Dịch virus Corona tác động tiêu cực đến nhóm cổ phiếu nào?
Theo SSI, dịch virus Corona đang có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp, nên cổ phiếu của một số nhóm ngành sẽ chịu tác động tiêu cực.
Việt Nam trong những năm qua đã đẩy mạnh kết nối thương mại quốc tế, tổng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu/GDP chiếm tỷ lệ cao (196,6%). Do đó, bất kỳ sự gián đoạn nào đến từ các nhà cung ứng quan trọng như Trung Quốc có thể sẽ là thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Trên thực tế, Việt Nam đã đóng cửa một số cửa khẩu đến Trung Quốc (ví dụ Lào Cai, Lạng Sơn,…) cho đến ngày 08/02/2020 – đồng nghĩa với việc hạn chế giao thương giữa Trung Quốc và Việt Nam ở một mức độ nhất định. Thêm vào đó, Việt Nam đã thực hiện hạn chế cấp thị thực đối đối với những khách đến từ các khu vực tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi virus Corona. Theo đó, hoạt động xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và hoạt động du lịch sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi từ những sự kiện nêu trên, ít nhất là trong ngắn hạn. Do vậy, theo SSI, GDP quý 1 có thể sẽ găp nhiều thách thức.
Kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 3/2, chỉ số VN-Index giảm 37,84 điểm (4,04%) xuống 898,78 điểm; HNX-Index giảm 2,59% xuống 99,72 điểm và UPCom-Index giảm 1,81% xuống 54,13 điểm. Tại mức điểm này, vốn hóa HoSE "bay hơi" 5,4 tỷ USD. Tính 3 phiên giao dịch từ Tết nguyên đán tới nay, vốn hóa thị trường đã mất đi 13,5 tỷ USD.
Theo SSI, các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành sau đây sẽ chịu tác động tiêu cực bởi dịch virus Corona:
Thứ nhất là ngành dệt may. Dịch virus không có tác động trực tiếp đến nhu cầu các sản phẩmmay mặc, vì hầu hết các công ty may mặc trong nước không xuất khẩu sang Trung Quốc, tuy nhiên, GDP Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể gây tác động tiêu cực trong dài hạn đến tiêu dùng. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc đóng cửa trong tháng 1 và tháng 2 năm nay. Hiện tại, Trung Quốc là thị trường cung cấp vải nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam.
Thứ hai là ngành thủy sản. Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc có thể giảm sút do xu hướng tiêu dùng bên ngoài có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ virus Corona. Trong năm 2019, thị trường Trung Quốc chiếm 16,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, chiếm 16,1% xuất khẩu tôm và 33% xuất khẩu cá tra. Bên cạnh đó, Nghỉ Tết nguyên đán kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu trong quý1/2020.
Có thể bạn quan tâm
Cổ phiếu VNM bị bán tháo vì dịch cúm Corona
04:00, 03/02/2020
Cổ phiếu ngành dược, y tế tăng trần giữa "tâm bão" Corona
04:00, 01/02/2020
Cổ phiếu hàng không giảm sàn hàng loạt vì cúm Corona
04:00, 31/01/2020
Thứ ba là ngành sữa. Theo SSI, nhu cầu đối với sản phẩm sữa có thể không chịu ảnh hưởng từ virus Corona, thậm chí sẽ tăng. Sản phẩm từ sữa được coi là nguồn cung cấp protein và thuận tiện để tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng sẽ hạn chế đến những nơi công cộng và giảm các hoạt động ăn uống bên ngoài. Tuy nhiên, sự bùng phát virus Corona có thể ảnh hưởng đến các hoạt động logistics, qua đó ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng, đặc biệt là xuất khẩu sang Trung Quốc có thể tiếp tục bị trì hoãn. Ngoài ra một số doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động sản xuất kinh doanh sữa tại Trung Quốc cũng chịu tác động tiêu cực.
Thứ tư là ngành bán lẻ. SSI cho rằng lượt khách mua sắm tại các cửa hàng sẽ giảm do người tiêu dùng hạn chế đến những nơi công cộng để tránh khả năng lây nhiễm virus Corona, và người tiêu dùng sẽ chuyển hướng sang các sản phẩm bảo vệ sức khỏe cần thiết (dược phẩm) thay vì các mặt hàng như ICT. Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng có thể sẽ chuyển từ thương mại truyền thống (chợ truyền thống) sang hình thức thương mại hiện đại và mua sắm trực tuyến để đảm bảo an toàn vệ sinh.
Thứ năm là ngành bia. SSI cho rằng nhu cầu tiêu dùng bia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ virus Corona, do người tiêu dùng tránh đến những nơi công cộng, giảm tụ tập và chi tiêu bên ngoài. Ngoài ra, ngành Bia trong năm nay cũng chịu tác động tiêu cực từ Nghị định 100 liên quan đến việc hạn chế tác hại của bia rượu, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Thứ sáu là ngành dầu khí. Giá dầu Brent kết phiên ngày 30/01/2020 đã giảm 16% so với mức đỉnh tạm thời hình thành vào đầu tháng 1/2020. SSI cho rằng giá dầu giảm do nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu dầu mỏ sẽ yếu đi tại Trung Quốc, nơi mà nền kinh tế đang và sẽ chịu ảnh hưởng bởi virus Corona.
Thứ bảy là ngành cảng biển và vận chuyển. Do tiêu dùng tại Trung Quốc có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn do lo ngại dịch virus, nên các hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ chịu tác động xấu trong quý 1/2020. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lượng hàng vận chuyển qua cảng biển ở Việt Nam. Thương mại điện tử và nhu cầu chuyển phát nhanh dự kiến sẽ tăng mạnh khi mọi người hạn chế ra ngoài trong thời gian sắp tới.
Thứ tám là ngành dịch vụ sân bay và hàng không. Dịch vụ sân bay liên quan đến hàng hóa và hành khách sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Hành khách từ Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng số lượt khách của Việt Nam trong năm 2019, và con số này sẽ giảm mạnh trong ngắn hạn. Các hoạt động vận chuyển hàng hóa liên quan đến Trung Quốc cũng sẽ giảm do nhu cầu từ tiêu dùng của Trung Quốc thấp hơn và hoạt động sản xuất bị hạn chế.
Trong khi đó, tất cả các hãng hàng không có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch virus corona, vì nhu cầu đi du lịch có thể giảm, đặc biệt là hoạt động du lịch liên quan đến Trung Quốc.
Theo đó, SSI khuyến nghị giảm tỷ trọng các cổ phiếu ACV, AST, NCT, SCS…