Cổ phiếu SAB còn giảm tiếp?
Dù Bộ Công thương đã bác bỏ tin đồn SABECO đã được bán cho một nhà đầu tư Trung Quốc, nhưng thị trường vẫn phản ứng tiêu cực với cổ phiếu của doanh nghiệp này.
Cụ thể trong phiên giao dịch ngày 3/10, cổ phiếu SAB tiếp tục giảm 1,1% xuống 262.000đ/cp với tổng khối lượng khớp lệnh 7.300 cổ phiếu. Không dừng lại đó, đến phiên giao dịch ngày 4/10, cổ phiếu này tiếp tục giảm 1,53% xuống 258.000đ/cp với tổng giá trị giao dịch 17.600 cổ phiếu.
Với hơn 641 triệu cổ phiếu niêm yết, tính riêng trong 2 phiên giao dịch vừa qua, giá trị vốn hóa của SABECO đã "bốc hơi" hàng nghìn tỷ đồng.
Một chuyên gia chứng khoán cho rằng, nhiều khả năng cổ phiếu SAB vẫn còn giảm tiếp trong tuần tới. Hiện cổ phiếu SAB đang có mức hỗ trợ quan trọng tại 243.000đ/cp (MA100 trên biểu đồ tuần). Nếu giảm xuống dưới mức này, thì có thể sẽ tiếp tục giảm xuống vùng 230.000- 240.000đ/cp.
Có thể bạn quan tâm
SABECO vẫn lãi nghìn tỷ trước tin đồn thuộc sở hữu của nhà đầu tư Trung Quốc
13:30, 03/10/2019
Bộ Công Thương bác tin đồn nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm Sabeco
21:09, 02/10/2019
Khởi tố thêm bị can liên quan đến sai phạm tại khu "đất vàng" của Sabeco
06:03, 28/08/2019
Sabeco tăng trưởng khả quan từ khi về tay người Thái
07:21, 15/08/2019
Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của SABECO đạt 18.570 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 2.819 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018.
Ban lãnh đạo SABECO cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để cải thiện tình hình hoạt động của công ty, trong đó tập trung cắt giảm chi phí hoạt động và tăng doanh thu bán hàng. Trong quí II/2019, Công ty đã cắt giảm được chi phí vận chuyển và chi phí đóng gói giúp biên lợi nhuận tăng 1,2% so với cùng kỳ.
Theo Ban lãnh đạo của SABECO, doanh nghiệp này vẫn có thể cắt giảm thêm chi phí, cụ thể là hoạt động vận chuyển có thể được tối ưu hóa lộ trình nhờ hệ thống mới sắp được áp dụng.
Để gia tăng doanh thu, Công ty cũng đang cố gắng giành lại thị phần từ các đối thủ cạnh tranh ở các thành phố lớn như TP HCM, Đà Nẵng... thông qua nhiều chiến dịch quảng cáo mới. Ngoài ra, Công ty cũng tung ra các mẫu sản phẩm mới, đồng thời tái xác lập vị thế của nhãn hàng, thực hiện các chương trình triển khai hệ thống quản lý nhà kho và tăng công suất các nhà máy bia thuộc SABECO… Hiện công ty đã sử dụng khoảng 90% tổng năng lực sản xuất, tiến tới lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho một số các nhà máy...
Tuy nhiên, không chỉ đối mặt với thách thức giảm giá cổ phiếu, mà SABECO còn đối mặt áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. Về mặt thị phần, SABECO tiếp tục là đơn vị dẫn đầu về sản lượng bia với 1,38 tỷ lít. Heineken Việt Nam đã vượt qua HABECO để vươn lên vị trí thứ 2 về sản lượng trong ngành bia với 729 triệu lít (mức của Habeco chỉ là 667,8 triệu lít). Công ty Carlsberg – Việt Nam đạt 229 triệu lít. Như vậy, chỉ riêng 4 doanh nghiệp sản xuất bia lớn là SABECO, Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam, HABECO và Carlsberg – Việt Nam đã chiếm 88,4% thị phần trong ngành bia... Đây chính là đối thủ đáng gờm của SABECO trong thời gian tới...
Bên cạnh đó, về dài hạn, bia ngoại nhập cũng sẽ trở thành đối thủ lớn đối với SABECO. Trong ngắn hạn, các hãng bia lớn của thế giới chỉ chọn dòng sản phẩm cao cấp để phát triển tại Việt Nam, chứ không phải là phân khúc bia phổ thông do thị phần dòng sản phẩm bia phổ thông đang tập trung chủ yếu vào 2 doanh nghiệp nội là SABECO và HABECO. Tuy nhiên, các dòng sản phẩm bia cao cấp có tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều dòng bia phổ thông. Theo dự báo trong 10 năm tới, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng gấp 2-3 lần, đây sẽ là yếu tố cốt lõi giúp phân khúc bia cao cấp ngày càng phát triển. Do đó, về dài hạn, chắc chắn SABECO cũng phải tính tới việc cạnh tranh ở phân khúc này.