Giá dầu gây khó cho PVD
Giá dầu thế giới giảm mạnh đã và đang là trở ngại lớn đối với Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, HoSE: PVD).
Trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu PVD đã tăng khoảng 30% lên mức 9.140 đồng/cp nhờ kết quả kinh doanh quý I/2020 của PVD khá tích cực. Đây là mức tăng mạnh nhất trong số các cổ phiếu dầu khí.
Bứt tốc trong gian khó
Trong báo cáo tài chính quý 1/2020, đáng chú ý PVD không còn phải trích dự phòng phải thu khó đòi đối với các khoản nợ quá hạn của khách hàng. Đây là điểm tích cực so với cùng kỳ 2019. Theo đó, doanh thu của PVD ước đạt 1.650 tỷ đồng, tăng 45% so với kế hoạch, và lợi nhuận sau thuế ước đạt 27 tỷ đồng, tăng 80% so với kế hoạch. Trước đó trong quý 1/2019, PVD báo lỗ 93 tỷ đồng do sụt giảm nguồn thu và các chi phí phát sinh tăng cao.
172 tỷ đồng là tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế năm 2019 của PVD, gần như không thay đổi so với kết quả năm 2018.
Trong 2 năm trở lại đây, PVD luôn để ngỏ chỉ tiêu lợi nhuận khi lập kế hoạch. Lý do mà Ban lãnh đạo PVD đưa ra là do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố không thể lường trước, chẳng hạn việc thu hồi nợ và biến động của giá dầu. Trên thị trường khoan dầu khí có một số dấu hiệu cải thiện, nhưng giá cho thuê giàn luôn có độ trễ nhất định, nên chưa thể ghi nhận ngay vào kết quả kinh doanh…
Ông Nguyễn Xuân Cường- Tổng Giám đốc PVD, cho biết trong những tháng cuối năm 2019 hoạt động khai thác dầu khí tại khu vực Đông Nam Á đã có sự cải thiện rõ nét, nhu cầu khoan tăng dần, tạo tiền đề cho sự hồi phục, tăng trưởng của ngành dầu khí. Tuy nhiên, năm 2020 dịch COVID-19 hoành hành khiến cho giá dầu cũng như giá thuê giàn khoan vẫn còn ở mức thấp, các dịch vụ liên quan đến khoan bị ảnh hưởng nặng nề đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PVD…
Trở lực từ giá dầu
PVD cho biết trong quý 1/2020 các giàn khoan tự nâng có hiệu suất hoạt động đạt 100%, trong đó PVD sở hữu 4 giàn tự nâng (PV DRILLING I, II, III và VI) hoạt động liên tục tại thị trường Malaysia và 3 giàn khoan thuê (HAKURYU 11, IDUN và SAGA) hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, giàn đất liền PV DRILLING 11 đang có kế hoạch hoạt động trở lại sớm cho chiến dịch khoan của GBRS trong năm 2020, giàn khoan nước sâu PV DRILLING V đang tái khởi động để bắt đầu chiến dịch khoan tại Brunei cho Shell Brunei Petroleum, dự kiến trong năm 2021.
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán VNDirect cho thấy, lợi nhuận ròng của PVD năm 2020 ước tính tăng 35,2% so cùng kỳ, đạt 11 triệu USD nhờ hiệu suất hoạt động của các giàn tự nâng tăng 5% lên 95%. Bên cạnh đó, giá thuê ngày tăng 7,4% so với năm 2019, và hoàn nhập dự phòng nợ xấu 4,3 triệu USD.
Có thể bạn quan tâm
Cổ phiếu PVD bất ngờ đảo chiều tăng vì đâu?
15:49, 20/03/2020
Cổ phiếu PVD đảo chiều tăng ngắn hạn?
04:00, 11/11/2019
PVD báo lãi nhưng cổ phiếu vẫn chìm trong sắc đỏ
02:39, 26/07/2019
Vì sao PVD “bỏ ngỏ” kế hoạch lợi nhuận 2019?
05:00, 26/04/2019
Tuy nhiên, việc giá dầu duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài có thể khiến các dự án phát triển dầu khí mới của PVD bị trì hoãn do dòng tiền khai thác dự án trở nên kém khả quan hơn. Bên cạnh đó, giá các mảng dịch vụ giếng khoan và hoạt động thương mại có thể bị ảnh hưởng nếu giá dầu ở mức thấp.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, do dịch COVID-19, giá dầu sẽ còn xuống thấp và giữ ở mức như vậy một thời gian dài, nhưng sau đó có thể sẽ hồi phục. Trong tình hình đó, dù PVD trông đợi vào dòng tiền dương từ các hoạt động cho thuê giàn khoan thì cần xem xét tính toán một phương án cắt giảm chi phí hợp lý, nếu không sẽ rơi vào tình trạng bị thua lỗ.
Bài toán hóc búa với ngành dầu khí
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2020 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) dựa trên cơ sở giá dầu ở mức 50-60 USD/thùng. Nay giá dầu giảm mạnh, có thời điểm xuống chỉ còn hơn 20USD/thùng, thì rõ ràng doanh thu của ngành dầu khí sẽ sụt giảm.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành dầu khí phải xem xét lại kế hoạch tăng sản lượng dầu khí từ đầu năm, bởi trong bối cảnh giá dầu giảm như vậy thì tăng sản lượng sẽ bị lỗ, nên những mỏ dầu nào có chi phí giá thành khai thác quá cao thì nên tạm thời dừng lại.
Việc nhập trở lại dầu thô khi giá dầu thế giới giảm cũng cần được xem là một trong những giải pháp. Tuy nhiên, cần phải đánh giá một cách cụ thể hơn về tiềm lực tài chính cũng như những nguy cơ tiềm ẩn. Bởi nếu nhập dầu về dự trữ thì kho đủ khả năng dự trữ đến đâu, đặc biệt thời gian giảm giá dầu sẽ kéo dài trong bao lâu?. Nếu nhập về, giá dầu thế giới vẫn tiếp tục giảm sâu hơn nữa, thì rất nguy hiểm. Đây là bài toán kinh tế hóc búa với ngành dầu khí.