Chọn ngành, chọn doanh nghiệp đáng đầu tư 2020
Sau năm 2019 khó khăn, sự thay đổi là điều mà thị trường kỳ vọng sẽ diễn ra trên TTCK trong năm 2020 để mang đến thành quả và tâm thái tích cực cho các chủ thể tham gia thị trường.
Tĩnh lặng chờ thời
Diễn biến giao dịch trong hai tuần đầu năm 2020 không quá sôi động, phần vì TTCK sắp bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhà đầu tư có tâm lý muốn nghỉ ngơi, nhưng quan trọng là chưa nhìn nhận được những cơ hội rõ ràng trong ngắn hạn.
Dù vậy, nhìn tổng quan, nhiều công ty chứng khoán vẫn đánh giá thị trường sẽ có kịch bản lạc quan trong giai đoạn quý I/2020.
Có nhiều lý do để đưa ra kịch bản này. Đầu tiên là vĩ mô ổn định và dự báo tăng trưởng GDP 2020 sẽ trên mức 6,5%.Thứ hai, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang rẻ so với nhiều thị trường lân cận, trong khi có nhiều doanh nghiệp duy trì tăng trưởng hai con số.Thứ ba, quý I thường là thời điểm tăng trưởng mạnh nhất trong năm với mức tăng trưởng trung bình là 3,27% qua các năm.Từ kỳ vọng chung, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, ngành ngân hàng, bất động sản tiếp tục là điểm đến của dòng tiền trong năm 2020, trong đó, riêng còn nhóm bất động sản có thể chỉ tăng tích cực trong quý I/2020 và sẽ khó khăn trong các quý còn lại do tình hình thị trường năm 2020 dự kiến sẽ còn khó khăn.Nhóm ngành bán lẻ, công nghệ dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020.
Với nhà đầu tư, việc lựa chọn cơ hội đầu tư trở nên khó khăn, tuy nhiên áp lực giải ngân vẫn còn đó, đặc biệt ở các quỹ đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, dòng tiền ETF gần đây cũng đã hoạt động khá tích cực và có thể là câu chuyện dòng tiền chính trong năm nay.
Trong khi việc giải ngân những mã nhỏ dự báo gặp nhiều khó khăn, thì nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể là điểm đến của dòng tiền này.
Đối với những ngành đã ghi nhận tăng mạnh trong năm 2019, liệu còn dư địa trong năm 2020? Làn sóng vốn đầu tư trực tiếp chuyển dịch từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam sẽ thúc đẩy ngành bất động sản khu công nghiệp tăng trưởng và kéo theo ngành cảng biển, vận tải.
Chưa kể, một số doanh nghiệp đang phát triển cây công nghiệp như cao su đang có xu thế chuyển hướng đầu tư khu công nghiệp, dẫn đến hoạt động khai thác cao su sẽ giảm sút.
Sẽ có nhiều ngành đi theo nhu cầu phát triển của nền kinh tế như đầu tư điện, nước, giáo dục, dạy nghề...
Ngành vận tải đường thủy, hàng không kéo theo các loại hình dịch vụ đi kèm cũng sẽ tăng trưởng theo. Vấn đề lựa chọn đầu tư xanh trong chính sách thu hút đầu tư cần được quan tâm nhiều hơn để tránh những sự cố môi trường như những năm trước.
Có thể bạn quan tâm
Chứng khoán năm 2020 có nhiều tín hiệu khả quan
04:00, 05/01/2020
Thị trường chứng khoán: Sang năm 2020 chưa có tín hiệu bứt phá!
11:00, 27/12/2019
VN-Index đã thoát đáy ngắn hạn?
11:01, 26/12/2019
Kịch bản nào cho VN-Index?
