPostBank... Có thể thấy, sức ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu “vua” đối với thị trường chứng khoán Việt Nam là không hề nhỏ.
Triển vọng phân hóa mạnh
Động lực tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong 3 tháng đầu năm 2019 đến từ những triển vọng tích cực của ngành, khi nhiều ngân hàng ghi nhận lãi lớn trong quý I. Chẳng hạn, TPBank vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2019, lợi nhuận trước thuế đạt 853 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu năm 2019 của TPBank là đạt hơn 3.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Theo chu kỳ, vào quý đầu năm, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thường có phần trầm lắng, thế nhưng các nhà băng vẫn lạc quan về tình hình kinh doanh 3 tháng đầu năm 2019, cũng như kế hoạch đưa ra cho cả năm nay.
Tại OCB, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2019 dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) ở mức 3.200 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức thực hiện của năm 2018 là hơn 2.200 tỷ đồng. Riêng quý I/2019, theo kế hoạch đưa ra, OCB dự kiến thu về khoảng 800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong khi đó, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cho hay, kết quả kinh doanh quý I/2019 của Ngân hàng có triển vọng tích cực. Tuy chưa có số liệu kiểm toán, nhưng thu nhập thuần của VIB trong quý I/2019 tăng 60 - 70% so với cùng kỳ năm 2018.
Không riêng các nhà băng kể trên, nhiều ngân hàng kỳ vọng mục tiêu lợi nhuận ở mức cao, như Vietcombank 20.000 tỷ đồng năm 2019 và 1 tỷ USD năm 2020, HDBank 5.000 tỷ đồng, ACB gần 7.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế... Bên cạnh đó, các yếu tố như tăng trưởng tín dụng và phương án xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 được kỳ vọng sẽ mang đến những chuyển biến tích cực cho toàn ngành. Nợ xấu giảm, dự phòng rủi ro không tăng lên, ngược lại còn được hoàn nhập… sẽ ảnh hưởng tích cực tới lợi nhuận của các nhà băng.
Theo dự báo của các công ty chứng khoán và chuyên gia, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng 20 - 33% năm 2019, thậm chí có thể lên tới 40%. Với diễn biến này, sức hút của nhóm cổ phiếu vua là không thể chối cãi. Tuy nhiên, triển vọng tăng giá của cổ phiếu sẽ phân hóa mạnh theo tình hình “sức khỏe” của mỗi nhà băng.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định, dù đã có giai đoạn giao dịch trầm lắng, thậm chí đi xuống, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam vẫn hấp dẫn hơn so với cổ phiếu ngân hàng trong khu vực. Khi so sánh tương quan giữa P/B (tỷ lệ giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách) với ROE bình quân 5 năm trở lại đây, cổ phiếu ngân hàng Việt đắt hơn so với các quốc gia trong khu vực, nhưng khi so sánh mức định giá hiện tại với ROE năm 2019, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam hiện đang ở dưới giá trị.
Trong thời gian tới, cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân hóa rõ nét, giới đầu tư phải quan sát kỹ lưỡng hơn để đoán định được diễn biến của thị trường, bởi rõ ràng, nhóm cổ phiếu vua tác động không nhỏ tới VN-Index.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, năm 2019, chi phí dự phòng, hiệu quả kinh doanh, hệ số NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) sẽ phân hóa giữa các ngân hàng. Bên cạnh đó, việc đầu tư, nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi và đầu tư vào ngân hàng số sẽ khiến các nhà băng khó có thể tiết kiệm chi phí hoạt động trong vài năm tới. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, mỗi nhà băng phải tìm chiến lược thích hợp để có thể đạt hiệu quả hoạt động kinh doanh tích cực nhất. Trong quá trình này, lợi thế vẫn thuộc về các tên tuổi lớn như Vietcombank và sự phân hóa sẽ càng rõ nét.
Điều này cũng được thể hiện qua kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong năm qua. Trong đó, nhiều nhà băng đạt lợi nhuận “khủng” như Vietcombank đạt hơn 18.000 tỷ đồng lợi nhuận, Techcombank đạt gần 10.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; ACB đạt gần 6.400 tỷ đồng, VPBank hơn 9.200 tỷ đồng… Trong khi đó, không ít ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro cao, “ăn mòn” lợi nhuận, với những tên tuổi như Agribank, VietinBank, BIDV...
Hiện tại, theo Công ty Chứng khoán VietinBank, khả năng duy trì đà tăng điểm của chỉ số VN-Index là khá tốt, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang nhận được nhiều thông tin hỗ trợ tích cực từ vĩ mô cho tới vi mô, nhất là việc khối ngoại liên tiếp mua ròng khá mạnh kể từ đầu năm. Nhìn nhận về nhóm cổ phiếu ngân hàng, ông Nguyễn Hoàng Việt, phụ trách phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán VietinBank cho rằng, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều đã được chiết khấu về một mặt bằng giá mới rẻ hơn nhiều so với đầu năm 2018. Điều này góp phần tạo nên sức hấp dẫn của nhóm cổ phiếu vua.
Cùng chung quan điểm, giới phân tích tài chính nhận định, với kỳ vọng kinh tế trong nước tiếp tục duy trì sự ổn định ít nhất trong 12 - 18 tháng tới, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng được đánh giá tích cực. Yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sự kỳ vọng của nhà đầu tư chính là lợi nhuận năm 2019 có thể không đột phá như hai năm vừa qua. Cùng với đó, câu chuyện “nới room” và tăng vốn điều lệ cũng sẽ là chủ đề lớn cần được theo dõi khi dự báo thị giá cổ phiếu ngân hàng. Với mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại, nhóm cổ phiếu ngân hàng có sức hấp dẫn lớn và là một trong những tâm điểm đầu tư năm nay. Theo đó, các cổ phiếu VCB, ACB, MBB, TCB… được quan tâm theo dõi về giá và chờ cơ hội đầu tư đối với nhóm STB, CTG, HDB...
Trong thời gian tới, không ít nhà băng sẽ đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE như OCB, Nam A Bank và VIB, LienVietPostBank chuyển từ UPCoM sang sàn HOSE. Đây sẽ là một trong những tâm điểm chú ý của nhà đầu tư khi xem xét danh mục để bỏ vốn, bởi tính hấp dẫn và đẳng cấp của cổ phiếu “vua”.
Dù lạc quan với triển vọng tích cực của nhóm ngân hàng, nhưng giới đầu tư vẫn cần thận trọng xem xét các rủi ro. Theo đó, việc nhiều ngân hàng lớn báo lãi con số kỷ lục năm 2018 đang tạo áp lực cho năm 2019, khi các nhà băng khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao, thậm chí có khả năng tốc độ chậm lại hoặc giảm do Ngân hàng Nhà nước không có chủ trương duy trì mặt bằng tăng trưởng tín dụng cao như giai đoạn 2014 - 2018.
Hơn nữa, việc áp dụng Basel II khiến các nhà băng phải nhanh chóng tăng vốn, một trong những phương pháp là phát hành lượng lớn cổ phiếu, tạo rủi ro pha loãng giá cổ phiếu. Chưa kể, các nhà băng sẽ phải chuyển dịch mảng hoạt động kinh doanh từ cho vay tín dụng sang cung cấp các dịch vụ ngân hàng. Việc này có thể làm suy giảm lợi nhuận của ngành trong ngắn hạn. Đáng chú ý, bức tranh nợ xấu ngành ngân hàng vẫn là một ẩn số trong năm 2019, trong bối cảnh giới đầu tư toàn cầu đang tỏ ra thận trọng về nguy cơ khủng hoảng toàn cầu có thể nhen nhóm.