Margin: “Con dao hai lưỡi"

Theo ĐTCK 23/09/2019 10:52

Không thể tin, tức giận, ngao ngán..., rồi đến “chấp nhận” là những cảm xúc mà người viết ghi nhận được khi tìm hiểu tại một số công ty chứng khoán bị thiệt hại trong vụ cổ phiếu FTM bị bán giải chấp.

Trong vụ việc trên, có công ty chứng khoán thiệt hại vài chục tỷ đồng, có công ty chỉ thiệt vài tỷ đồng, có công ty may mắn hơn khi có tài sản đảm bảo không phải là cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex), cũng có ngân hàng bị ảnh hưởng vì hợp đồng hợp tác 3 bên: công ty chứng khoán - ngân hàng - nhà đầu tư.

Với mỗi mức thiệt hại, mỗi công ty chứng khoán có thái độ khác nhau, đơn vị bị mất ít tiền “tặc lưỡi” chấp nhận, đơn vị mất nhiều hơn thì đeo đuổi vụ việc...

Không đơn vị nào muốn lộ danh tính lúc này. Dù vậy, hiện gần hết quý III, danh sách công ty bị ảnh hưởng sẽ sớm xuất hiện, khi các công ty phải trích lập dự phòng nợ xấu cho cổ phiếu FTM.

Như Báo Ðầu tư Chứng khoán đã đưa tin, ở FTM có nhiều dấu hiệu bất thường mà giới đầu tư trên thị trường cho rằng, đáng lẽ ra các công ty chứng khoán phải nhận biết được từ trước.

Cụ thể, biến động nhân sự cấp cao, sự xuất hiện của hàng loạt cổ đông lớn, thanh khoản và giá cổ phiếu tăng trong bối cảnh thị trường ảm đạm, doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, lợi nhuận quý IV/2018 giảm sâu, lợi nhuận quý I/2019 âm…

Với hiện trạng hoạt động của FTM như vậy, các công ty chứng khoán vì sao không dừng cho vay giao dịch ký quỹ (margin) ở thời điểm doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý I/2019, mà phải để đến khi có báo cáo tài chính bán niên soát xét bị lỗ và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đưa cổ phiếu ra khỏi danh mục ký quỹ thì mới đồng loạt bán giải chấp?

Thậm chí, gần đây, một số công ty chứng khoán vẫn chưa kịp phản ứng với các thông tin trên, cổ phiếu FTM đổ đèo 4 phiên giao dịch đầu tiên trong chuỗi giảm sàn gần 1 tháng qua thì mới “tá hỏa”, các phiên sau đó mới có sự lan toả ở các công ty chứng khoán, lệnh bán giá sàn chiếm đến 50 - 60% lượng cổ phiếu lưu hành của Công ty.

Lệnh bán giải chấp chất đống, không có lệnh mua đỡ giá thì cổ phiếu “lau sàn” kéo dài là lẽ đương nhiên.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán cho biết, đôi khi hành động của công ty (cho vay margin) bị muộn và việc doanh nghiệp thua lỗ trong một quý không hẳn là bất thường, vì có thể họ sẽ lãi trở lại trong quý sau. Nếu doanh nghiệp có một quý thua lỗ mà cắt margin cổ phiếu ngay thì trên thị trường có rất nhiều mã bị như vậy.

Giám đốc một công ty chứng khoán bị thiệt hại khác trong vụ FTM cho rằng, bán giải chấp sẽ xảy ra khi tài khoản ký quỹ rơi vào tình trạng vượt ngưỡng an toàn, lúc này lệnh bán tự động xuất hiện. Còn xét về tình hình kinh doanh, một quý âm chưa thể nói lên hết thực trạng hoạt động của doanh nghiệp.

Chưa kể, công ty chứng khoán sẽ lên danh mục cho vay ký quỹ dựa trên danh mục cho phép giao dịch ký quỹ của Sở.

Mặt khác, công ty chứng khoán chịu sức ép từ phía đội ngũ môi giới, họ kiếm được khách hàng, mang thương vụ cho vay margin về cho công ty thì cũng rất khó từ chối, vì cổ phiếu vẫn nằm trong danh mục được phép ký quỹ.

Trên thực tế, đã có nhiều công ty chứng khoán chia sẻ quan điểm về việc xây dựng danh mục cho vay ký quỹ, có công ty kiên quyết với những tiêu chí quản trị chặt chẽ, chấp nhận mất thị phần và cả sức ép, sự tức giận, thậm chí là rời bỏ công ty của một số nhân viên đưa ra thương vụ cho vay ký quỹ có mức rủi ro cao.

Có thể bạn quan tâm

  • FTM và bài học “đổ vỏ” khi cho vay margin

    FTM và bài học “đổ vỏ” khi cho vay margin

    11:29, 20/09/2019

  • Ai đã “thao túng” giá cổ phiếu FTM?

    Ai đã “thao túng” giá cổ phiếu FTM?

    05:01, 20/09/2019

  • Vì sao cổ phiếu FTM liên tục “lau sàn”?

    Vì sao cổ phiếu FTM liên tục “lau sàn”?

    11:01, 19/09/2019

Có công ty chứng khoán xây dựng các tiêu chí cho vay margin “thoáng” hơn.

