Tháng 3, chứng khoán chưa kết thúc quá trình dò đáy

Diendandoanhnghiep.vn Tuần qua (2/3-6/3), chỉ số VN-Index hồi phục 9,25 điểm (+1%) sau ba tuần giảm điểm liên tiếp. Dù vậy, thị trường vẫn loay hoay trong việc dò đáy hay thoát đáy.

f

TTCK sau 3 tuần giảm điểm mạnh đã có tuần hồi phục nhẹ khi VN-Index tăng hơn 9 điểm, chốt phiên cuối tuần qua ở mức 891,44 điểm.

Tìm đáy của chứng khoán  Việt Nam

Thật khó để trả lời câu hỏi này khi tâm lý thị trường đang bị chi phối bởi những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Trên phạm vi toàn cầu, dịch COVID-19 liên tiếp có những ca nhiễm mới tại nhiều quốc gia, nhưng ổ dịch lớn nhất tại Trung Quốc đã giảm hẳn về số người chết cũng như số người nhiễm mới trong khoảng 1 tuần trở lại đây.

Tại Việt Nam, việc phát hiện ca dương tính với COVID-19 ngày 6/3 đã dấy lên mối lo ngại mới và điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK) tuần này (9-13/3). 

Đây là ca bệnh thứ 17 ở Việt Nam sau chuỗi 22 ngày cả nước không ghi nhận bệnh nhân mới. Đây cũng là ca đầu tiên trên địa bàn Hà Nội.

TTCK sau 3 tuần giảm điểm mạnh đã có tuần hồi phục nhẹ khi VN-Index tăng hơn 9 điểm, chốt phiên cuối tuần qua ở mức 891,44 điểm.

Ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho rằng, nhìn trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã thử nghiệm thành công ngưỡng hỗ trợ mạnh quanh 875 điểm (MA200 tuần) trong phiên thứ Sáu tuần trước nữa (28/2) và đã có sự hồi phục từ đây. Sau đó, thị trường đã có một tuần giằng co và tích lũy trong khoảng 880-900 điểm.

“Kết hợp các điều trên, chúng tôi cho rằng, thị trường nhiều khả năng đã hình thành đáy trong khoảng giá này. Song diễn biến mới của Covid-19 tại Việt Nam có thể tiếp tục tác động lớn đến TTCK, làm chậm lại quá trình hồi phục của thị trường trong các tuần tiếp theo”, ông Hiển nói.

Phiên giao dịch cuối tuần qua (6/3), thị trường có chuyển biến tích cực hơn.

Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, khối nhà đầu tư ngoại đang giảm quy mô bán ròng trong hai phiên gần đây và điều này khá phù hợp với diễn biến giảm của USD sau quyết định hạ lãi suất khẩn cấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần qua.

Tuy nhiên, sự thất thường của thị trường quốc tế vẫn đang là rào cản tâm lý cho nhà đầu tư Việt Nam ở giai đoạn hiện tại. “Trong ngắn hạn, diễn biến của TTCK Việt Nam sẽ chưa có nhiều khác biệt trong tuần giao dịch mới, nhưng nhìn chung xu hướng tích lũy cho một đợt hồi phục được chúng tôi đánh giá cao hơn rủi ro xảy ra kịch bản giảm sâu”, ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Tư vấn đầu tư, VNDIRECT chia sẻ.

So sánh với tương quan thị trường thế giới, đặc biệt là chỉ số Dow Jones ở thị trường Mỹ, ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, chỉ số này chưa phát ra tín hiệu tạo đáy dù Fed đã có biện pháp cắt giảm lãi suất khẩn cấp để hỗ trợ nền kinh tế.

Diễn biến này cho thấy, nhà đầu tư chưa lượng hóa được đỉnh dịch, cũng như ảnh hưởng của dịch đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

“Đối với VN-Index, chỉ số đang chạm vùng hỗ trợ mạnh tại 860-880 điểm với nền tảng định giá khá hấp dẫn của cổ phiếu Việt. Mặc dù vậy, dấu hiệu đáy ngắn hạn vẫn chưa hình thành, đòi hỏi nhà đầu tư ngắn hạn phải tiếp tục kiên nhẫn. Trong kịch bản trung bình, nếu hình thành việc tạo đáy tại hỗ trợ mạnh này, VN-Index có khả năng hồi phục lên vùng quanh 920 điểm”, ông Đức nhìn nhận.

