Chứng khoán tuần từ 16- 20/3: VN-Index sẽ đảo chiều tăng?
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được kỳ vọng phục hồi trở lại trong đầu tuần này sau chuỗi ngày giảm mạnh.
Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, TTCK Châu Á tiếp tục bị bán tháo trên toàn khu vực khi tâm lý của giới đầu tư chưa thực sự ổn định do dịch COVID-19. Giảm mạnh nhất khu vực là chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 6,02%; chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 3,43%; chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Component lần lượt giảm 1,23% và 1,00%...
Tuy nhiên, các chỉ số chứng khoán Châu Âu đã bật tăng mạnh do NHTW Đức đã tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 550 tỷ EUR. Ngoài ra, NHTW Châu Âu (ECB) tuyên bố tăng quy mô chương trình nới lỏng định lượng thêm 120 tỷ EUR từ nay cho tới cuối năm 2020. Theo đó, chỉ số STOXX 600 tăng 2,6%; Chỉ số MSCI của 49 quốc gia châu Âu cũng tăng 6,5% sau khi giảm tới hơn 20% trong những phiên trước đó.
Tại TTCK Mỹ, chỉ số Dow Jones cũng tăng mạnh khi tăng tới 9,4% lên 23.185,62 điểm, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2008. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tăng 9,2%, và chỉ số Nasdaq Composite tăng 9,3%. Sở dĩ chứng khoán Mỹ tăng mạnh là do Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với dịch COVID-19 và quyết định thêm 50 tỷ USD ngân sách chống dịch, miễn trừ nhiều thủ tục để đẩy nhanh việc xét nghiệm, chăm sóc người nhiễm COVID-19. Ngoài ra, chứng khoán Mỹ còn được hậu thuẫn bởi việc FED đã bất ngờ bơm thêm 1.500 tỷ USD thông qua 3 thỏa thuận mua lại trái phiếu kho bạc và các loại chứng khoán khác với kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng.
Trong khi đó, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, TTCK Việt Nam vẫn tiếp tục giảm, nhưng cho thấy một số tín hiệu tích cực. Thanh khoản trên toàn thị trường giữ ở mức cao với hơn 4.314 tỷ đồng được khớp lệnh. Lực cầu bắt đáy tập trung ở nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ngoài ra, nhiều mã cổ phiếu giảm sàn trong các phiên giao dịch trước đó đã thu hút dòng tiền trở lại. Tuy nhiên, khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng phiên thứ 24 liên tiếp với giá trị khớp lệnh 715 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực bán của khối ngoại tập trung vào các Bluechips như HPG (111,9 tỷ đồng), MSN (97 tỷ đồng), VHM (51,2 tỷ đồng)…
Đặc biệt, FED vừa bất ngờ giảm 100 điểm phần trăm lãi suất cơ bản xuống còn 0% đến 0,25% và thực hiện một chương trình nới lỏng định lượng (QE) mới với qui mô 700 tỷ USD, trong đó mua lại trái phiếu chính phủ (500 tỷ USD) và chứng khoán bảo đảm bằng khoản vay và được chính phủ bảo lãnh (200 tỷ USD). Đây là lần cắt giảm lãi suất lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tuần nhằm giúp hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã lây lan trên toàn nước Mỹ. Điều này cho thấy FED đã lường trước được kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung đang rất xấu.
Đến nay, nhiều quốc gia đã cắt giảm mạnh lãi suất, tung ra gói kích thích kinh tế lớn… Tại Việt Nam, NHNN đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ngoài ra, việc giá xăng dầu giảm sẽ làm giảm áp lực lạm phát, kết hợp với việc FED giảm mạnh lãi suất, sẽ tạo điều kiện cho NHNN giảm một số lãi suất điều hành như lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn... như dự kiến nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có nguồn vốn giá rẻ cho vay ra thị trường. Những động thái này được kỳ vọng sẽ giải tỏa tâm lý cho nhà đầu tư, giúp thị trường phục hồi trở lại.
Theo MBS, sau chuỗi giảm mạnh với biên độ dao động lớn, thị trường phiên cuối tuần qua đã tạo mức thanh khoản cao nhất cùng cây nến dài có mức đóng cửa gần với giá cao nhất, qua đó nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào tín hiệu đảo chiều tăng của thị trường trong những phiên giao dịch tuần này.
Có thể bạn quan tâm
Chứng khoán toàn cầu “đỏ lửa”, chứng khoán Việt còn bị bán tháo?
11:22, 10/03/2020
Chứng khoán giảm mạnh, có nên "bắt dao rơi"?
05:20, 10/03/2020
Tháng 3, chứng khoán chưa kết thúc quá trình dò đáy
09:17, 09/03/2020
Tháng 3, chọn đầu tư vàng hay chứng khoán?
09:51, 02/03/2020
Chứng khoán Việt về vùng đáng mua
10:10, 28/02/2020
Ông Trần Xuân Bách, chuyên viên phân tích của BVSC cho rằng, trạng thái quá bán của các nhóm cổ phiếu trên thị trường đang xuất hiện trên diện rộng. Điều này đang ủng hộ cho khả năng thị trường sớm bước vào nhịp hồi phục ngắn hạn. Tuy nhiên, trong kịch bản hồi phục, VN-Index sẽ phải trải qua các nhịp rung lắc mạnh và có thể có thêm một vài lần kiểm định lại vùng hỗ trợ 710-740 điểm. Ngoài ra, nửa cuối tuần này sẽ là thời điểm đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 03/2020 và hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs. Do đó, thị trường có thể sẽ chịu biến động mạnh trong những phiên cuối tuần này.
“Các nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức thấp 10-20%, ưu tiên nắm giữ các mã cổ phiếu với tầm nhìn trung- dài hạn. Nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao tiếp tục canh các nhịp hồi của thị trường để bán giảm tỷ trọng. Đối với nhà đầu tư cầm tiền mặt nên hạn chế mua đuổi trong các phiên thị trường tăng mạnh. Chỉ nên mua cổ phiếu với tỷ trọng thấp khi VN-Index ở vùng hỗ trợ 700-740 điểm, ưu tiên các vị thế có sẵn trong danh mục”, ông Bách khuyến nghị.
Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số MACD, ADX, RSI, Stochastic... vẫn cho thấy tín hiệu tiêu cực. Tuy nhiên, nhiều chỉ số đã cho thấy tín hiệu vượt bán. Do đó, nếu vẫn trụ vững trên 710 điểm, VN-Index sẽ phục hồi trở lại vùng 780- 830 điểm, kế tiếp là 875 điểm (MA200 trên biểu đồ tuần). Ngược lại, chỉ số này có thể sẽ xuống 685 điểm (MA100 trên biểu đồ tháng).