Nhóm cổ phiếu dược có thực sự hưởng lợi từ virus COVID-19?
Sau khi có dịch COVID-19 xảy ra, trái ngược với nhiều nhóm cổ phiếu giảm điểm, thậm chí giảm sàn như cổ phiếu hàng không, nhóm cổ phiếu dược lại có dấu hiệu đi ngược lại xu hướng của thị trường.
Chỉ hai phiên đầu năm Canh Tý, cổ phiếu DHG đã tăng 13,07%, DVN tăng 24,51%, BBT tăng 17,86%, IMP tăng 9,6%..., trong khi chỉ số VN-Index giảm 5,53%. Sự tăng đồng thuận này được giới đầu tư kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ nhu cầu y tế tăng cao trong thời gian tới?
Theo tìm hiểu về nhóm cổ phiếu dược, hiện nay, nguyên liệu ngành dược chủ yếu là nhập khẩu.
Số liệu thống kê của Cục Hải quan cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2019, ngành dược đã nhập khẩu 2,545 tỷ USD dược phẩm, trung bình 245 triệu USD/tháng và dự kiến năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 3 tỷ USD. Trong đó, 9 tháng năm 2019, Việt Nam nhập khẩu thuốc 296 triệu USD ở Pháp, 241,53 triệu USD ở Đức, 183,36 triệu USD ở Ấn Độ, 131 triệu USD ở Hàn Quốc, 130 triệu USD ở Thụy Sỹ…
Trong khi đó, Việt Nam có 180 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, sản xuất trong nước chủ yếu là các dạng bào chế đơn giản, sản xuất các loại thuốc generic (sản xuất trực tiếp tiêu thụ trong nước và gia công thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài), trung bình mỗi năm tiêu thụ khoảng 60.000 tấn nguyên liệu dược phẩm các loại, trong đó 80-90% nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 389 triệu USD nguyên phụ liệu dược phẩm, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 65%, tập trung ở tại thành phố Chiết Giang, vì vậy có thể thấy ngành dược Việt Nam vẫn đang phụ thuộc khá lớn vào thị trường thế giới.
Khi nhu cầu phòng chống dịch tăng cao ở Trung Quốc và khu vực châu Á, giá nguyên liệu sẽ đẩy lên cao, cũng như tạo sự khan hiếm nếu các thuốc, thành phần thuốc có thể phòng ngừa và chữa trị được dịch Virus Corona thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng khó mà hưởng lợi.
Trên thế giới, các công ty dược nếu sản xuất ra sản phẩm có thể phòng ngừa, hoặc chữa trị Virus Corona sẽ ngay lập tức giá cổ phiếu tăng mạnh.
Đơn cử như Công ty Novacyt của Pháp cho ra mắt bộ xét nghiệm nhanh Virus Corona, bộ xét nghiệm này có thể cho ra kết quả trong vòng chưa tới 2 giờ đồng hồ, cho phép sàng lọc nhanh các mâu bệnh phẩm và hỗ trợ đắc lực quá trình kiểm soát sự lây lan của virus, cổ phiếu đã tăng 48% ngay khi công bố;
Cổ phiếu Công ty Kawamoto Corp của Nhật Bản tăng mạnh gần 600% khi doanh nghiệp sản xuất mặt nạ phòng độc, khẩu trang y tế …; hay ở Mỹ, cổ phiếu Công ty Nano Viricides cũng tăng gấp 3 lần, cổ phiếu Alpha Pro Tech, công ty sản xuất khẩu trang N95 cũng tăng hơn 128%...
Có thể thấy, các cổ phiếu dược hoặc hưởng lợi trực tiếp, hoặc tung ra sản phẩm giúp ích cho phòng chống, chữa trị Virus Corona mới được nhà đầu tư quan tâm và đẩy giá cổ phiếu lên cao.
Có thể bạn quan tâm
Cổ phiếu ngành dược, y tế tăng trần giữa "tâm bão" Corona
04:00, 01/02/2020
Mối “lương duyên” giữa DHG và Taisho
05:19, 09/03/2019
DHG chuyển hướng cùng Taisho
11:00, 03/03/2019
Ngành dược: Cổ phiếu tốt, có nên mua?
10:00, 25/06/2019
Ngành dược lại "dậy sóng" M&A?
01:48, 21/06/2019
Ngành dược Việt Nam lại đón sóng M&A
13:52, 04/05/2019
Cổ phiếu dược nào hưởng lợi?
Quay trở lại các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam, có thể thấy như Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết (MCK: BBT) chuyên cung cấp thiết bị y tế như bông, băng y tế, sản phẩm, khẩu trang y tế… Mặc dù chưa công bố kết quả kinh doanh nhưng kỳ vọng có thể hưởng lợi do nhu cầu tăng đột biến thiết bị y tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhược điểm của cổ phiếu này là thanh khoản tương đối thấp, giai đoạn trước gần như không có giao dịch.