Nhà đầu tư đang “bắt dao rơi”

Cho đến thời điểm này, dịch Covid-19 được nhiều người đánh giá có tác động tiêu cực hơn nhiều đại dịch SARS năm 2003.

Dù nhiều ý kiến cho rằng, TTCK Việt Nam đã giảm thái quá vì yếu tố tâm lý, nhưng thực tế chưa ai lường hết hậu quả của dịch COVID-19. Kể từ khi đại dịch bùng phát, VN-Index đã giảm 9,4%, không ít cổ phiếu đã giảm giá 15-30%, kể cả các mã lớn.

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, ở trường phái đầu tư giá trị, đây là thời điểm hợp lý để mua bởi nhiều cổ phiếu rẻ (so với định giá).

Tiêu chí cổ phiếu rẻ, theo ông Lân, là xét theo chỉ số thị giá trên thu nhập mỗi cổ phần (P/E) và thị giá trên giá trị sổ sách (P/B) hoặc các phương pháp phức tạp hơn. Tuy nhiên, lưu ý rằng, từ “rẻ” lúc này cũng nên chiết khấu nhiều hơn so với từ “rẻ” trước khi có đại dịch.

Đơn cử, nhìn nhận một cổ phiếu có P/E 15 lần là rẻ thì nay P/E là 10 hay thấp hơn chưa hẳn đã rẻ, vì còn phải dự phòng khó khăn của doanh nghiệp do sự ngưng trệ sản xuất vì COVID-19.

Ở bất cứ thời điểm nào, việc đầu tư cũng phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư.

Ông Ngô Thế Hiển cho rằng, trong trường hợp nhà đầu tư đã giải ngân được ở vùng giá thấp khi thị trường thử nghiệm ngưỡng hỗ trợ mạnh quanh 875 điểm thì có thể tiếp tục nắm giữ trong thời gian tới.

Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng tiền mặt cao vẫn có thể mua thăm dò trong những phiên mà VN-Index điều chỉnh. Còn đối với những nhà đầu tư cẩn trọng thì việc tạm thời đứng ngoài theo dõi diễn biến thị trường và giữ tiền cũng có thể chấp nhận được.

Trong khó khăn và thách thức, vẫn luôn tồn tại những điểm sáng và cơ hội. Những điểm này đã được Trung tâm phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng, dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát tốt khi các khu vực chuyển dần sang mùa hè với nhiệt độ tăng cao vào khoảng tháng 6 - tháng 7.

Đồng thời, với xu hướng các ngân hàng trung ương thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, chắc chắn các thị trường sẽ dần ổn định tâm lý, không xảy ra tình trạng hoảng loạn.

Những ngành nghề sáng trong bối cảnh kinh doanh hiện nay gồm công nghệ, viễn thông, thương mại điện tử, dịch vụ giao hàng, sản xuất ô tô, thực phẩm đóng hộp…

Những ngành có triển vọng là ngân hàng và xây dựng. Đối với ngành xây dựng là việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án lớn, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt theo kế hoạch.

Với việc thực hiện các chính sách tài khóa như trên sẽ sớm được ưu tiên do hiệu quả tức thì, ít độ trễ, qua đó góp phần vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Một ngành khác được xem là điểm sáng trong bối cảnh “trong nguy có cơ” là ngành điện. Khi thị trường có rủi ro biến động mạnh, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các tài sản đầu tư an toàn như vàng hoặc các công cụ tài chính mang lại lợi tức ổn định.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành điện có vị thế phòng thủ nhờ các yếu tố như ngành nghề thiết yếu nên hoạt động kinh doanh duy trì ổn định, doanh nghiệp có lịch sử trả cổ tức bằng tiền mặt ổn định hàng năm, rào cản gia nhập ngành lớn.

Thị trường hiện tại khó xác định điểm đáy, đồng nghĩa với việc các mốc hỗ trợ kỹ thuật có thể bị phá vỡ, tùy thuộc vào tình hình dịch cúm diễn tiến ở mức độ nào. Việc "bắt dao rơi" thường dựa vào các yếu tố kỹ thuật, tuy nhiên, những yếu tố này là bất định.

Nhà đầu tư cần thêm thời gian quan sát và chờ đợi một vài tuần để đánh giá kỹ hơn về cơ hội. Có thể nhà đầu tư sẽ bị "chậm chân" nếu thị trường hồi phục, nhưng bảo toàn tài sản và an toàn sức khỏe là việc cần làm hơn lúc này.  

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Tháng 3, chứng khoán chưa kết thúc quá trình dò đáy tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711644198 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711644198 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10