11:00, 21/11/2019
Nhận diện cơ hội đầu tư
Với một nền kinh tế đang mở rộng trên nhiều mặt như vậy, hiển nhiên lĩnh vực chứng khoán sẽ dịch chuyển theo tương đồng với vĩ mô và có rất nhiều ngành đang trong xu thế tăng trưởng như ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, logistics, cảng biển, hàng không, thép…
Đối với ngành ngân hàng, theo CTCK Quốc tế Việt Nam, nhiều khả năng tăng trưởng trong năm 2020 của nhóm ngân hàng sẽ thấp hơn 2019 vì các ngân hàng phải đẩy mạnh tăng vốn và hoàn tất áp dụng Basel II trên toàn hệ thống.
Tuy nhiên, mỗi ngân hàng sẽ có sức hút riêng, đặc biệt là nhóm ngân hàng có cổ phần nhà nước chi phối như VCB, BID, CTG…
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đang lên kế hoạch tìm giải pháp tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và sử dụng giải pháp giữ lại cổ tức để bổ sung vào nguồn vốn.
Năm 2020 cũng là cao điểm hàng loạt ngân hàng thương mại sẽ niêm yết trong đó có những nhà băng như OCB, MSB …
Vì vậy so với các nhóm ngành khác thì nhiều cổ phiếu ngân hàng có nhiều cơ hội để đầu tư hơn.
Ở nhóm ngành bán lẻ, thống kê mới nhất cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.940 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm trước.
Năm 2020, mức độ cạnh tranh sẽ rất khốc liệt và chỉ những chuỗi có nét riêng và đầu tư lớn vào AI sẽ dễ thành công hơn.
Trong những nhóm này nổi bật MWG, PNJ có nhiều kinh nghiệm và thành công nhất trong lĩnh vực kinh doanh theo chuỗi đang niêm yết trên sàn.
FRT mới còn thâm nhập sâu và cần nhiều thời gian hơn để tập trung phát triển các chuỗi mới, nhưng hiện tại vẫn rất tiềm năng ở hai chuỗi mới F-Beauty và nhà thuốc Long Châu.
Quan sát tăng trưởng theo quý từ vài năm qua có thể thấy, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đang chậm lại, đặc biệt tại các nhóm ngành sản xuất.
Đối với các ngành từng là động lực tăng trưởng như ngân hàng hoặc bất động sản, cũng dự kiến giảm tốc trong năm 2020.
Nhìn lại năm 2019, không ít nhóm ngành, dòng cổ phiếu nhất định vẫn có mức tăng giá ấn tượng, thậm chí là vượt đỉnh lịch sử và câu chuyện này sẽ vẫn là cơ hội cho năm 2020, dành cho nhà đầu tư đào sâu nghiên cứu lựa chọn cổ phiếu dự vào tiềm năng riêng của doanh nghiệp.
Vì vậy, năm 2020 cơ hội thị trường sẽ nằm ở cổ phiếu đơn lẻ chứ không lan tỏa toàn thị trường, đòi hỏi nhà đầu tư phải sàng lọc thật kỹ, “đãi cát tìm vàng”.
Theo CTCK MB (MBS), năm 2020, khả năng có sóng cho một nhóm cổ phiếu nào đó sẽ khó.
