Nên đưa mã cổ phiếu nào vào danh mục đầu tư?
Theo VNDIRECT, bây giờ là thời điểm hợp lý để nhà đầu tư bắt đầu xây dựng những danh mục cổ phiếu chất lượng.
VNDIRECT cho biết, kể từ mức đỉnh năm 2020 đến hiện tại, VN-Index đã giảm 34,3% trước khi chạm đáy vào phiên ngày 1/4/2020 và phục hồi 16,3% từ đáy.
Với diễn biến thị trường hiện nay, còn quá sớm để khẳng định thị trường đã tạo đáy hay chưa, tuy nhiên chuyên gia VNDIRECT tin rằng đây là thời điểm phù hợp để bắt đầu xây dựng những danh mục cổ phiếu chất lượng.
Đại dịch COVID-19 không chỉ gây nên sự gián đoạn trên toàn cầu mà còn đe dọa mang lại suy thoái kinh tế toàn cầu. Các doanh nghiệp phải đối mặt với cả vấn đề khan hiếm nguồn cung và suy giảm tổng cầu. Tuy nhiên, theo một khía cạnh khác, đại dịch này giống như một sự chọn lọc tự nhiên, mở ra các cơ hội mới trong kinh doanh, đặc biệt đối với những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh để có thể chiếm lĩnh thị phần, bỏ xa đối thủ của mình.
VNDIRECT cho rằng, những công ty đang sở hữu lượng tiền mặt dồi dào và đòn bẩy tài chính thấp sẽ có khả năng chống chịu với thách thức tốt hơn so với các doanh nghiệp khác.
Chuyên gia VNDIRECT cho rằng nhà đầu tư cần tập trung vào 2 yếu tố: Thứ nhất, những công ty có lượng tiền mặt lớn sẽ đủ khả năng để tồn tại và nhanh chóng thay đổi trong hoàn cảnh hiện tại và sau dịch bệnh. Thứ hai, những bất ổn trên thị trường gần đây tạo ra cơ hội để tích lũy các cổ phiếu giá trị bị thị trường định giá thấp.
VNDIRECT sử dụng phương pháp sàng lọc từ dưới lên cho toàn bộ 1.023 cổ phiếu trên thị trường của cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCOM, loại trừ các ngành như ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán. Bộ lọc được dựa theo các tiêu chuẩn sau: Khối lượng khớp lệnh trung bình tuần > 10.000 cổ phiếu; Vốn hóa thị trường > 200 tỷ đồng; Tiền mặt ròng/Vốn hóa thị trường > 50%; Tỷ lệ vay nợ/vốn chủ < 1.
Ngoài ra, VNDIRECT cũng bổ sung thêm phần đánh giá tổng quan tác động của dịch COVID-19 lên hoạt động cốt lõi của từng công ty. Theo đó, bức tranh tổng quan như sau: 48 cổ phiếu (4,7%) có chỉ số tiền mặt ròng trên vốn hóa thị trường lớn hơn 100%, điều này có nghĩa những cổ phiếu này sẽ có tỷ lệ rủi ro thấp; 412 cổ phiếu (40,2%) có lượng tiền mặt ròng dương; 795 cổ phiếu (77,7%) từ các công ty có tỷ lệ vay/vốn chủ < 1; 228 cổ phiếu từ các công ty (22,3%) có tỷ lệ vay/vốn chủ > 1, trong đó 79 công ty (7,7%) có tỷ lệ vay/vốn chủ >2.
VNDIRECT cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên tự có thêm sự sàng lọc và chọn lựa của riêng mình từ gợi ý của danh mục “Doanh nghiệp giàu tiền mặt”. Mặc dù đây là những cổ phiếu có mức rủi ro thấp nhưng một số lại không có nhiều động lực tăng giá. VNDIRECT kỳ vọng vào sự phục hồi từ nhóm cổ phiếu dầu khí (như DPM, PVS, OIL, PGD...) khi mà tác động kép từ cuộc chiến giá dầu và ảnh hưởng dịch COVID-19 đã phản ánh vào giá.
Có thể bạn quan tâm
Tìm cổ phiếu rủi ro thấp, lợi nhuận cao
08:03, 15/04/2020
Hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu đã sinh lời
18:00, 14/04/2020
Cơ hội nào cho nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu GVR?
05:00, 14/04/2020
Cặp đôi cổ phiếu SHB- SHS "làm mưa làm gió" trên sàn HNX
04:15, 11/04/2020
Cổ phiếu LIX bật tăng, có nên mua vào lúc này?
04:00, 10/04/2020
Vì sao dòng tiền "thờ ơ" với cổ phiếu dệt may?
04:15, 09/04/2020
Bên cạnh đó, những cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp (IP) và logistics đều đang hấp dẫn bởi vị thế tiền mặt lớn. Trong khi đó ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang thấm dần vào hoạt động của doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2020 thì cả IP và logistics đều được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh hơn so với các ngành khác nhờ vào: Thứ nhất là sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và thứ hai là các hiệp định thương mại tự do sắp tới của Việt Nam.
Ngoài ra, chuyên gia VNDIRECT đánh giá không khả quan với ngành xây dựng, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng dân dụng trong năm nay tiếp tục bị ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm. Mặc dù nhu cầu nhà ở tăng cao, nhưng sự trì hoãn cấp phép dự án và áp lực vốn vẫn đè nặng lên các nhà phát triển bất động sản thời kỳ hậu dịch.