Thanh khoản yếu, cổ phiếu PLX khó phục hồi ngắn hạn
Trong thời gian qua, giá cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) đã liên tục điều chỉnh giảm mạnh, với thanh khoản thấp.
Tính từ vùng đỉnh 65.000 đồng/cổ phiếu, thị giá cổ phiếu PLX đã giảm xuống còn 55.600 đồng trong phiên giao dịch ngày 10/12. Theo đó, vốn hóa của PLX đã giảm tới hàng nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, kể từ khi thiết lập đỉnh ở mức 65.000 đồng/cổ phiếu, Tập đoàn này đã đẩy ra thị trường 20 triệu cổ phiếu quỹ, khiến giá cổ phiếu này "lao dốc" và nhiều nhà đầu tư bị kẹt hàng triệu đơn vị cổ phiếu PLX do không kịp thoát được hàng.
Bên cạnh đó, thanh khoản của cổ phiếu này cũng là điều đáng bàn, bởi lượng giao dịch cổ phiếu rất nhỏ giọt, chẳng hạn như phiên giao dịch ngày 6/12 vừa qua, khối lượng khớp lệnh chỉ đạt 19,6 ngàn cổ phiếu với tổng giá trị giao dịch 1.222 tỷ đồng... Đặc biệt khối lượng giao dịch cổ phiếu PLX có xu hướng giảm trong năm qua. Nếu như khối lượng giao dịch bình quân trong 1 năm qua của PLX đạt 752.248 cổ phiếu/phiên, thì khối lượng giao dịch bình quân trong 3 tháng qua chỉ 278.795 cổ phiếu/phiên, khối lượng giao dịch bình quân trong 1 tuần qua chỉ đạt 125.213 cổ phiếu/phiên.
Theo ông Nguyễn Hữu Phát- Nhà đầu tư sàn MBS, sau sự cố cổ phiếu PLX bị cắt magrin, nhà đầu tư mất niềm tin vào cổ phiếu này, dù sau đó cổ phiếu này đã được HOSE cấp magrin trở lại. Chính điều này làm cho thanh khoản cổ phiếu PLX giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 19/10 báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ánh về tình trạng thiếu minh bạch ở Tập đoàn này sau khi có ý kiến ngoại trừ của Công ty Kiểm toán KPMG. Theo đó, PLX đã phát hành lại báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu 2019. Mặc dù vậy, điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thiếu minh bạch trong quản trị tài chính của PLX.
Dù trong báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm được PLX phát hành lại, ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán KPMG cũng đã được loại bỏ, nhưng nhiều nhà đầu tư đang lỗ nặng từ sự cố nói trên, khi giá cổ phiếu PLX liên tục giảm mạnh trong thời gian qua.
Có thể bạn quan tâm
Nguy cơ “pha loãng” cổ phiếu PLX
05:01, 01/07/2019
Toan tính của PLX khi “xả” cổ phiếu quỹ?
11:05, 17/12/2018
Cựu chủ tịch Petrolimex Bùi Ngọc Bảo bị cách hết chức vụ trong Đảng
21:07, 05/11/2019
Thiếu minh bạch ở Petrolimex
06:40, 19/10/2019
Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, PLX sẽ phải thoái vốn từ 75,86% xuống còn 51% trong năm 2018. Tuy nhiên, do các yếu tố bất lợi, nên Tập đoàn này đã đề nghị giãn tiến độ thoái vốn sang năm 2019-2020, với phương án giảm tỷ lệ vốn góp Nhà nước thông qua hình thức phát hành tăng vốn điều lệ để có nguồn vốn đầu tư vào các dự án phát triển trọng điểm trong các năm tới của Tập đoàn. Tuy nhiên cho đến nay, việc thoái vốn Nhà nước tại PLX vẫn đang dậm chân tại chỗ.
Được biết, trong năm 2019, PLX tiếp tục thực hiện tái cấu trúc theo Đề án tái cấu trúc Tập đoàn và rà soát lại mô hình tổ chức, đặc biệt các doanh nghiệp có nhiều công ty con, chi nhánh và xây dựng phương án, lộ trình giảm vốn Nhà nước xuống 51%.
Báo cáo tài chính quý 3/2019 cho thấy PLX đạt doanh thu thuần 48.640 tỷ đồng, tăng 5% cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn tăng tương ứng, theo đó lãi gộp đi ngang với 3.378 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu tài chính giảm 26% về 259 tỷ đồng. Theo đó, PLX đạt 1.112 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 25%; phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 960 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, lợi nhuận quý 3/2019 tăng chủ yếu do hoạt động tài chính. Trong đó, tỷ giá USD/VND quý 3 bình quân giảm nhẹ 0,3% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 1,8%, giúp PLX giảm lỗ chênh lệch tỷ giá.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần của PLX giảm nhẹ về 140.302 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 14%, đạt 3.640 tỷ đồng, chủ yếu nhờ chi phí tài chính giảm mạnh từ 1.252 tỷ đồng xuống 751 tỷ đồng do giảm lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 450 tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, cổ phiếu PLX sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm trong ngắn hạn, chưa có dấu hiệu phục hồi trở lại.