Trái lại, CTCP Dược phẩm OPC (MCK:OPC) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dược liệu vị thuốc y học cổ truyền, thuốc đông y, thuốc dược liệu, thuốc có nguồn gốc thiên nhiên. Tính tới 31/12/2018, doanh nghiệp sở hữu 129 sản phẩm các loại, 14 thuốc phiến, trong khi đó nguyên liệu dược liệu chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc nên đã ảnh hưởng tới sự ổn định và giá cả sản phẩm, doanh nghiệp khó được lợi nhiều từ nhu cầu thiết bị y tế, trong khi thanh khoản gần như không có.
CTCP Dược Trang thiết bị Y tế Bình Định (MCK: DBD) hiện nay có cung cấp các dòng thuốc tẩy trùng và sát khuẩn như lodine 125 ml; ALCOHOL 70 – 500 ml; Gynopic; dung dịch sát khuẩn tay… thiết bị y tế như nước cát can 10l, các nồi hấp tiệt trùng…, kỳ vọng có thể hưởng lợi nhất định khi nhu cầu sát trùng tăng cao trong thời gian tới để phòng ngừa dịch.
Tuy nhiên, trong báo cáo thường niên, Dược Trang thiết bị Y tế Bình Định cho biết, các sản phẩm chính nổi bật năm 2018 cho nhóm điều trị kháng sinh, tim mạnh, TUT, thần kinh, TPBVSK. Năm 2018, tỷ trọng doanh thu dược phẩm chiếm 86,22%, thiết bị - vật tư y tế chiếm 12,86%, nguyên vật lieu – bao bì chiếm 0,85%... Điều này cho thấy, DBD có thể hưởng lợi từ dịch lần này với tỷ trọng doanh thu không quá cao, chỉ một phần nhỏ.
Nhóm doanh nghiệp có doanh thu kháng sinh như CTCP Dược Hậu Giang (MCK: DHG), CTCP Dược phẩm Hà Tây (MCK: DHT), CTCP dược phẩm IMEXPHARM (MCK: IMP). Trong đó, DHG phát triển theo hướng giữ vững vị thế generic lớn nhất Việt Nam, doanh thu năm 2018 dược phẩm chiếm 85,3%, trong đó nhóm thuốc kháng sinh chiếm từ 38-40% cơ cấu doanh thu.
Đối với DHT, doanh nghiệp chủ yếu kinh doanh dược phẩm, các loại thuốc, doanh nghiệp chủ yếu sản xuất thuốc tân dược, đông dược… nhờ công nghệ nước ngoài, chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài. IMP trong các năm qua nhóm thuốc kháng sinh, đặc trị và hạ sốt giảm đâu đóng góp trên 80% trong tổng doanh thu, đây chủ yếu là dòng sản phẩm generic…
Có thể thấy nhóm dược có doanh thu từ nhóm kháng sinh này hưởng lợi từ dịch Virus Corona là chưa rõ ràng, đa phần nguyên liệu đều phải nhập khẩu, chủ yếu là thực hiện generic và tiêu thụ trong nước, chính vì vậy biên lợi nhuận sẽ không có sự cải thiện. Thêm vào đó, hiện vẫn chưa có thuốc điều trị cho dịch Virus Corona và số người lây nhiễm ở Việt Nam vẫn rất ít, chủ yếu là người có di chuyển tới Vũ Hán.
Vì vậy, nhóm doanh nghiệp có doanh thu kháng sinh trên rất khó hưởng lợi, ngoại trừ trường hợp nếu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển ra được một sản phẩm thuốc có thể chữa trị được dịch bệnh.
Có thể thấy, giới đầu tư đang kỳ vọng vào nhóm dược hưởng lợi từ dịch Virus Corona hiện nay, tuy nhiên do các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là sản xuất trực tiếp, hoặc gia công không có bằng sáng chế thuốc, cũng như không một giải pháp nào để tăng phòng ngừa, hoặc chữa trị cho bệnh nhân nhiễm Virus Corona, nên giai đoạn đầu có thể các doanh nghiệp thiết bị y tế hưởng lợi nhưng xét về cơ cấu doanh thu và tỷ trọng là không quá lớn.
Trong khi đó, theo lịch sử các dịch bệnh trước đây, thời gian khống chế bệnh kéo dài từ 1-3 tháng là thời gian tương đối ngắn. Hiện tại, các nhà khoa học Nhật Bản đã cô lập thành công Virus Corona, các ca bệnh nhân tự khỏi bắt đầu gia tăng, kỳ vọng dịch sẽ sớm được khống chế, khi đó do phản ứng tăng thái quá, giá cổ phiếu nhóm dược khi phân tích kỹ sẽ thấy hưởng lợi hạn chế và bắt đầu bị bán ngược trở lại.