PNJ “phát sốt” vì COVID-19
Đóng cửa những cửa hàng ở vùng dịch và sức mua sụt giảm mạnh do dịch bệnh là những thách thức không nhỏ đối với Công ty CP Vàng bạc Đá qúy Phú Nhuận (HoSE: PNJ).
PNJ đã công bố kết quả kinh doanh tháng 2 đầu năm 2020 với doanh thu thuần đạt 1.978 tỷ đồng, tăng 7% và lợi nhuận sau thuế đạt 177 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2020, PNJ đã hoàn thành 19,2% kế hoạch doanh thu và 25,3% kế hoạch lợi nhuận năm 2020.
Giá cổ phiếu giảm sâu
Dù kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm của PNJ khá tích cực, nhưng giá cổ phiếu PNJ ngày càng giảm mạnh. Khép lại phiên giao dịch ngày 31/3, cổ phiếu PNJ tiếp tục rơi sâu về mức 46.900 đồng/cổ phiếu. Nếu chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, cổ phiếu PNJ đã giảm gần 50% giá trị, từ vùng giá 86.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 46.900 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo giá này, mỗi cổ đông của PNJ mất đi tới 50% số tiền khi đầu tư vào cổ phiếu PNJ.
344 là tổng lợi nhuận hợp nhất của PNJ trong 2 tháng đầu năm 2020, giúp Công ty hoàn thành được 25,3% kế hoạch của năm 2019.
Sở dĩ cổ phiếu PNJ giảm mạnh trong các phiên giao dịch vừa qua do vào ngày 26 & 27/3/2020, PNJ đã tạm đóng cửa một số cửa hàng tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Tùy theo yêu cầu của chính quyền địa phương, PNJ sẽ tiếp tục phải đóng thêm các cửa hàng trong hệ thống trong những ngày sắp tới.
Trong thời gian này, kênh online của PNJ và những cửa hàng ngoài vùng dịch sẽ vẫn hoạt động bình thường.
Được biết khi giá cổ phiếu PNJ giảm mạnh, bà Trần Phương Ngọc Thảo, con gái bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT đã đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu PNJ.
Thách thức lớn
Ngoài thách thức về dịch COVID-19 và hệ thống đóng cửa thì hàng tồn kho của PNJ tăng hơn 2.000 tỷ đồng lên khoảng 7.000 tỷ đồng cũng là thách thức không nhỏ, nhất là khi hệ thống cửa hàng của PNJ đã tăng lên 348 cửa hàng vàng và 26 cửa hàng đồng hồ.
Với số lượng cửa hàng lớn phải tạm đóng cửa, nhưng PNJ vẫn phải thanh toán chi phí thuê cửa hàng và các chi phí nhân sự, quản lý doanh nghiệp…, đây cũng là một gánh nặng lớn đối với PNJ.
Tính đến cuối năm 2019, nợ vay ngắn hạn của PNJ đã tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng lên mức 2.611 tỷ đồng nhằm tài trợ một phần cho giá trị tồn kho. Doanh thu và lợi nhuận sụt giảm do dịch bệnh sẽ gây áp lực trả lãi vay trong ngắn hạn đối với PNJ.
Có thể bạn quan tâm
Cổ phiếu PNJ “nằm sàn” sau khi tạm đóng cửa một số cửa hàng
17:24, 30/03/2020
Đâu là mức giá mục tiêu của cổ phiếu PNJ?
04:00, 28/11/2019
Cuộc đua phân phối đồng hồ của PNJ và Thế Giới Di Động
11:35, 18/11/2019
PNJ “đuối sức”?
05:22, 27/07/2019
Vì sao lợi nhuận PNJ "về đáy" 1,5 năm?
11:00, 22/07/2019
Thách thức quản trị chi phí với PNJ
11:01, 16/03/2019
Ngoài ra, giá vàng đang có xu hướng biến động thất thường, cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới PNJ,vì doanh nghiệp này sẽ khó phòng ngừa rủi ro biến động giá vàng trong thời điểm phải tạm thời đóng cửa các cửa hàng.
Việc đóng cửa nhiều cửa hàng tại vùng dịch và nhu cầu tiêu thụ nữ trang sụt giảm mạnh do tác động của dịch bệnh chắc chắn sẽ tác động xấu đến doanh thu của PNJ trong ngắn hạn. Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2020 của PNJ sẽ giảm lần lượt 3,9% và 9,4% so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát, PNJ có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng khoảng 16,5% trong năm 2021 nhờ việc mở thêm 20 cửa hàng.
Kỹ thuật số thay đổi ngành bán lẻ
Thay vì đến nhiều địa điểm để chọn món hàng ưng ý, thì ngày nay khách hàng chỉ cần ngồi nhà và đặt mua hàng trực tuyến bằng một thao tác đơn giản trên điện thoại hoặc máy tính thông qua nền tảng kỹ thuật số. Đây là một thách thức, nhưng cũng là một cơ hội lớn để giúp các doanh nghiệp có thể phát triển thương hiệu của mình và khiến khách hàng mua nhiều hơn họ cần.
Công ty tiếp thị kỹ thuật số Wunderman Thompson dự đoán rằng kỷ nguyên mới của ngành bán lẻ đòi hỏi sự hiểu biết phức tạp về thị trường kỹ thuật số. Theo đó, các cửa hàng không còn hoạt động độc lập mà có sự kết nối gần như vô hạn với các điểm tương tác kỹ thuật số, công nghệ gương tương tác mà các thương hiệu bán lẻ quốc tế lớn đang thử nghiệm. Thành công của những nhà bán lẻ về mua sắm trực tuyến hàng đầu quốc tế như Amazon, Lazada, Tiki, Shopee là minh chứng lợi ích của công nghệ và kỹ thuật số đối với ngành bán lẻ.
Dù dịch bệnh đã và đang tác động tiêu cực đến ngành bán lẻ, nhưng nền tảng kỹ thuật số được xem là một yếu tố giúp ngành này khắc phục khó khăn trong mùa dịch, chuyển mình thay đổi trong những năm tới.