Về cơ hội đầu tư, triển vọng ngành và cổ phiếu cho năm 2020, MBS cho rằng nên tập trung vào các mảng như bán lẻ, công nghệ, ngân hàng, hàng không, nhiệt điện với các cổ phiếu được khuyến nghị: MWG, VNM, PNJ, FPT, VRE, HPG, MBB, TCB, VCB, HND, REE, POW…
Quý I/2020 vẫn là cơ hội đối với nhóm vốn hóa lớn Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích, CTCK Agribank Quý I/2020 vẫn là cơ hội đối với nhóm vốn hóa lớn, với nhóm vốn hóa thấp hơn sẽ khó tạo ra làn sóng tăng giá nếu không có câu chuyện đủ mạnh hỗ trợ. Dù vậy, khó có thể có dòng nào đủ mạnh để dẫn dắt thị trường trong năm 2020 bởi câu chuyện vẫn nằm ở từng cổ phiếu cụ thể. Xét tổng thể các doanh nghiệp trên sàn, theo chúng tôi, còn quá sớm để nhận định chu kỳ tăng trưởng mới đang đến. Vì vậy, năm 2020 cơ hội thị trường sẽ nằm ở cổ phiếu đơn lẻ chứ không lan tỏa toàn thị trường, đòi hỏi nhà đầu tư phải sàng lọc thật kỹ, “đãi cát tìm vàng”. Tôi chưa thấy ngành nào quá tiềm năng để phân bổ vốn lớn trong năm nay, trường hợp ngành khả quan thì có thể xét tới bán lẻ và công nghệ. Ngành bán lẻ được kỳ vọng nối dài chuỗi kết quả nổi bật khi thị trường bán lẻ Việt Nam đang được đánh giá là hấp dẫn nhất khu vực. Mặt bằng định giá P/E của nhóm cổ phiếu này cũng đã giảm về vùng có thể chấp nhận được. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu công nghệ trong làn sóng chuyển đổi số các doanh nghiệp trong nước và thâm nhập sâu vào thị trường gia công phần mềm tại nước ngoài, cũng sẽ là câu chuyện hấp dẫn. Đây là hai nhóm ngành tôi thấy có thể tham gia được trong năm tới. Nhà đầu tư nên lưu ý thêm nhóm cổ phiếu trễ nhịp Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược Đầu tư, CTCK KB Việt Nam (KBSV) Thị trường tài chính toàn cầu hiện nay có nhiều yếu tố bất ổn, khó lường, sẽ tiếp tục là yếu tố tiềm ẩn rui ro đối với TTCK toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục xu hướng tăng trưởng ổn định trong năm 2020 thì hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp vẫn tiếp tục thuận lợi, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Các yếu tố như việc triển khai các sản phẩm ETFs mới, nâng hạng FTSE, kỳ vọng vào công tác cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, hay đầu tư công của Chính phủ sẽ tạo kỳ vọng và tâm lý tích cực cho nhà đầu tư. Nhìn chung, dù không quá lạc quan, nhưng tôi cho rằng TTCK Việt Nam trong năm 2020 sẽ diễn biến tích cực hơn so với 2 năm trước, dù diễn biến các nhóm cổ phiếu sẽ có sự phân hóa mạnh dựa vào triển vọng tăng trưởng của từng ngành, doanh nghiệp. Các cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn. Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp (có thể) đón nhận dòng tiền lớn từ khối ngoại nhờ việc ra đời các ETFs mới, triển khai NVDR (chứng chỉ không có quyền biểu quyết) và triển vọng nâng hạng của TTCK Việt Nam. Các nhóm doanh nghiệp này phần đông đều là các doanh nghiệp Large Cap (vốn hóa lớn), hiện đang nằm trong rổ Vietnam Diamond, Vietnam Financial Select và Vietnam Leading Financial… hoặc có cơ hội gia tăng tỷ trọng trong các rổ ETFs quốc tế nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng. Nhà đầu tư nên lưu ý thêm nhóm cổ phiếu trễ nhịp, diễn biến tiêu cực trong năm 2019 (GAS, VNM, PVD, PVS, HPG, MSN, CTD…). Tuy nhiên, chỉ những doanh nghiệp cho thấy triển vọng quay trở lại xu hướng tăng trưởng mới có khả năng duy trì được đà hồi phục bền vững về mặt bằng giá cổ phiếu. Trong nhóm này, chúng tôi ưu tiên các doanh nghiệp ngành dầu khí, nguyên vật liệu. Nhóm cổ phiếu phòng thủ cũng là lựa chọn cần thiết khi thị trường có thể có những biến động mạnh trong giai đoạn cuối năm 2020. Chúng tôi nhìn thấy những cơ hội hấp dẫn ở các cổ phiếu ngành điện (POW, PC1, REE…) trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung điện nhưng nguồn cầu vẫn tăng cao. Nhóm cổ phiếu xây dựng cơ sở hạ tầng, tiêu biểu như CII, FCN, HUT, IJC... |