Nhưng tựu trung, các công ty chứng khoán đều thừa nhận, áp lực “từ chối cấp margin” khi cổ phiếu vẫn nằm trong danh mục cho phép ký quỹ của Sở giao dịch không hề hiếm gặp. Vì vậy, dù có nghiệp vụ quản trị rủi ro tốt đến mấy, cũng khó có thể tránh hết những tình huống bất ngờ, gây ra thiệt hại.

Trong khi đó, ở một công ty chứng khoán khác, có thiệt hại trong vụ FTM, lãnh đạo công ty cho biết, công ty “khá đau” và mất mát kha khá trong bối cảnh thị trường như hiện nay.

Ở công ty chứng khoán này, đội ngũ của công ty đã đi thăm trực tiếp nhà máy và đánh giá FTM là đơn vị sản xuất, có hệ thống nhà máy tốt.

Lúc niêm yết, FTM được nhìn nhận là doanh nghiệp có tiềm năng, có năng lực sản xuất lớn ở miền Bắc, được tư vấn niêm yết bởi đơn vị uy tín, báo cáo tài chính được kiểm toán bởi Big 4...

Các công ty chứng khoán cũng nhìn vào đó mà tin tưởng cho vay giao dịch ký quỹ đối với cổ phiếu FTM.

ảnh 1

Dư nợ cho vay margin tại thời điểm 30/6/2019 của các công ty chứng khoán.

Trên thị trường chứng khoán, không ít cổ phiếu từng rơi vào tình huống giảm giá bất khả kháng, có mã giảm giá mạnh từ 3x về mệnh giá, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện vay giao dịch ký quỹ đã nhanh chóng ngồi lại, chia sẻ tình hình hoạt động kinh doanh với công ty chứng khoán, đưa ra giải pháp giảm nợ một phần và khoanh lãi, nợ.

“Khó khăn thì cùng nhau giải quyết, đừng có đi lừa nhau”, lãnh đạo một trong số hơn 10 công ty chứng khoán bị thiệt hại trong vụ FTM nói và thừa nhận, công ty đã chủ quan với các thông tin về FTM.

Một công ty chứng khoán khác cho hay, danh mục ký quỹ của họ được xây dựng dựa trên các tiêu chí riêng và FTM không lọt vào danh mục.

Nhưng trong hợp đồng hợp tác 3 bên (công ty chứng khoán - ngân hàng - khách hàng) có một danh mục được cho phép ký quỹ, ngoài danh mục của công ty chứng khoán và thường thì ngân hàng sẽ là đơn vị cấp nguồn cho danh mục đó.

Trong trường hợp này, ngân hàng cấp dịch vụ đang bị tác động, chứ không phải công ty chứng khoán.

Thực tế, dòng tiền margin luôn được thị trường coi trọng, góp phần bơm thêm tiền vào thị trường chứng khoán, giúp giao dịch sôi động hơn, nhưng ngược lại, rủi ro cũng liền kề, cho cả nhà đầu tư và công ty chứng khoán. Bán giải chấp là điều mà cả 2 bên đều không mong muốn, vì kết quả từ trước đến nay luôn mang lại thiệt hại hơn là có lợi.

Thông thường, các công ty chứng khoán sẽ có tính toán để đưa ra tỷ lệ margin an toàn, ưu tiên cấp margin cho các cổ phiếu bluechip, đầu ngành, vì dù có điều chỉnh giảm giá thì vẫn trong tỷ lệ cho phép.

Bản thân các doanh nghiệp đó có hoạt động kinh doanh tốt, nên cổ phiếu giảm cũng sẽ sớm hồi phục khi kết quả kinh doanh tốt lên.

Nhưng trên thị trường, khẩu vị đầu tư rất khác nhau, chiến lược của mỗi công ty chứng khoán cũng rất khác nhau, nên dĩ nhiên, có nhiều cổ phiếu thuộc các phân khúc khác nhau vẫn được cấp cho vay ký quỹ.

Với một công ty chứng khoán, môi giới và cho vay margin gần như là hoạt động cốt lõi của công ty.

Trên toàn thị trường, dòng tiền margin của các công ty chứng khoán biến động theo từng thời kỳ, nhưng gần đây dao động trong khoảng 40.000 - 50.000 tỷ đồng. Ðể đẩy mạnh thị phần, gia tăng doanh thu môi giới, thì chính sách margin cũng phải song hành.

Lãi suất margin, thủ tục vay và độ đa dạng của danh mục ký quỹ là những công cụ cạnh tranh của các công ty chứng khoán.

Trong hoạt động bơm vốn ra thị trường, nét mới gần đây là bảng xếp hạng thị phần đang được sắp xếp lại khi xuất hiện nhiều công ty chứng khoán 100% vốn ngoại như KIS, MAS, YSVN, KBVN…, vốn là những đơn vị “mạnh vì tiền”, với chi phí sử dụng vốn rẻ hơn hẳn so với các công ty chứng khoán trong nước.

Cho vay margin mang lại lợi nhuận đáng kể cho các công ty chứng khoán, nhưng cũng để lại những rủi ro không nhỏ nếu dòng tiền vay bị trục lợi trên nền cổ phiếu yếu được sử dụng làm tài sản cầm cố.

Vụ việc FTM chưa có hồi kết, nhưng nếu các công ty chứng khoán cùng mất trong vụ này thì đây là bài học không nhỏ cho thấy, không ít công ty có khoảng hở trong công tác quản trị rủi ro.

Theo ĐTCK