Nhóm cổ phiếu nào được hưởng lợi từ EVFTA?
Hiêp định Thương mại Tự do Việt Nam- EU (EVFTA) sẽ có tác động tích cực đến nhiều ngành của nền kinh tế Việt Nam, nên cổ phiếu của các nhóm ngành này sẽ được hưởng lợi từ FTA này.
EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đây cũng là Hiệp định toàn diện và tham vọng nhất mà EU từng ký kết với một nước đang phát triển.
Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta hiện nay.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, tăng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Còn theo dự báo của MUTRAP, khi EVFTA được thông qua, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam tới 2025 sẽ cao hơn 7- 8% so với trường hợp không có EVFTA và xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 50% cho tới năm 2020.
Các nhóm ngành được miễn thuế toàn bộ hoặc phần lớn trên 50% khi EVFTA chính thức có hiệu lực là sản phẩm cà phê, túi xách, ví, vali, mật ong tự nhiên, nông sản, sản phẩm gốm sứ, thủy tinh, nhựa. Còn 83% gỗ và sản phẩm gỗ và 74% sản phẩm điện tử máy vi tính và linh kiện được miễn thuế.
Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 07/2020 khi hai bên thông báo cho nhau về việc đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn. Thông qua hiệp định này, Việt Nam có thể bù đắp thiếu hụt từ xuất khẩu sang Trung Quốc trong quý 1/2020.
Theo đó, EVFTA cũng có những tác động tích cực trong ngắn hạn đến thị trường chứng khoán. Cổ phiếu nhóm ngành dệt may, da giày, thủy sản sẽ hưởng lợi trực tiếp từ việc EVFTA được thông qua.
Với dệt may, EU là thị trường lớn thứ 2 của ngành với mức tăng trưởng hàng năm từ 7 – 10%, chỉ đứng sau Mỹ. Năm 2018, dệt may Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4 tỷ USD sang thị trường EU.
Hiện thuế suất xuất khẩu hàng dệt may sang EU bình quân là 9,6% và khi EVFTA có hiệu lực, 42,5% dòng thuế áp dụng đối với dệt may Việt Nam sẽ giảm về 0%, còn lại sẽ giảm về 0% sau 3 – 7 năm. Một số doanh nghiệp dệt may có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang thị trường EU như CTCP đầu tư và thương mại TNG (HNX: TNG) khoảng 51,19%, CTCP Garmex Sài Gòn (HoSE: GMC) khoảng 41%, CTCP May Sông Hồng (HoSE: MSH) khoảng 30%, CTCP May Việt Tiến (UPCOM:VGG) 14% và CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE:TCM) khoảng 3,14%...
Có thể bạn quan tâm
Cổ phiếu dệt may: Từ kỳ vọng đến... thất vọng
10:00, 10/10/2019
Cổ phiếu dệt may sẽ tiếp tục "nổi sóng" nhờ CPTPP?
15:45, 16/01/2019
Cổ phiếu dệt may "ngược dòng" tình hình kinh doanh
04:30, 25/05/2018
Giá cổ phiếu thủy sản có còn tăng nóng?
11:00, 10/05/2019
Tuy nhiên, để có thể hưởng lợi từ Hiệp định, các doanh nghiệp dệt may trong nước phải tuân thủ quy tắc xuất xứ là vải sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU hoặc từ quốc gia mà Việt Nam và cả EU đều đã ký FTA như Hàn Quốc...
Đối với thủy sản, khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, 50% số sản phẩm thủy sản sẽ được lập tức giảm thuế nhập khẩu về 0%, 50% còn lại sẽ được giảm thuế về 0% theo lộ trình từ 3 – 7 năm. EU hiện đang là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ hai của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 17 - 18% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Theo VASEP, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỷ trọng, cá tra chiếm 11% và 30 – 35% tỷ trọng thuộc các mặt hàng hải sản khác.
Các sản phẩm cá tra hiện đang chịu mức thuế 9% và sẽ được giảm về 0% với lộ trình 3 năm. Các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu cá tra sang thị trường EU lớn phải kể đến CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) với 10% và CTCP Nam Việt - NAVICO (HoSE:ANV) với 13%.
Đối với sản phẩm tôm, EU chủ yếu nhập khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh và tôm chế biến từ Việt Nam. Theo cam kết, ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu của nhiều loại tôm nguyên liệu sẽ ngay lập tức giảm về 0% và chỉ có một số loại sẽ giảm về 0% trong vòng 5 năm.
Từ số liệu của Tổng cục Hải Quan, trong 4 tháng đầu năm 2019, xuất tôm Việt Nam sang EU đạt gần 184 triệu USD, giảm 25,7% so với cùng kỳ 2018. EU vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Trong đó, CTCP Camimex Group (HoSE:CMX) là doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường EU lớn nhất, lên tới 80%, tiếp đến là CTCP Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú (UPCOM: MPC) và CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE:FMC).
Hiện tại, mức thuế GSP mà EU dành cho Việt Nam đối với tôm nguyên liệu đông lạnh là 4,2% và tôm chế biến đông lạnh là 7%. Tuy nhiên, sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn xuất xứ của EU để được hưởng mức thuế này. Việt Nam có lợi thế hơn so với 2 nước đối thủ là Thái Lan và Trung Quốc vì 2 nước này không được hưởng GSP của EU.