Sàng lọc cổ phiếu đưa vào danh mục đầu tư dài hạn
Dịch bệnh COVID-19 chắc chắn sẽ còn tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Điều này sẽ tác động ra sao tới thị trường chứng khoán Việt Nam?
Tăng trưởng kinh tế suy giảm
Mới đây theo ADB, sự lây lan của COVID-19 tạo ra sự giảm tốc đột ngột của nền kinh tế toàn cầu và có thể làm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm xuống mức 4,8% trong năm 2020. Nếu các rủi ro do COVID-19 gia tăng, tăng trưởng kinh tế có thể suy giảm mạnh hơn.
Trước đó, cuối tháng 3/2020, WB nhận định, tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19. Theo ước tính sơ bộ của WB, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam có thể giảm còn khoảng 4,9% năm 2020 (nghĩa là giảm khoảng 1,6 điểm phần trăm so với dự báo trước đó của WB).
Quả vậy theo Tổng cục thống kê, tăng trưởng GDP quý I/2020 ước tính đạt 3,82%- mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, theo cả 2 tổ chức trên, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, các yếu tố nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì. Nếu khống chế được dịch bệnh trong nửa đầu năm 2020, tăng trưởng kinh tế sẽ hồi phục trở lại mức 6,8% vào năm 2021 và duy trì mạnh mẽ trong trung và dài hạn.
Theo ADB, các động lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam chủ yếu từ tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, và khu vực kinh tế tư nhân năng động, vốn vẫn đang phát triển mạnh mẽ. Môi trường kinh doanh trong nước vẫn tiếp tục được cải thiện.
Các hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam tham gia hứa hẹn sẽ giúp nền kinh tế tăng tốc trở lại. Việt Nam cũng hưởng lợi từ việc Trung Quốc cơ bản khống chế được dịch, phục hồi tăng trưởng trở lại, góp phần khôi phục lại chuỗi giá trị toàn cầu.
Chứng khoán chịu tác động ra sao?
Nhiều chuyên gia cho rằng, dịch bệnh COVID-19 chủ yếu tác động ngắn hạn đến kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Do đó, khi dịch bệnh qua đi, thì kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng lấy lại được đà tăng trưởng tích cực trong nửa sau của năm 2020.
Ông Lê Ngọc Nam, Phó trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Tân Việt (TVISI) cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng GDP 4,8-5% năm 2020, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt trong quý 2/2020. Thậm chí Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng GDP năm 2021 ở mức 6,8%-7,2% như một số tổ chức quốc tế dự báo.
Có thể bạn quan tâm
Cổ phiếu BID tràn sắc tím sau chuỗi ngày bị bán tháo
16:00, 03/04/2020
Đón cơ hội đầu tư siêu cổ phiếu cho chu kỳ tăng giá mới
05:15, 03/04/2020
Tìm cơ hội đầu tư cổ phiếu trong dài hạn
11:30, 02/04/2020
Khi nào tham gia bắt đáy cổ phiếu?
04:15, 31/03/2020
Kịch bản nào cho nhóm cổ phiếu ngành dầu khí?
05:10, 30/03/2020
Ông Lê Ngọc Nam cho rằng, các nhà đầu tư nên xem xét và tin tưởng vào các con số dự báo tăng trưởng GDP nói trên để có chiến lược đầu tư phù hợp, không nên tiếp tục bán tháo cổ phiếu. Bởi trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã phản ứng thái quá với thị trường bằng cách bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá, do họ nghĩ rằng dịch bệnh COVID-19 sẽ gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu giống như cuộc khủng hoảng năm 2008-2009. Tuy nhiên trên thực tế, kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng sẽ chỉ bị suy giảm, chứ không đến mức rơi vào khủng hoảng như năm 2008.
"Đà đi xuống của thị trường chứng khoán năm nay khác với năm 2008, sẽ không tạo nên những đợt khủng hoảng lớn như năm 2008. Do đó, thị trường sẽ sớm phục hồi trở lại và nhà đầu tư không cần quá phải quan tâm đến những yếu tố không quan trọng ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư" - ông Lê Ngọc Nam nhận định và khuyến nghị, các nhà đầu tư nên sàng lọc các cổ phiếu có nền tảng tốt, đã giảm mạnh để đưa vào danh mục đầu tư dài hạn. Ngoài các yếu tố định lượng, nhà đầu tư nên lưu ý đến tỷ trọng đầu tư trong giai đoạn sắp tới.